Hơn 193,8 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 35,2 triệu ca mắc và hơn 626.500 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 44.500 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 23/7, nước này ghi nhận hơn 39.400 ca mắc mới COVID-19 và 536 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 31,3 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 420.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 hồi phục tại Ấn Độ là 97,36%, trong khi tỷ lệ tử vong là 1,34%. Tỷ lệ dương tính hàng ngày được ghi nhận là 2,12%. Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, tỷ lệ này đã duy trì ở mức thấp dưới 3% trong 32 ngày liên tiếp. Đến nay, Ấn Độ đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 423 triệu người.
Trong 24 giờ qua, Brazil không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Đến nay, hơn 547.000 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi trong tổng số trên 19,5 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Đức đã đưa Tây Ban Nha và Hà Lan vào danh sách các nước và khu vực có nguy cơ cao lây lan dịch COVID-19. Theo đó, tất cả hành khách nhập cảnh và công dân Đức trở về từ các nước này phải thực hiện cách ly ít nhất 5 ngày nếu chưa tiêm vaccine phòng bệnh. Theo Viện Dịch tễ Robert Koch của Đức, quyết định này có hiệu lực từ ngày 27/7 tới và được đưa ra đúng mùa cao điểm du lịch khi học sinh, sinh viên trên khắp nước Đức bước vào kỳ nghỉ Hè. Trong bối cảnh đó, việc chỉ có khoảng 2% trong số những người dưới 18 tuổi ở Đức được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ đã làm dấy lên lo ngại dịch bùng phát mạnh hơn khi các gia đình đi du lịch. Hiện Đức ghi nhận hơn 3,76 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có trên 92.000 người tử vong.
Chính phủ Italy đã thông qua sắc lệnh mới nhằm ứng phó với diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 và biến thể Delta. Theo sắc lệnh mới, tình trạng khẩn cấp sẽ được gia hạn đến hết ngày 31/12, đồng thời quy định việc áp dụng "thẻ xanh", có giá trị như "hộ chiếu vaccine" với tất cả công dân Italy trên 12 tuổi.
Tình trạng khẩn cấp tại nước này được kích hoạt từ ngày 31/1/2020 và sẽ hết hạn vào ngày 31/7. Việc kéo dài tình trạng khẩn cấp đến ngày 31/12 sẽ trao thêm quyền cho Chính phủ cũng như chính quyền các vùng trong việc huy động nguồn lực y tế hậu cần khi cần thiết nhằm bảo vệ công dân trước biến thể Delta.
Australia đã phê duyệt việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer cho trẻ từ 12 đến 15 tuổi trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với đợt bùng phát do biến thể Delta tại 3 bang. Cho đến nay, Australia mới chỉ cho phép tiêm vaccine của Pfizer cho những người từ 16 tuổi trở lên. Hội đồng tiêm chủng của nước này sẽ tư vấn cụ thể về những nhóm trẻ được ưu tiên tiêm vaccine và thời điểm nên tiêm chủng.
Hiện tại, tiến độ tiêm chủng tại Australia vẫn còn chậm. Chưa tới 15% dân số trưởng thành đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19. Trước đó, Mỹ, Liên minh châu Âu và Anh cũng đã phê duyệt việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer cho trẻ từ 12 đến 15 tuổi.
Ngày 23/7, Australia đã báo động tình trạng khẩn cấp quốc gia tại thành phố Sydney trong bối cảnh thành phố lớn nhất nước này ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục. Giới chức Australia thừa nhận, các biện pháp phong tỏa kéo dài 1 tháng qua đã không thể ngăn chặn đợt bùng phát mới do biến thể Delta ở Sydney. Do vậy, việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia có thể mở đường để Chính phủ liên bang can thiệp nhiều hơn trong công tác phòng chống dịch ở thành phố này, cũng như khẩn cấp bổ sung vaccine và các nguồn lực để hỗ trợ. Các biện pháp hạn chế tại Sydney, thành phố 5 triệu dân, có thể kéo dài đến tháng 10 tới. Những nhân viên làm việc trong lĩnh vực không thiết yếu không được phép ra khỏi nhà.
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp ở Australia, Chính phủ New Zealand tuyên bố tạm dừng "bong bóng đi lại" với nước này trong ít nhất 8 tuần. Bắt đầu từ đêm 23/7, người dân Australia đến New Zealand phải cách ly. Đồng thời, tất cả những người từ Australia tới New Zealand phải trình kết quả xét nghiệm âm tính trước khi lên máy bay. Trong đó, những người từ bang New South Wales, nơi dịch đang bùng phát mạnh, khi tới New Zealand sẽ phải cách ly 14 ngày. New Zealand cho biết, biến chủng Delta đã làm gia tăng mức độ rủi ro và làm dịch COVID-19 thay đổi. Vì thế, nước này cũng phải thay đổi chính sách ưu tiên đi lại với Australia.
New Zealand tuyên bố tạm dừng "bong bóng đi lại" với Australia. (Ảnh: AP)
Đông Nam Á đang phải đối mặt với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khi các nước tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca mắc mới COVID-19 và số ca tử vong tiếp tục ở mức cao
Do dịch COVID-19 tái bùng phát, Singapore đã quyết định lùi lịch tổ chức lễ diễu hành mừng Quốc khánh tới ngày 21/8, thay vì vào ngày 9/8 như kế hoạch. Bộ Quốc phòng Singapore cho biết, vì nước này đang siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội cho tới ngày 18/8 nên lễ diễu hành mừng Quốc khánh, trình diễn pháo hoa cũng như các hoạt động tổng duyệt đều sẽ bị hủy. Bài phát biểu trước toàn dân của Thủ tướng Lý Hiển Long cũng sẽ lùi đến ngày 29/8 thay vì 22/8.
Singapore ngày 23/7 ghi nhận 133 ca nhiễm mới COVID-19. Đến nay, hơn 63.900 người đã nhiễm bệnh và 36 ca tử vong do COVID-19 tại quốc gia này.
Cùng ngày, Indonesia báo cáo 1.566 ca tử vong vì COVID-19, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước tới nay. Số ca mắc mới trong ngày là 49.071 trường hợp, nâng tổng số ca mắc COVID-19 vượt qua mốc 3 triệu người. Cụ thể, tính đến nay, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 3.082.410 ca mắc, trong đó có 2.431.911 người đã bình phục, 80.598 trường hợp tử vong trong khi vẫn còn gần 560.000 bệnh nhân vẫn đang được điều trị tại bệnh viện hoặc tự cách ly ở nhà. Indonesia đã chính thức ra lệnh cấm nhập cảnh với lao động nước ngoài.
Hệ thống y tế của Indonesia đang bị quá tải nghiêm trọng. Một số khu vực bên ngoài đảo Java đang đề nghị chính quyền trung ương giúp đỡ khi các bệnh viện đều quá tải và nguồn cung cấp ôxy y tế cũng như vaccine ngừa COVID-19 đang thiếu hụt trầm trọng. Tình trạng này làm dấy lên lo ngại khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 sẽ lan rộng ra ngoài đảo Java và Bali.
Thủ đô Jarkata của Indonesia đang tiến hành sửa đổi Quy định khu vực về ứng phó đại dịch COVID-19 theo hướng truy tố hình sự với các trường hợp vi phạm phòng dịch, trong đó trao thẩm quyền điều tra cho các viên chức dân sự và cơ quan trật tự công cộng, cũng như áp đặt các chế tài hình sự với những người tái phạm. Việc siết chặt các quy định pháp lý được thực hiện trong bối cảnh nước này tiếp tục là điểm nóng dịch bệnh tại khu vực và trên toàn cầu.
Philippines xác nhận thêm 6.845 ca mắc COVID-19 mới. Lo ngại trước sự gia tăng của các biến thể SARS-CoV-2, Bộ Y tế Philippines cảnh báo, người dân phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định bảo vệ sức khỏe cộng đồng tối thiểu, tiếp tục tránh lui tới những không gian kín cũng như tụ tập đông người.
Philippines sẽ cấm nhập cảnh đối với các du khách đến từ Malaysia và Thái Lan nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta. Quyết định trên sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày 25/7 và kéo dài cho đến hết tháng 7. Trước đó, Philippines đã cấm nhập cảnh với 8 quốc gia, trong đó có Indonesia và Ấn Độ.
Từ ngày 23/7, Philippines thắt chặt các biện pháp phòng dịch ở thủ đô Manila và tỉnh lân cận cho đến cuối tháng 7. Các địa điểm du lịch, thể thao trong nhà bị ngừng hoạt động. Hàng triệu trẻ em Philippines sẽ phải ở nhà theo lệnh phong tỏa của Chính phủ nước này nhằm đối phó với sự bùng phát ca nhiễm mới do biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh.
Người phát ngôn của Thổng thống Philippines, ông Harry Roque, cho biết biện pháp hạn chế này áp dụng đối với trẻ em từ 5-17 tuổi tại thủ đô Manila và 4 tỉnh có số ca mắc mới COVID-19 tăng đột biến. Ngoài ra, Chính phủ Philippines cũng siết chặt các quy định đối với những cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thẩm mỹ viện và các sự kiện tôn giáo.
Bộ Y tế Philippines (DOH) xác nhận, biến thể Delta đang lây lan trong cộng đồng sau khi trong tuần qua, nước này lần đầu phát hiện biến thể Delta trong những mẫu xét nghiệm công dân từ nước ngoài về nước. Tính đến nay, Philippines phát hiện 47 ca nhiễm biến thể Delta trên ca nước, với 12 ca được ghi nhận ngày 22/7.
Với hơn 1,5 triệu ca nhiễm và gần 27.000 ca tử vong, Philippines là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề thứ 2 do dịch COVID-19 ở khu vực Đông Nam Á.
Malaysia tiếp tục ghi nhận kỷ lục về số ca mắc mới COVID-19 với 15.573 trường hợp được phát hiện trong 24 giờ qua. Như vậy, đến nay, Malaysia ghi nhận tổng cộng 980.491 ca COVID-19, trong đó có 7.718 bệnh nhân thiệt mạng. Bộ Y tế Malaysia cho biết đã phát hiện thêm 119 ca nhiễm các biến thể của virus SARS-CoV-2, gồm 106 ca nhiễm biến thể Delta, 10 ca nhiễm biến thể Beta và 3 ca nhiễm biến thể Alpha, nâng tổng số người nhiễm biến thể của virus tại Malaysia lên 429 trường hợp.
Thái Lan ghi nhận thêm 14.575 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ, con số cao nhất kể từ đầu dịch, bên cạnh 114 ca tử vong. Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha bày tỏ lo ngại về các trường hợp mắc COVID-19 tử vong sau khi không được điều trị kịp thời.
Thái Lan ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục trong ngày 23/7. (Ảnh: AP)
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây nguy hiểm rất lớn cho trẻ em, Campuchia đã đặt mua 5 triệu liều vaccine Sinovac của Trung Quốc để tiêm phòng cho thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi. Thanh thiếu niên tại Phnom Penh và tỉnh Kandal lân cận sẽ là đối tượng được ưu tiên tiêm phòng trước, sau đó sẽ đến nhóm thanh thiếu niên ở tỉnh Preah Sihanouk và các tỉnh khác.
Hiện dịch COVID-19 tại Campuchia đang tiếp tục lan rộng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngày 23/7, Bộ Y tế Campuchia ra thông báo ghi nhận thêm 34 ca tử vong và 825 trường hợp mắc mới, trong đó có 335 người nhập cảnh và 490 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến nay, Campuchia phát hiện tổng cộng 71.244 ca mắc COVID-19, trong đó 63.474 người khỏi bệnh và 1.222 bệnh nhân không qua khỏi.
Để ứng phó với số lượng ca mắc COVID-19 chủ yếu là người nhập cảnh đang gia tăng, một số tỉnh của Lào đã được hỗ trợ giường bệnh và thiết lập bệnh viện dã chiến để điều trị cho các bệnh nhân. Ngày 23/7, Bộ Y tế Lào thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 223 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 2 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng tại tỉnh Champasak, 1 ca cộng đồng tại tỉnh Luang Namtha, còn lại là người nhập cảnh được cách ly ngay. Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 4.342 ca nhiễm COVID-19 và 5 người tử vong
Các cơ quan y tế Hàn Quốc đang tích cực chuẩn bị cho tình huống thiếu giường dành cho những bệnh nhân COVID-19 nặng có thể xảy ra trong bối cảnh số ca nhiễm mới hàng ngày đang tăng theo cấp số nhân.
Ngày 23/7, Hàn Quốc ghi nhận thêm 1.630 trường hợp mắc COVID-19 mới. Hiện các trung tâm điều trị tạm thời cho bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ ở một số khu vực hầu như đã bị quá tải trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm thứ 4 đang có xu hướng lan rộng ra cả nước. Theo những thông tin mới nhất, Hàn Quốc sẽ gia hạn các quy định giãn cách xã hội mức cao nhất ở khu vực Seoul và vùng phụ cận trong 2 tuần tới.
Theo đó, những nơi này sẽ tiếp tục giãn cách xã hội tới ngày 8/8. Các cuộc tụ tập hơn 2 người sẽ bị cấm sau 18h. Đám cưới, đám ma chỉ họ hàng được phép tham gia. Các cơ sở giải trí, trong đó có cả câu lạc bộ đêm, sẽ bị yêu cầu đóng cửa, trong khi các nhà hàng sẽ chỉ được phép tiếp khách đến ăn tối tới 22h.
Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể Delta sẽ sớm trở thành biến thể lây nhiễm chính trên toàn cầu. Trong 2 tuần đầu tháng 8, tổng số ca nhiễm COVID-19 của thế giới được dự báo sẽ tăng lên mức trên 200 triệu người. Thống kê trong 1 tháng trở lại đây, mỗi tuần trung bình ca nhiễm mới trên thế giới tăng 12%, cao nhất là ở 2 khu vực Tây Thái Bình Dương và châu Âu.
Trong số tất cả những ca nhiễm được giải mã trình tự gene trên thế giới, 75% là biến thể Delta. Tốc độ lây nhiễm của làn sóng hiện tại nhanh hơn rất nhiều so với các đợt dịch trước kia. Nguyên nhân là do biến thể mới, nới lỏng hạn chế quá sớm và cả tiêm chủng chưa đồng đều.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!