Tại cuộc họp thượng đỉnh EU lần này, một vấn đề sẽ được các nhà lãnh đạo châu Âu đưa ra thảo luận là tiến trình đàm phán về việc Anh rời khỏi EU. Thủ tướng Anh Theresa May được dự đoán sẽ có những động thái thể hiện quan điểm mềm mỏng từ phía Chính phủ Anh, nhằm tháo gỡ bế tắc cho tiến trình đàm phán Brexit.
Bà May đang đối mặt với sức ép ở trong nước, khi một nhóm các nghị sỹ ủng hộ Brexit, thậm chí cả nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng yêu cầu Thủ tướng Anh rút khỏi đàm phán, nếu phía châu Âu không thể hiện quan điểm muốn đẩy nhanh tiến trình.
Những người theo quan điểm cứng rắn cho rằng, Chính phủ Anh đã kiên nhẫn quá lâu, trước thái độ đàm phán thiếu hợp tác của phía EU. Nhóm nghị sỹ và doanh nghiệp yêu cầu Thủ tướng Anh Theresa May chính thức tuyên bố Anh sẵn sàng tự động chuyển sang quy chế thương mại thành viên WTO từ ngày 30/3/2019, thời điểm rời liên minh châu Âu, chấm dứt các quan hệ kinh tế hiện có, nếu cuộc họp thượng đỉnh 2 ngày ở Brussels không có thêm bước tiến nào.
Lời kêu gọi rút khỏi đàm phán, đến từ một nhóm các nghị sỹ liên đảng, gồm cả Bảo thủ và Công đảng, những người ngay từ đầu ủng hộ tầm nhìn một nước Anh độc lập với châu Âu. Nhóm này bao gồm cả cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Lawson và nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lớn.
Theo những người ủng hộ Brexit cứng, một động thái mang tính quyết định vào thời điểm này là cần thiết, để chấm dứt tình trạng bất ổn mà phía doanh nghiệp phải đối mặt do hoạt động đàm phán đi vào bế tắc. Theo đó, Anh sẽ có thời gian tập trung nguồn lực giải quyết các vấn đề mang tính hành chính, pháp lý, và sẵn sàng sớm cho các cơ hội kinh tế với tư cách thành viên độc lập của EU.
Giới phân tích lại cho rằng, nhiều khả năng bà May sẽ có những động thái hướng đến gỡ nút đàm phán, như tuyên bố chắc chắn về vấn đề công dân châu Âu ở lại Anh, hay một con số cụ thể về khoản đền bù tài chính.
Bản thân giới doanh nghiệp biết rõ nhất các tổn thất của mình một khi Anh không còn là thành viên liên minh châu Âu, nhưng quá trình đàm phán bế tắc như hiện nay đang khiến không ít trong số họ cũng tỏ ra mất kiên nhẫn với một tương lai không chắc chắn.
Cuộc họp thượng đỉnh 2 ngày ở Brussels lần này được kỳ vọng có thể mang tính quyết định, giải quyết những bất đồng hiện có. Còn nếu không thể, đàm phán vẫn bế tắc, tiếp tục sẽ là không ít áp lực từ trong nước với Thủ tướng Anh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!