An ninh biển đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng

Toàn cảnh thế giới-Chủ nhật, ngày 15/08/2021 13:22 GMT+7

VTV.vn - Lần đầu tiên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức một cuộc họp chính thức riêng về chủ đề an ninh biển, quy tụ lãnh đạo của nhiều quốc gia.

Là một quốc gia ven biển, có đường bờ biển dài hơn 3.000 km, hơn ai hết, Việt Nam luôn ý thức được tầm quan trọng của nguồn tài nguyên to lớn của biển và đại dương. Nguồn tài nguyên biển có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển thịnh vượng của quốc gia, dân tộc. Và đây là mối quan tâm của không chỉ Việt Nam.

Ngày 10/8 đánh dấu sự kiện lần đầu tiên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức một phiên thảo luận chính thức riêng về chủ đề an ninh biển. Sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống trên biển. Những thách thức này bao gồm hoạt động khủng bố, cướp biển, ô nhiễm môi trường biển... và cả những hành vi đơn phương vi phạm luật pháp quốc tế trên biển, thậm chí đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, làm ảnh hưởng đến hòa bình, hữu nghị, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, giao thương cũng như những nỗ lực chung xử lý các thách thức an ninh biển.

An ninh biển đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao đầu tiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về an ninh biển

Tại phiên thảo luận cấp cao đầu tiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về an ninh biển, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự cùng nhiều nhà lãnh đạo thế giới. Nhiều sáng kiến đã được nêu lên trong phiên họp này, thể hiện quyết tâm giữ gìn và tăng cường an ninh biển của cả cộng đồng quốc tế.

An ninh hàng hải đang bị phá hoại ở mức báo động

Các đại biểu tham gia phiên họp cấp cao đầu tiên tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về an ninh biển khẳng định, an ninh hàng hải đang bị phá hoại ở mức báo động.

Ấn Độ, quốc gia đang đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong tháng này, đã chủ trì phiên họp theo hình thức trực tuyến. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cảnh báo rằng, các đại dương và các vùng biển trên thế giới - vốn là di sản chung của tất cả các quốc gia và dân tộc - đang phải đối mặt với rất nhiều mối đe dọa. Thủ tướng Narendra Modi cũng đề cập tới vấn đề cướp biển và khủng bố, việc một số quốc gia dựng lên các rào cản thương mại, và những thách thức từ biến đổi khí hậu và thiên tai.

An ninh biển đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng - Ảnh 3.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (Ảnh: AP)

Chúng ta nên dỡ bỏ các rào cản trong thương mại hàng hải. Sự thịnh vượng của chúng ta phụ thuộc vào dòng chảy tích cực của thương mại hàng hải và các rào cản trên con đường này có thể gây ra thách thức cho toàn bộ nền kinh tế toàn cầu

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi

Hơn 2/3 diện tích thế giới được bao phủ bởi đại dương, do đó, đối với các vấn đề liên quan đến đại dương, không một quốc gia nào có thể giải quyết một mình. Theo Liên Hợp Quốc, trong nửa đầu năm 2020, cướp biển tăng 20% so với cùng kỳ năm trước mặc dù lưu lượng tàu bè giảm do dịch COVID-19. Các khu vực biển Tây Phi, vịnh Guinea, eo biển Malacca và Biển Đông là những nơi cướp biển lộng hành mạnh mẽ nhất.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi "sử dụng hòa bình và có trách nhiệm các không gian trên biển". Tổng thống Putin cho biết, với tư cách là một cường quốc hàng hải hàng đầu thế giới, Nga "đang làm rất nhiều để duy trì và tăng cường trật tự luật pháp quốc tế trong an ninh hàng hải".

An ninh biển đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng - Ảnh 5.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: AP)

Chúng tôi sẽ giúp đảm bảo an ninh trong khu vực vịnh Pecxich, vịnh Guinea và ở Đại Tây Dương, nơi chúng tôi đã chứng kiến số vụ cướp biển và bắt giữ con tin ngày càng tăng. Tình hình này càng trở nên trầm trọng hơn do một số quốc gia không thể tự mình chống lại các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, cướp biển và khủng bố

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Tổng thống Putin đã đề xuất thành lập "một cấu trúc đặc biệt trong hệ thống Liên Hợp Quốc" để trực tiếp xử lý việc chống tội phạm trên biển ở các khu vực khác nhau. Ông cho biết, cấu trúc này cần có sự tham gia của các chuyên gia, đại diện xã hội dân sự, giới học giả và khu vực tư nhân.

Theo Văn phòng Liên Hợp Quốc về ma túy và tội phạm (UNODC), năm 2020 ghi nhận lượng cocain kỷ lục bị thu giữ. Cướp biển, tội phạm, khủng bố khai thác nghèo đói và tuyệt vọng để tìm kiếm tân binh, nhận hỗ trợ và tìm nơi trú ẩn. Để chống lại những mối đe dọa này, các quốc gia cần nâng cao nhận thức và giáo dục, đặc biệt là thanh niên, đồng thời cung cấp sinh kế thay thế và hỗ trợ cho các doanh nghiệp địa phương.

Kết thúc phiên họp, hội nghị đã ra tuyên bố Chủ tịch, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ các mục đích hợp pháp trong sử dụng nguồn tài nguyên biển, bảo vệ cuộc sống của người dân trên biển và an ninh của các cộng đồng ven biển. Tuyên bố khẳng định rằng, luật pháp quốc tế, được phản ánh trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, cung cấp khuôn khổ pháp lý để chống lại các hoạt động bất hợp pháp trên biển.

Cần tiếp cận và có giải pháp toàn cầu về an ninh biển

Phát biểu tại phiên thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, là quốc gia ven biển, Việt Nam nhận thức sâu sắc về giá trị to lớn của biển cũng như những thách thức đặt ra đối với an ninh biển.

Việt Nam đang triển khai chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển để khai thác bền vững và có trách nhiệm các nguồn lợi từ biển, phục vụ phát triển, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, bảo đảm xử lý tốt các vấn đề trên biển, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích chính đáng trên các vùng biển.

Việt Nam cũng kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các quốc gia trên thế giới và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 là Hiến pháp về biển và đại dương có tính toàn vẹn và phổ quát, điều chỉnh tất cả các hoạt động trên biển và là cơ sở hợp tác quốc tế nhằm giải quyết các thách thức chung. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu các đề xuất quan trọng để ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh biển, trong đó, cần có nhận thức toàn diện, đầy đủ về tầm quan trọng của biển và những nguy cơ đe dọa an ninh biển; đề cao trách nhiệm và quyết tâm chính trị, củng cố lòng tin và xây dựng cơ chế hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định trên biển.

An ninh biển đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng - Ảnh 7.

Thủ tướng Phạm Minh Chính (Ảnh: VGP)

Việt Nam đề xuất thiết lập một mạng lưới các cơ chế, sáng kiến về an ninh biển khu vực do Liên Hợp Quốc điều phối để tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp hành động, kịp thời ứng phó với các thách thức chung. Việt Nam đánh giá cao vai trò và hoan nghênh các sáng kiến, cơ chế hợp tác trong khuôn khổ ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác về an ninh bipển ở khu vực Biển Đông, giúp tạo diễn đàn đối thoại, xây dựng lòng tin, góp phần điều phối hợp tác về an ninh biển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam quyết tâm cùng ASEAN và Trung Quốc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đồng thời đàm phán xây dựng tiến tới đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả và phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước về Luật Biển năm 1982.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị chính sách, pháp luật và ứng xử của các quốc gia cần tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước về Luật Biển năm 1982; tôn trọng quyền, lợi ích và hoạt động kinh tế hợp pháp của các quốc gia ven biển; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế; tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý; bảo đảm tự do, an toàn, an ninh hàng hải và hàng không, tránh có các hoạt động làm phức tạp tình hình, gây căng thẳng. Việt Nam luôn sẵn sàng đóng góp nhiều hơn nữa thúc đẩy đối thoại, tạo dựng lòng tin để cùng cộng đồng quốc tế duy trì an ninh trên biển, phát huy những giá trị to lớn của biển, vì một tương lai hòa bình, thịnh vượng chung của nhân loại.

Biển Đông - địa bàn cạnh tranh chiến lược ở châu Á - Thái Bình Dương

Biển Đông, tuyến giao thông huyết mạch nhộn nhịp thứ 2 trên thế giới, đang trở thành địa bàn trọng điểm của cạnh tranh giữa các nước lớn. Trung Quốc coi biển Đông là trọng tâm cạnh tranh địa chiến lược của nước này trong sáng kiến Vành đai và Con đường, với kế hoạch thiết lập "con đường tơ lụa trên biển" nối nước này với Nam Á, Đông Phi và châu Âu.

Trong khi đó, Mỹ và phương Tây nỗ lực ngăn Trung Quốc thực hiện tham vọng này bằng "chiến lược liên vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương". Một số nước như Mỹ, New Zealand, Australia, Anh, Pháp, Đức đã đệ trình công hàm lên Liên Hợp Quốc bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

An ninh biển đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng - Ảnh 9.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (Ảnh: AP)

Yêu sách của Bắc Kinh đối với phần lớn Biển Đông không có cơ sở trong luật pháp quốc tế. Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ các quốc gia ven biển trong khu vực duy trì các quyền của họ theo luật pháp quốc tế

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin

An ninh biển đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng - Ảnh 11.

Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne (Ảnh: AP)

Chúng tôi chia sẻ với ASEAN cam kết mạnh mẽ đảm bảo một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng, không bị ép buộc và ở đó luật pháp quốc tế, chủ quyền và quyền của tất cả các quốc gia được tôn trọng và duy trì

Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne

Cho dù các nước lớn tranh giành ảnh hưởng và lôi kéo tập hợp lực lượng, các quốc gia ASEAN vẫn nhất quán lập trường về Biển Đông là không chọn phe, không quân sự hóa, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

An ninh biển đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng - Ảnh 13.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn

ASEAN có trách nhiệm duy trì hòa bình ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông. Tuy nhiên, vẫn còn những quan ngại trên tuyến đường biển quan trọng này của thế giới do các hành vi cưỡng ép trái pháp luật đơn phương.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn

Vấn đề Biển Đông nếu không được giải quyết một cách đúng đắn theo luật pháp quốc tế, sẽ ảnh hưởng xấu tới toàn bộ khu vực. Bởi vậy, ASEAN đang ngày càng đoàn kết, phát huy sức mạnh tập thể ứng phó với các thách thức, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Theo TS. Pankaj Jha - chuyên gia an ninh chính trị, giảng viên tại Đại học Jindal, Ấn Độ, nếu nhìn vào vấn đề Biển Đông, có thể thấy được nỗ lực rất lớn của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam với vai trò Chủ tịch ASEAN năm ngoái, về việc cần giải quyết tranh chấp ở Biển Đông một cách sớm nhất, với sự tham gia của tất cả các bên tranh chấp.

Điều quan trọng là cần phải đưa ra một bộ quy tắc ứng xử và thống nhất được về những biện pháp trừng phạt nếu có đối với bên nào đó không tuân thủ. Nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy giải quyết tranh chấp được nhìn nhận và đánh giá tích cực.

Vấn đề Biển Đông cũng đang nhận được sự chú ý lớn của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là trong khoảng 5 - 10 năm trở lại đây. Cả hải quân Anh, hải quân Đức cũng bắt đầu hiện diện. Đã có những viễn cảnh xấu được vẽ ra về tình hình an ninh Biển Đông, ảnh hưởng tới tuyến đường giao thương trên biển quan trọng này. Do đó, theo TS. Pankaj Jha, cần có một cách tiếp cận chung để giải quyết các tranh chấp nếu xảy ra.

Trong cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với Thủ tướng Narendra Modi vào tháng trước, hai Thủ tướng đã nhất trí cần có một cách tiếp cận toàn diện và đồng thuận chung về vấn đề Biển Đông, làm thế nào để tất cả các bên đều đồng thuận.

Theo đánh giá của TS. Pankaj Jha, Việt Nam đã rất chủ động đưa câu chuyện Biển Đông ra thảo luận tại các diễn đàn quốc tế, đặc biệt khi làm chủ tịch ASEAN 2020. Việt Nam cũng đã rất nỗ lực để tìm kiếm sự đồng thuận giữa các bên liên quan, đặc biệt là trong các nước ASEAN và cho thấy, vẫn có một phương án xây dựng đối với quốc gia can dự. Biển Đông là một tuyến hàng hải chiến lực quan trọng, vì vậy, đây không chỉ là trách nhiệm của các quốc gia trong khu vực mà cả cộng đồng quốc tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước