Ấn Độ trước làn sóng COVID-19 mới do biến thể phụ XBB, nguy cơ dịch lan rộng tại Lào

Quỳnh Chi (Theo Worldometers)-Thứ tư, ngày 26/10/2022 06:25 GMT+7

Hơn 633,53 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

VTV.vn - Đến sáng 26/10, thế giới có trên 633,53 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,58 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 99,12 triệu ca mắc và hơn 1,093 triệu trường hợp tử vong.

Kết quả học tập của học sinh tại Mỹ đã xuống mức thấp lịch sử, trong đó điểm số các môn Toán và Đọc hiểu thấp chưa từng thấy kể từ trước đại dịch COVID-19 bùng phát. Đây là kết quả kiểm tra toàn quốc mới được công bố, cung cấp thêm bằng chứng cho thấy tác hại lâu dài của việc đóng cửa trường học đối với trẻ em.

Theo Cơ quan Đánh giá tiến bộ giáo dục Mỹ (NAEP), điểm số môn Toán giảm mạnh nhất và đặc biệt là tình trạng ghi nhận tại hầu hết các bang và các nhóm nhân khẩu học. Các bài kiểm tra đánh giá được thiết kế phù hợp với trình độ của các học sinh lớp 4 và lớp 8, thực hiện trong 3 tháng đầu năm. Trong khi đó, điểm số môn Đọc hiểu cũng giảm ở hầu hết các cụm trường dù không mạnh như môn Toán. So với năm 2019, điểm số môn Toán của học sinh lớp 8 giảm khoảng 7 điểm %, trong khi môn Đọc hiểu giảm khoảng 2 điểm %.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 25/10, nước này ghi nhận tổng cộng trên 44,64 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm gần 529.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.

Theo báo The Times of India ngày 25/10, biến thể phụ XBB của Omicron, đặc biệt là XBB.3, nhiều khả năng sẽ trở trành biến thể chủ đạo của virus SARS-CoV-2 tại Ấn Độ trong vòng 1 tháng tới.

Nguồn tin cho biết, đã có 71 ca nhiễm XBB được xác nhận tại Ấn Độ vào đầu tháng 10 này và đến ngày 24/10, con số đã tăng lên 235 ca. Báo The Times of India dẫn lời một nhà khoa học cấp cao của Hiệp hội nghiên cứu gen virus SARS-CoV-2 của Ấn Độ (INSACOG) cho hay, chủng XBB.3 hiện đang dẫn đầu về số ca nhiễm tại nước này. Bang Tây Bengal, ở miền Đông Ấn Độ, đã ghi nhận số ca nhiễm XBB cao nhất với 103 ca. Tại bang Maharashtra, cơ quan y tế đã cảnh báo số ca nhiễm liên quan đến XBB có thể đạt đỉnh vào giữa tháng 11.

Tiến sĩ Sanjay Pujari, thành viên của lực lượng đặc trách chống COVID-19 quốc gia, đã nêu bật tầm quan trọng của việc duy trì phân tích gen. Chuyên gia này cho rằng cần làm rõ tác động của những biến thể phụ XBB đối với nguy cơ khiến bệnh trở nặng, đồng thời cải thiện việc tiêm mũi tăng cường, đặc biệt là với những người có nguy cơ cao.

Biến thể XBB lần đầu tiên được phát hiện vào tháng 8. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhận định, đây là một trong những biến thể của virus SARS-CoV-2 có khả năng né tránh miễn dịch cao nhất. Các nước tại châu Á - Thái Bình Dương đang theo dõi chặt chẽ biến thể này.

Ấn Độ trước làn sóng COVID-19 mới do biến thể phụ XBB, nguy cơ dịch lan rộng tại Lào - Ảnh 1.

Biến thể phụ XBB của Omicron nhiều khả năng sẽ trở trành biến thể chủ đạo của virus SARS-CoV-2 tại Ấn Độ trong vòng 1 tháng tới. (Ảnh: AP)

Pháp hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 156.600 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 36,66 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này. Ngày 25/10, Pháp ghi nhận 59.653 ca mắc COVID-19 mới.

Brazil có số người tử vong vì COVID-19 cao thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ, với hơn 687.700 ca trong tống số trên 34,83 triệu trường hợp mắc.

Truyền thông Australia đưa tin, khoảng 100 người trên tàu du lịch quốc tế Coral Princess đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Đây là tàu biển du lịch quốc tế lớn đầu tiên đi vào vùng biển của bang Tây Australia (WA) trong 2 năm qua. Tàu có sức chứa gần 2.000 hành khách, dự kiến dừng tại một số vùng duyên hải của bang này trước khi trở lại Sydney vào tháng 11 tới.

Hãng tin ABC dẫn lời người phát ngôn cơ quan y tế bang Australia cho biết, nhiều hành khách và thành viên thủy thủ đoàn đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và ban quản lý tàu đang xử lý tình huống theo kế hoạch ứng phó với COVID-19.

Hãng ABC cho biết, một người phát ngôn của công ty quản lý tàu Coral Princess khẳng định, việc khống chế COVID-19 lây lan trên tàu đang “được xử lý hiệu quả” phù hợp với các quy định của liên bang và bang.

Ngày 25/10, Singapore đã chính thức triển khai chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi tại 4 trung tâm tiêm chủng trên cả nước. Loại vaccine được sử dụng là Spikevax của Moderna, với 2 liều tiêm cách nhau ít nhất 8 tuần, mỗi liền tiêm 25 microgam. Loại vaccine Comirnaty của Pfizer cũng đã được Singapore phê duyệt tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi, nhưng phải tới cuối năm 2022 mới có vaccine.

Theo thống kê gần đây nhất vào tháng 7 của Bộ Y tế Singapore, có khoảng 64.000 trẻ em dưới 5 tuổi mắc COVID-19, chiếm 3,9% trong tổng số 1,7 triệu ca mắc COVID-19 tại "đảo quốc sư tử". Tuy nhiên, số ca dưới 5 tuổi tử vong chỉ là 3 trong tổng số hơn 1.600 trường hợp tử vong.

Như vậy, với việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi, Singapore đã triển khai tiêm chủng cho hầu hết các nhóm tuổi. Singapore hiện cũng đang triển khai cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi đăng ký để tiêm mũi tăng cường (mũi 3) trong hai tháng cuối năm 2022.

Cùng ngày, Cơ quan Khoa học Y tế Singapore (HSA) đã cấp giấy phép tạm thời cho việc sử dụng vaccine bivalent (có hiệu quả với nhiều biến thể) của Pfizer-BioNTech cho những người từ 12 tuổi trở lên. Loại vaccine này sẽ về vào cuối năm 2022 và được sử dụng làm mũi tăng cường cho những người đã tiêm đủ 2 mũi cơ bản.

Trước đó, loại vaccine Spikevax bivalent của Moderna cũng đã được phê duyệt từ tháng 9 và bắt đầu được triển khai tiêm từ 14/10, trước mắt ưu tiên những người trên 50 tuổi. Những người từ 18 - 49 tuổi sẽ có thể được tiêm mũi tăng cường bằng vaccine bivalent vào cuối năm nay.

Cũng trong ngày 25/10, Nhật Bản bắt đầu tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 6 tháng tới 4 tuổi tại một bệnh viện ở thủ đô Tokyo. Với động thái này, Nhật Bản đã mở rộng đối tượng tiêm vaccine ngừa COVID-19 ra hầu hết các nhóm tuổi.

Theo kế hoạch, các trẻ trong nhóm tuổi này cần phải tiêm 3 liều vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 để đạt mức miễn dịch tương tự các nhóm tuổi khác. Các mũi tiêm thứ nhất và thứ 2 phải cách nhau 3 tuần, mũi thứ 3 sẽ được tiêm ít nhất 8 tuần sau mũi thứ 2.

Ấn Độ trước làn sóng COVID-19 mới do biến thể phụ XBB, nguy cơ dịch lan rộng tại Lào - Ảnh 2.

Nhật Bản bắt đầu tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 6 tháng tới 4 tuổi. (Ảnh: The Japan Times)

Theo giới chức Nhật Bản, mặc dù vaccine dùng cho trẻ ở nhóm từ 6 tháng tới 4 tuổi do các hãng dược Pfizer-BioNTech sản xuất không được bào chế để chống lại biến thể Omicron, nhưng các nghiên cứu lâm sàng cho thấy, vaccine có hiệu quả với Omicron với tỷ lệ hiệu quả khoảng 73%. Các nghiên cứu lâm sàng cũng chỉ ra rằng 16% trẻ từ 6 tháng đến dưới 2 tuổi bị đau tay sau khi tiêm, trong khi 7% trong nhóm tuổi này bị sốt. Trong nhóm từ 2 tới 4 tuổi, có 27% gặp phản ứng phụ là đau tay, 25% bị mệt mỏi. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW), phần lớn các phản ứng phụ này đều rất nhẹ.

Bộ Y tế Lào kêu gọi người dân đi tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 nhằm tăng khả năng miễn dịch trong bối cảnh nguy cơ cao tái bùng phát dịch trong tương lai. Phát biểu với báo giới tại thủ đô Vientiane, người phụ trách bộ phận Phòng bệnh bằng vaccine thuộc bộ trên, ông Kongxay Phounphenghack cho biết, nhiều người đang từ chối tiêm mũi vaccine thứ 3 vì cho rằng không cần thiết. Tuy nhiên, mũi tăng cường cung cấp sự bảo vệ bổ sung đáng kể chống virus.

Giới chức y tế cảnh báo mọi người tại Lào cần nâng cao cảnh giác vì nguy cơ tái bùng phát dịch COVID-19 rất cao khi một số lượng lớn lao động nước ngoài sẽ quay về nước từ những quốc gia đang có dịch. Ông Kongxay dẫn số liệu thống kê cho thấy, ít nhất 15% lao động trở lại Lào đã mang theo virus, đặt ra nguy cơ dịch lan rộng.

Đến nay, hơn 5,9 triệu người, tức 81% dân số Lào, đã tiêm mũi vaccine đầu tiên, hơn 5,32 triệu người (tức 72% dân số) đã tiêm mũi thứ hai. Nhưng mới chỉ 19% dân số tiêm mũi tăng cường.

Đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn các chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh sởi trên toàn cầu trong năm 2020 và 2021, khiến hàng triệu trẻ em không được bảo vệ trước nguy cơ lây nhiễm một trong những bệnh dễ lây lan nhất thế giới và có thể gây các biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt, hệ thống y tế châu Phi dễ tổn thương do thiếu nguồn quỹ và nhân lực, nhất là những nước mà tình trạng suy dinh dưỡng và xung đột khiến trẻ em càng dễ mắc căn bệnh truyền nhiễm này.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã có 26 ổ dịch sởi lớn bùng phát trên thế giới. Đáng chú ý, ổ dịch tại Zimbabwe từ đầu năm đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 700 trẻ em, trong đó chủ yếu liên quan đến những cộng đồng tôn giáo không tin tưởng vào vaccine. Thống kê cho thấy từ đầu năm đến nay, châu Phi báo cáo hơn 45.000 ca mắc sởi, trong đó có hơn 2.300 người tử vong. Những con số này đều tăng gấp đôi so với số ca mắc và tử vong trong cùng kỳ năm 2021, thời điểm một số biện pháp giãn cách xã hội được duy trì có thể đã làm chậm đà lây lan của bệnh sởi.

Số ca nhiễm COVID-19 mới trong một tuần ở Anh tăng lên hơn 2 triệu người Số ca nhiễm COVID-19 mới trong một tuần ở Anh tăng lên hơn 2 triệu người Số ca nhiễm biến thể BQ.1, BQ.1.1 tăng gấp đôi ở Mỹ, châu Âu tăng số người nhiễm mới COVID-19 Số ca nhiễm biến thể BQ.1, BQ.1.1 tăng gấp đôi ở Mỹ, châu Âu tăng số người nhiễm mới COVID-19 Trung Quốc: Số ca mắc mới tăng gấp 4 lần, thủ đô Bắc Kinh tăng cường chống COVID-19 Trung Quốc: Số ca mắc mới tăng gấp 4 lần, thủ đô Bắc Kinh tăng cường chống COVID-19

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước