14 giờ 30 phút theo giờ địa phương hôm 9/1, chuyến bay mang số hiệu SJ 182 của hãng hàng không Sriwijaya Air biến mất khỏi màn hình radar chỉ vài phút sau khi cất cánh từ thủ đô Jakarta, Indonesia. Chiếc máy bay Boeing 737-500 dự kiến sẽ đáp xuống thành phố Pontianak vài giờ sau đó. Tuy nhiên, máy bay lại lao xuống biển Java tại vị trí cách sân bay quốc tế Soekarno-Hatta 20km.
62 người có mặt trên máy bay, bao gồm 12 thành viên phi hành đoàn. Giới chức chưa tìm thấy người sống sót.
Hải quân Indonesia trục vớt mảnh vỡ máy bay Sriwijaya gặp tai nạn hôm 9/1 (Ảnh: Reuters)
Trước vụ tai nạn này, dữ liệu của Mạng lưới An toàn hàng không cho thấy đã có 697 người thiệt mạng vì tai nạn hàng không tại Indonesia trong một thập kỷ vừa qua, tính cả các vụ rơi máy bay quân sự và chuyên cơ riêng. Xứ Vạn đảo là thị trường hàng không "chết chóc" nhất thế giới, vượt trên Nga, Pakistan, Iran.
Vụ tai nạn của Sriwijaya Air với chiếc máy bay Boeing 737-500 xảy ra hơn hai năm sau khi chiếc 737 MAX của hãng Lion Air cũng của Indonesia gặp nạn. Phi cơ của Lion Air lao xuống biển sau khi cất cánh từ Jakarta, cướp đi sinh mạng của 189 người. Sự cố này khởi đầu cho kết cục dòng 737 MAX của Boeing bị cấm bay trên toàn cầu.
Hồ sơ an toàn bay của hãng Lion Air thường xuyên bị cơ quan chức năng Indonesia lưu ý (Ảnh: AP)
Indonesia, quốc gia đông dân nhất khu vực Đông Nam Á, được hình thành bởi hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ. Đặc điểm địa lý này khiến di chuyển bằng đường hàng không được coi là phương tiện hiệu quả nhất. Nhu cầu đi lại luôn ở mức cao khiến việc duy trì các tiêu chuẩn an toàn cho các hãng bay ở quốc gia này là một thách thức. Trong an toàn hàng không không thể vội vàng. Những nước phát triển phải mất nhiều thập kỷ mới đạt được các tiêu chuẩn kỹ thuật đủ để đáp ứng nhu cầu đi máy bay tăng nhanh chóng của người dân.
Ngành hàng không Indonesia chịu áp lực từ lưu lượng đi lại lớn của người dân (Ảnh: Reuters)
Từ năm 2007 đến 2018, Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt lệnh cấm với các hãng hàng không Indonesia sau một loạt vụ tai nạn cùng các báo cáo về sơ suất kiểm soát không lưu và năng lực bảo trì hàng không yếu kém. Mỹ cũng đặt mức độ an toàn hàng không tại Indonesia ở nhóm 2 trong giai đoạn 2007 đến 2016, đồng nghĩa với việc hệ thống quản lý tại nước này không đạt tiêu chuẩn.
Trong những năm qua, dữ liệu về an toàn bay của Indonesia đã cải thiện đáng kể. Liên Hợp Quốc đã có những đánh giá tích cực về hàng không nước này. Tuy nhiên, tại một đất nước mà an toàn giao thông luôn ở mức báo động, văn hóa an toàn không được coi trọng thì dự cảm về tai nạn sắp xảy ra là điều không thể tránh khỏi.
Nhân viên Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Indonesia kiểm tra các mảnh vỡ máy bay Sriwijaya (Ảnh: AP)
Chuyên gia Shukor Yusof, người đứng đầu hãng tư vấn hàng không Endau Analytics của Malaysia, nhận định: "Vụ tai nạn của Sriwijaya không liên quan tới dòng MAX. Tuy nhiên hãng Boeing có thể tham vấn nhiều điều cho Indonesia về an toàn hàng không, qua đó khôi phục sự tin tưởng của quốc tế vào hàng không Indonesia".
Một ngày sau vụ tai nạn của hãng Sriwijaya, giới chức đã tìm được hộp đen của chiếc máy bay 27 năm tuổi. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết còn quá sớm để xác định chính xác nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn. Dù vậy, dữ liệu từ trang FlightRadar24 cho thấy máy bay đã đạt đến độ cao hơn 3,300m sau bốn phút cất cánh rồi hạ độ cao đột ngột và ngừng truyền tải dữ liệu sau đó 21 giây.
Máy bay số hiệu SJ182 của hãng hàng không Sriwijaya đột ngột mất độ cao và đâm xuống biển Java (Ảnh: FlightRadar24)
Chuyên gia điều tra tai nạn hàng không Geoff Dell tại Australia cho biết: "Có nhiều ý kiến khác nhau về vận tốc hạ độ cao không bình thường của máy bay". Ông nói thêm: "Đây có thể là một gợi ý hướng chúng ta đến nguyên nhân của cú rơi, tuy nhiên có rất nhiều lý do khác nhau có thể khiến máy bay giảm độ cao ở mức đột ngột như vậy".
Ông Dell cũng cho biết các nhà điều tra sẽ tập trung vào nhiều vấn đề bao gồm hỏng hóc kỹ thuật, cách thức xử lý của phi công, lịch sử bảo trì, điều kiện thời tiết và liệu có sự can thiệp bất hợp pháp trên chuyến bay. Phần lớn các vụ tai nạn máy bay xảy ra vì nhiều nguyên nhân khác nhau và có thể mất nhiều tháng để có thể điều tra toàn bộ sự việc.
Đáng chú ý là dữ liệu hoạt động của hãng Sriwijaya Air cũng sẽ được điều tra.
"Có những vấn đề trong hồ sơ an toàn của hãng bay này" - ông Greg Waldron, Tổng biên tập khu vực châu Á của tạp chí hàng không FlightGlobal, cho biết như vậy.
Hãng hàng không này đã loại bỏ bốn chiếc Boeing 737 khỏi đội ngũ trong giai đoạn 2008 đến 2017 vì các vấn đề khi hạ cánh, trong đó có một tai nạn năm 2008 khi máy bay trượt khỏi đường băng khiến một người chết và 14 người bị thương. Bản thân hãng mới chỉ tách khỏi hãng hàng không quốc gia Garuda Indonesia và hoạt động độc lập kể từ cuối năm 2019. Ngay trước sự kiện này, theo truyền thông địa phương, hơn một nửa số máy bay của Sriwijaya đã bị Bộ Giao thông vận tải nước này cấm bay vì nhiều lo ngại về an toàn.
Sau vụ tai nạn hôm 9/1, Sriwijaya chưa đưa ra bình luận ngay lập tức. Một lãnh đạo của hãng chỉ cho biết chiếc máy bay bị rơi ở trạng thái ổn định trước khi bay.
Gia đình các nạn nhân chuyến bay Sriwijaya SJY-182 tới làm thủ tục nhận dạng người thân (Ảnh: AP)
Ngoài ra, giống như nhiều hãng hàng không khác tại Indonesia, Sriwijaya Air đã phải thay đổi lịch bay liên tục vì đại dịch COVID-19. Các chuyên gia cũng sẽ điều tra yếu tố này khi tìm kiếm nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn.
Chappy Hakim, cựu quân nhân Không lực Indonesia và giờ là chuyên gia phân tích hàng không, nhận xét: "Thách thức mà đại dịch toàn cầu đem lại đã ảnh hưởng sâu sắc đến an toàn hàng không... Điều này đến từ nhiều yếu tố: phi công và nhân viên kỹ thuật bị cắt giảm cả về số lượng và thu nhập, đồng thời các hãng cũng đặt nhiều máy bay vào trạng thái treo".
Đại dịch COVID-19 đang là cơn ác mộng với nhiều hãng hàng không thế giới. Nhưng nếu những hãng như Sriwijaya tận dụng thời điểm hoạt động cường độ thấp để siết chặt các quy tắc và củng cố an toàn vận tải thì sẽ là cú hích đổi mới đối với ngành hàng không Indonesia đang mang tai tiếng nhất thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!