Từ Mỹ, Nga, cho tới châu Âu. Hàng loạt các cuộc bầu cử quan trọng sẽ được tổ chức, định hình bức tranh chính trị Thế giới trong năm 2024 và nhiều năm tiếp theo. Truyền thông quốc tế dùng từ "lịch sử" để nói về năm bầu cử 2024 này. "2024 là năm bầu cử lớn nhất trong lịch sử" là nhan đề của bài viết trên tạp chí The Economist, "2024 - năm siêu bầu cử" - nhan đề của bài phân tích trên Statista hay Tạp chí Foreign Policy có bài "Năm thế giới đi bầu cử".
Các cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế còn nhiều bất ổn, với tâm điểm là kinh tế giảm tốc. Các điểm nóng xung đột như Nga - Ukraine và Israel - Hamas vẫn chưa hạ nhiệt. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước vẫn phức tạp. Kết quả bầu cử, đặc biệt tại các nước lớn, chắc chắn tác động tới tình hình chính trị và kinh tế thế giới, tạo ra những thay đổi mang tính bước ngoặt đối với trật tự quốc tế, cán cân địa - chính trị cũng như các cuộc xung đột, khủng hoảng và quan hệ kinh tế, thương mại toàn cầu.
Bầu cử Tổng thống Nga 2024: Ông Putin được cử tri ủng hộ
Cuộc bầu cử Tổng thống Nga sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 15 - 17/3/2024. Lần đầu tiên kể từ năm 2008, sẽ chỉ có 4 ứng cử viên tham gia tranh cử. Trong đó, Tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin tranh cử với tư cách ứng viên độc lập. Các cuộc thăm dò dư luận được tiến hành gần đây cho thấy ông Putin vẫn là chính trị gia nhận được sự ủng hộ lớn nhất từ cử tri Nga.
Cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới sẽ là cuộc tranh cử thứ 5 trong sự nghiệp chính trị của ông Putin. Trong cuộc bầu cử gần nhất năm 2018, ông Putin nhận được 76,69% phiếu bầu, đây cũng là kết quả tốt nhất sau 4 lần tranh cử Tổng thống. Hiện, ông Putin vẫn dành được sử ủng hộ rất lớn của các cử tri Nga trong cuộc bầu cử năm nay.
Ông Dmitry - người dân Nga - nói: "Tôi tin rằng trong tình hình địa chính trị hiện nay, ông Vladimir Putin là người bảo đảm hiến pháp và tôi khen ngợi quyết định của ông ấy. Tôi sẽ bỏ phiếu cho ông ấy".
Ông Vitaly Grishchenkov - người dân Nga - chia sẻ: "Tôi kỳ vọng từ nhiệm kỳ Tổng thống mới của chúng tôi, chúng tôi sẽ có sự ổn định, sẽ có tăng trưởng kinh tế, tiền lương tăng, chiến thắng cuối cùng sẽ đến".
Nước Nga trong nhiệm kỳ của ông Putin vẫn duy trì là nền kinh tế lớn, cường quốc về quân sự, là nhà xuất khẩu khí đốt hàng đầu. Mặc dù hứng chịu hơn 14.000 lệnh trừng phạt từ sau chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2/2022, nền kinh tế Nga vẫn tăng trưởng tốt. Kinh tế Nga năm 2023 vừa qua đã vượt qua cả Mỹ và châu Âu về tăng trưởng, đạt 3,6%. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế Nga đạt 2,6% trong năm nay. Dự báo này thậm chí còn cao hơn dự báo của chính phủ Nga.
Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin: "Chỉ số quan trọng nhất của kinh tế là tốc độ tăng trưởng của tổng sản phẩm quốc nội. Chúng tôi đã phục hồi trở lại sau 1 năm suy giảm".
Về chính sách đối ngoại, trong nhiệm kỳ vừa qua, Tổng thống Nga Putin đã công bố một "khái niệm chính sách đối ngoại" mới, nêu rõ các ưu tiên và trọng tâm toàn cầu của Moscow cho tương lai. Nga khẳng định, nước này quan tâm đến việc duy trì sự cân bằng chiến lược, cùng tồn tại hòa bình và thiết lập sự cân bằng lợi ích giữa Nga và Mỹ, có tính đến vị thế của Mỹ là cường quốc hạt nhân. Moscow cũng chủ trương phát huy tối đa tiềm năng của quan hệ đối tác chiến lược với các nước láng giềng lớn là Trung Quốc và Ấn Độ, với các quốc gia thuộc thế giới Hồi giáo cũng như với các nước ASEAN, lục địa châu Phi, châu Mỹ Latinh và vùng Caribe.
4 ứng cử viên tham gia tranh cử Tổng thống Nga năm 2024 (Ảnh: AFP)
Cuộc bầu cử năm nay diễn ra khi Nga vẫn đang trong cuộc chiến tại Ukraine cũng như phải đối phó với những lệnh cấm vận kéo dài với phương Tây. Tuy nhiên, theo ông Dmitry Egorchenkov - Viện trưởng Viện nghiên cứu và dự báo chiến lược RUDN: "Dù diễn ra trong bối cảnh bên ngoài rất khó khăn, nhưng nhìn từ góc độ tình hình trong nước ở Nga, cuộc bầu cử một lần nữa khẳng định mọi thứ đang diễn ra ổn định, từ thái độ của người dân Nga đối với hệ thống chính trị nói chung và đối với những con người cụ thể trong hệ thống chính trị, và đối với cả các lực lượng chính trị. Điều đó cũng cho thấy là không có bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào trước áp lực do tình hình địa chính trị từ bên ngoài".
Phân tích lý do ông Putin sau nhiều nhiệm kỳ vẫn được cử tri Nga tin tưởng và tín nhiệm, ông Dmitry Egorchenkov khẳng định: "Tổng thống Putin từ lâu đã khẳng định được vị trí của mình đối với công dân Nga. Các cử tri biết rõ ông. Tất nhiên là trong bất kỳ cuộc sống hiện thực nào cũng có những khó khăn, không phải lúc nào cũng diễn ra chính xác như những gì đã hứa hoặc những gì được kỳ vọng. Nhưng tôi nghĩ rằng, điều quan trọng mà các công dân Nga hiểu và nhìn thấy là mong muốn, nỗ lực và cố gắng thực hiện điều này từ ông Putin".
Sức nóng của cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024
Dư luận cũng đang chú ý tới cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ - nền kinh tế số 1 thế giới. Cuộc bầu cử này đang bước vào giai đoạn tăng tốc khi cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều tiến hành các cuộc bầu cử sơ bộ để xác định ứng cử viên đai diện cho Đảng của mình tham gia tranh cử. Kết quả đang vạch ra một kịch bản thú vị - bầu cử Tổng thống năm nay ở Mỹ rất có thể sẽ là cuộc tái đấu giữa Tổng thống đương nhiệm Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump.
Phải đến cuối năm nay, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ mới diễn ra nhưng sức nóng của nó đã có thể cảm nhận ngay từ bây giờ cùng với các cuộc bầu cử sơ bộ đang diễn ra. Phía Đảng Dân chủ, ngày 7/2, đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden đã dễ dàng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ tại bang Nevada khi nhận được 91% số phiếu ủng hộ. Đây là chiến thắng lớn thứ hai của ông Biden chỉ trong 4 ngày, khi ngày 3/2, ông cũng đã giành được một chiến thắng lớn khác trong cuộc bầu cử sơ bộ ở bang South Carolina với 96% số phiếu ủng hộ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden nói: "Tôi nghĩ tất cả các bạn đều đồng ý với tôi rằng đây không chỉ là một chiến dịch, đây giống như một sứ mệnh hơn. Chúng ta không thể thua chiến dịch này vì lợi ích của đất nước. Điều đó không phải vì tôi, mà vì đất nước".
Trong khi đó, chiến thắng áp đảo của ông Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ tại 2 bang Iowa ngày 15/1 và New Hampshire 23/1 gần như là dấu hiệu chắc chắn rằng ông sẽ là người đại diện cuối cùng cho đảng Cộng hòa. Những kết quả này nhiều khả năng mở đường cho cuộc tái đấu của 2 kỳ phùng địch thủ vào cuối năm nay.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh: "Những gì chúng tôi muốn là chú trọng đến biên giới, công ăn việc làm, sự tự do, và 100% vì nước Mỹ".
Theo một số chuyên gia, lạm phát và tình trạng của giới trung lưu sẽ là "đòn tấn công" chính của ông Trump nhằm vào ông Biden trong cuộc tranh cử năm 2024. Trong lần tranh cử này, ông Trump nhấn mạnh sẽ tiếp tục chương trình nghị sự "Nước Mỹ trên hết" của mình, trong đó có kế hoạch áp thuế 10% với hàng nhập khẩu, thậm chí là 60% đối với hàng hóa Trung Quốc, để bảo vệ các ngành công nghiệp của Mỹ. Bên cạnh đó, nếu trở lại Nhà Trắng, ông Trump có thể sẽ ban hành một loạt sắc lệnh hạn chế người nhập cư. Ngoài ra, trong chính sách năng lượng, ông Trump từng cam kết, nếu tái đắc cử, sẽ loại bỏ mọi rào cản để thúc đẩy hoạt động khai thác dầu khí tại Mỹ.
Về phía các cử tri Mỹ, mối quan tâm hàng đầu hiện nay, theo các cuộc thăm dò, vẫn là "sức khỏe" nền kinh tế, lạm phát, nhập cư và an ninh biên giới, y tế và an sinh xã hội.
Anh Javin Young - người dân Mỹ - nói: "Lạm phát, chi phí sinh hoạt, vấn đề việc làm là một số mối bận tâm lớn nhất đối với tôi hiện nay".
Ông Leo Jones - người dân Mỹ - chia sẻ: "Tôi lo ngại về vấn đề nhập cư bất hợp pháp và những vấn đề tương tự. Ngoài ra còn có chi phí sinh hoạt, tài nguyên và những thứ mà chúng ta đang mất kiểm soát, giá thực phẩm, xăng dầu, tất cả những thứ khác đang tăng giá".
Bên cạnh đó, các vấn đề đối ngoại được cử tri quan tâm hơn trong năm 2024 liên quan đến mức độ cam kết và viện trợ của Mỹ cho Ukraine, xung đột tại Trung Đông cũng như chiều hướng chính sách với Trung Quốc.
Các cuộc thăm dò đều đang nghiêng về kịch bản một cuộc tái đấu giữa Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump. Điểm khác biệt đầu tiên ở cuộc đua giữa hai nhân vật này so với 4 năm trước là ngay từ rất sớm, thậm chí là chưa cần tới các cuộc tranh luận trong nội bộ hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa diễn ra trong năm nay, ông Joe Biden và ông Donald Trump đều đã gần như được nhìn nhận là 2 ứng cử viên sáng giá nhất đại diện cho hai Đảng tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng. Năm nay, việc ông Trump đang bị điều tra trong 4 vụ án hình sự riêng biệt - điều chưa từng xảy ra đối với một cựu Tổng thống Mỹ - lại không hề khiến ông mất điểm với cử tri như dự báo mà còn thu hút thêm người ủng hộ, giúp ông trở thành ứng cử viên dẫn đầu Đảng Cộng hòa trong các cuộc bầu cử sơ bộ. Điều đó cho thấy cuộc đua năm nay sẽ còn nhiều ẩn số.
Bối cảnh nước Mỹ trước bầu cử Tổng thống 2024
Nếu cuộc tái đấu giữa ông Joe Biden và ông Donald Trump diễn ra thì sẽ là một cuộc tranh đua vô cùng khốc liệt. Bởi bối cảnh nước Mỹ hiện tại, cả đối nội và đối ngoại, còn nhiều điểm nóng để cả hai ứng cử viên có thể khai thác, giành sự ủng hộ cử tri về phía mình.
Những ngày cuối tháng 2, kinh tế nước Mỹ tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng, thị trường việc làm ổn định. Các dự báo về nguy cơ suy thoái bị đẩy lùi. Tuy nhiên, lạm phát cao hơn dự báo, tình hình nhập cư và các lo ngại về đời sống người lao động vẫn là những yếu tố tác động cục diện kinh tế đất nước, chi phối bầu cử tại Mỹ.
Theo ông Adam Coons - nhà quản lý danh mục đầu tư tại hãng Winthop Capital: "Lực lượng lao động dồi dào sẽ giúp ích cho Tổng thống đương nhiệm Biden trong cuộc bầu cử. Nhưng đây chỉ là một điểm dữ liệu. Tôi nghĩ có lẽ chúng ta sẽ thấy một số thay đổi lớn về lực lượng lao động trong vài tháng tới. Chúng ta có thể sẽ bắt đầu thấy tình trạng sa thải nhân viên. Bây giờ, các số liệu kinh tế đang giúp cho Tổng thống Joe Biden nhưng vẫn còn nhiều điều có thể xảy ra".
Nước Mỹ trong năm bầu cử 2024 cũng chứng kiến một môi trường chính trị nội bộ phức tạp, khó lường, với nhiều biến số. Cựu Tổng thống Donald Trump dù đang chiếm ưu thế trong các thăm dò dư luận, nhất là tại các bang "chiến trường" quan trọng, song cũng phải đối mặt với nhiều vướng mắc về pháp lý. Ông Biden với ưu thế Tổng thống đương nhiệm sẽ dồn nhiều nguồn lực tạo thành tích tranh cử. Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ ông đã sụt giảm do một bộ phận cử tri Mỹ lo ngại về tình trạng lạm phát ảnh hưởng đến người lao động và tầng lớp trung lưu tại Mỹ. Bối cảnh chính trị trong nước cũng có thể là phép thử cho cam kết của Tổng thống Biden với Israel - một chính sách có nguy cơ làm xói mòn vị thế của Tổng thống Joe Biden với các cử tri trẻ và người da màu, những thành phần quan trọng trong liên minh ủng hộ ông.
Ông Kirk Randazzo - Khoa Khoa học Chính trị, Đại học South Carolina, Mỹ - phân tích: "Số phiếu của người da màu, theo truyền thống, là rất lớn. Đó là một trong những khó khăn mà đương kim Tổng thống Biden đang phải đối mặt. Các cử tri, đặc biệt là đàn ông da màu, ít nhiệt tình hơn với ông Joe Biden và các chính sách của ông. Không rõ liệu họ sẽ đi bỏ phiếu hay chỉ đơn giản là ở nhà".
Về đối ngoại, Mỹ vẫn đang căng mình trên nhiều điểm nóng toàn cầu, từ xung đột lan rộng tại Trung Đông, cuộc chiến tại Ukraine cho đến điểm nóng trên bán đảo Triều Tiên… đã khiến nội bộ nước Mỹ có những sự thiếu đồng thuận trong nhiều chính sách. Nội bộ đảng Dân chủ Mỹ chia rẽ về lập trường liên quan xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas. Trong khi đó, các thành viên đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ cũng phản đối đề xuất viện trợ cho Ukraine của Tổng thống Biden.
Hiện vẫn còn nhiều điều khó dự đoán về bầu cử Mỹ và cục diện sẽ rõ ràng hơn vào ngày 5/3/2024 - ngày được gọi là "siêu thứ Ba" khi 15 bang đồng loạt tổ chức bầu cử sơ bộ.
Tổng thống Biden đang phải thực hiện một loạt các biện pháp nhằm kiểm soát lạm phát, trong đó giá xăng dầu là một ưu tiên. Mặc dù Mỹ cam kết đi đầu trong việc chuyển đổi năng lượng nhưng trong thời gian gần đây, Mỹ cũng đang gia tăng khai thác dầu thô, ở mức kỷ lục, để giữ giá xăng dầu ở mức thấp để kiềm chế lạm phát. Chính phủ Mỹ đang đàm phán với các công ty dược phẩm lớn về giá thuốc nhằm đạt mục tiêu hạ giá 10 loại thuốc mà người Mỹ đang phải trả tiền.
Tuần trước, các thượng nghị sỹ đảng dân chủ thuộc Ủy ban Y tế, giáo dục, lao động và lương hưu đã chất vấn 3 Tổng Giám đốc 3 công ty hàng đầu của Mỹ về việc chi phí thuốc tính theo đơn tại Mỹ quá cao, cao hơn cả Canada và Nhật Bản. Còn về nhập cư, Tổng thống Biden cũng đang nỗ lực thúc đẩy các dự luật bảo vệ biên giới, kiểm soát nhập cư tại khu vực biên giới phía Nam.
Theo thống kê đăng tải trên CNBC, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 sẽ là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đắt đỏ nhất mọi thời đại. Nguyên tiền ngân sách quảng cáo vận động cử tri dự báo sẽ vượt 10 tỷ USD trên tất cả các phương tiện truyền thông. Cuộc đua tốn kém này sẽ tiếp tục được theo dõi sát sao khi mà thời gian vẫn còn đủ để các ứng cử viên đưa ra các chính sách thu hút cử tri, trước khi cuộc bầu cử chính thức diễn ra vào tháng 11/2024.
Xu hướng cực hữu đang lên trước bầu cử Nghị viện châu Âu
Tại châu Âu, tháng 6 năm nay, hơn 400 triệu cử tri tại 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu sẽ được kêu gọi đi bỏ phiếu bầu ra một Nghị viện châu Âu cho nhiệm kỳ mới 5 năm. Ngay từ đầu tháng 2/2024, các đảng châu Âu đã bắt đầu tranh cử, với hai đề tài chính là nhập cư và lạm phát, hai vấn đề đang được cử tri châu Âu quan tâm nhất. Xu hướng cực hữu cũng đang lên trước ngày cử tri châu Âu đi bầu.
Nghị viện châu Âu là trụ cột của hệ thống lập pháp. Các đạo luật được thông qua tại đây có giá trị tại tất cả 27 nước thành viên, mỗi nước có quyền siết thêm nhưng không được nới lỏng hơn những gì đã được quyết tại Nghị viện châu Âu. Những quy định nhất quán tạo dựng sức mạnh chung của Liên minh châu Âu.
Một yếu tố có thể làm lung lay khối thống nhất của ngôi nhà chung châu Âu là ngày càng có nhiều cử tri bỏ phiếu cho các đảng theo đường lối biệt lập dân tộc chủ nghĩa. Trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu cách đây 5 năm, đảng Nhân dân châu Âu trung hữu vẫn chiếm ưu thế, đảng Xã hội dân chủ trung tả theo sau, nhưng cả hai đã mất nhiều ghế cho đảng Xanh và đảng cực hữu. Những đề tài tranh cử nóng nhất năm nay, nhập cư và môi trường, sẽ còn có lợi cho xu hướng cực hữu. Trong những năm qua, các đảng cực hữu đã lên nắm quyền tại Hungary và Italy, không nắm quyền nhưng tham gia chính phủ tại Phần lan và Slovakia. Ở Hà lan, đảng cực hữu cũng đã về đầu trong cuộc bầu cử Quốc hội và đang đàm phán lập chính phủ. Tại châu Âu, đảng cực hữu mới chỉ bị đẩy lùi trên chính trường Ba Lan.
Xu hướng cực hữu dân tộc chủ nghĩa lớn mạnh trên chính trường châu Âu, còn vì chính sách tiếp nhận nhập cư kém hiệu quả của Liên minh châu Âu trong suốt hàng chục năm qua. Tranh luận bất tận về ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp và ảnh hưởng Hồi giáo đối với xã hội châu Âu làm cho cử tri quan tâm nhiều hơn tới những giải pháp mà phe cực hữu đề xuất. Trong cuộc bầu cử tháng 6/2024, các đảng cực hữu châu Âu có thể giành được 183 trong số 720 ghế Nghị viện châu Âu.
Các đảng cực hữu châu Âu có chủ trương chú trọng quyền lợi quốc gia, giảm mức độ hội nhập và hạn chế nhập cư. Phe cực hữu nổi lên nhờ cử tri mong mỏi một lối đi mới giải quyết các vấn đề hiện tại mà các đảng trung tả và trung hữu thay nhau nắm quyền không giải quyết được, trong đó nổi bật nhất là bế tắc về chính sách nhập cư. Mặt khác, thực tế tại Italy cho thấy là cực hữu nắm quyền đã không kéo theo những nguy cơ đã được cảnh báo, quan hệ giữa chính phủ cực hữu Italy với lãnh đạo Liên minh châu Âu khá êm đềm.
Bầu cử Nghị viện châu Âu và bầu cử Tổng thống Mỹ có thể có tạo ra bước ngoặt lớn trong lĩnh vực an ninh quốc phòng thế giới. Phe cực hữu châu Âu cũng như ứng cử viên Donald Trump có điểm chung là thiên về quyền lợi quốc gia trước tiên, nếu kết quả bầu cử theo hướng đó thì trật tự an ninh hiện nay sẽ bị xáo trộn. Một khía cạnh khác được thảo luận là "Giãi mã tin thất thiệt". Tin thất thiệt lan tràn dễ làm cho cử tri hiểu sai và từ đó bầu cử trái với mong muốn của họ. Nguy cơ tin thất thiệt nay còn trầm trọng hơn do đã có những công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo nhằm thao túng cử tri.
Nguy cơ AI tác động tới bầu cử
Bên cạnh sự quan trọng của các cuộc bầu cử trên thế giới năm nay, các chuyên gia cũng cảnh báo những nguy cơ tác động tới bầu cử. Trong đó, trí tuệ nhận tạo (AI) là một mối đe dọa mới. 2024 được dự báo sẽ là "cuộc bầu cử AI" - năm mà AI sẽ tác động hơn nhiều so với "cuộc bầu cử Facebook", nơi mạng xã hội là nhân tố mới tác động tới cử tri của 10 năm trước đây. Các quốc gia đang phải nỗ lực trước thách thức ngăn chặn AI tác động tới bầu cử.
Đoạn âm thanh từ cuộc gọi giả mạo tổng thống Joe Biden đã được gửi đến nhiều cử tri tại bang New Hampshire, Mỹ vào trung tuần tháng 1/2024, chỉ 2 ngày trước cuộc bầu cử sơ bộ tại đây. Nội dung là kêu gọi cử tri đảng Dân chủ không đi bỏ phiếu ở bang này. Nhà Trắng đã xác nhận đây không phải là cuộc gọi được ghi âm của ông Biden và nhấn mạnh sự cố này cho thấy những thách thức đang gia tăng từ những công nghệ hiện nay.
Nghị sĩ Henry Johnson - Tiểu ban Tư pháp của Hạ viện Mỹ về Tòa án, Sở hữu trí tuệ và Xếp hạng Internet - phân tích: "Năm 2024 sẽ là năm của các cuộc bầu cử AI đầu tiên. Với những thông tin giả mạo và thông tin sai lệch có khả năng đánh lừa cử tri, khiến các cuộc bầu cử có kết quả bất thường và gây nhiều tranh cãi hơn".
Theo GS. Stuart Russell - chuyên ngành Khoa học Máy tính, Đại học California, Mỹ: "Mối quan tâm chính của tôi đối với các cuộc bầu cử sẽ là thông tin sai lệch tác động đến cử tri. Bởi với trí tuệ nhân tạo, chúng ta có thể cung cấp cho hệ thống này rất nhiều thông tin về một cá nhân - mọi thứ họ từng viết hoặc đăng trên Twitter hoặc Facebook, sự hiện diện trên mạng xã hội của họ, các phát biểu công khai của họ, từ đó đào tạo hệ thống để tạo ra một chiến dịch đưa thông tin sai lệch đặc biệt dành riêng cho người đó và có thể làm điều đó một cách nhanh chóng với cả triệu người".
Có thể thấy sự cấp thiết phải có các khung pháp lý phù hợp để giảm nguy cơ AI ảnh hưởng trực tiếp đến các cuộc bầu cử. Từ ngày 11/1, Ủy ban quản lý bầu cử trung ương Hàn Quốc quyết định lập ra "Ban kiểm duyệt trí tuệ nhân tạo (AI)", dự kiến giám sát các hoạt động vận động tranh cử sử dụng công nghệ "Deepfake", nhằm ngăn chặn phát tán tin tức giả ảnh hưởng xấu tới Tổng tuyển cử.
Các công ty công nghệ lớn cũng đã có những động thái của riêng họ. Kể từ tháng 11/2023, Google đã yêu cầu YouTube và các bên khác hiển thị quảng cáo chính trị thông qua dịch vụ của họ, phải chỉ rõ ở một vị trí mà người dùng có thể nhìn thấy việc sử dụng AI để tạo hoặc tổng hợp hình ảnh/giọng nói. Meta, công ty điều hành Facebook, cũng đang thực hiện việc dán nhãn bắt buộc tương tự đối với các quảng cáo chính trị sử dụng AI. Nhà sản xuất ChatGPT OpenAI cho biết họ sẽ cho ra mắt các công cụ để chống lại thông tin sai lệch trước thềm hàng chục cuộc bầu cử trong năm 2024 tại các quốc gia trên thế giới. OpenAI cho biết công cụ ChatGPT sẽ điều hướng người dùng đến chuyên trang bầu cử CanIVote.org khi đặt câu hỏi liên quan đến cuộc bầu cử và sẽ ghim biểu tượng "cr" với những bức ảnh do AI tạo ra.
Ông Mark Warner - Thượng nghị sĩ Mỹ - cho rằng: "Nếu tất cả các nền tảng AI áp dụng những thứ như nhãn dán, giúp chứng minh nội dung là do người thật hay do AI tạo ra thì đó sẽ là một bước tiến tuyệt vời. Nhưng tôi lo ngại là nếu chỉ được thực hiện trên cơ sở tự nguyện thì vẫn có những kẻ xấu sẽ lợi dụng điều đó".
Theo PGS. Julia Stoyanovich - Giám đốc Trung tâm Trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm, Đại học New York, Mỹ: "Chúng ta cần có quy định để đặt ra các giới hạn xung quanh việc sử dụng các hệ thống này. Chúng ta cần suy nghĩ thật kỹ trước khi triển khai những hệ thống này, xem xét việc ai sẽ bị ảnh hưởng bởi chúng và theo cách nào".
Với khuôn khổ pháp lý chặt chẽ, AI có thể mang lại nhiều lợi ích cho công tác hậu cần của các cuộc bầu cử như giúp các điểm bầu cử nhận diện và xử lý nhanh chóng phiếu bầu, từ đó giảm thiểu sai sót, tăng tính chính xác của kết quả. Ngoài ra, AI cũng có thể giúp các ứng cử viên phân tích, cải thiện chiến lược quảng bá nhằm thu hút phiếu bầu từ cử tri. Nhưng AI sẽ chỉ thực sự phát huy hiểu quả trong bầu cử nếu những mặt trái được kiểm soát.
Những cuộc bầu cử tại Nga, Mỹ và châu Âu chỉ là những lát cắt nổi bật trong dòng chảy chính trị thế giới năm 2024 nhưng đó sẽ là những cuộc bầu cử định hình thế giới trong năm 2024 này và nhiều năm tiếp theo, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, từ kinh tế giảm tốc cho tới các điểm nóng xung đột đang có nguy cơ lan rộng. Những gương mặt lãnh đạo nào sẽ dành chiến thắng. Họ theo đuổi chính sách gì, tạo ra những thay đổi gì trong cục diện, trật tự thế giới hiện nay? Câu trả lời nằm ở lá phiếu của cử tri và vẫn còn ở phía trước.
Toàn cảnh thế giới - 18/02/2024
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!