Một sự kiện quốc tế nổi bật thu hút nhiều sự chú ý đang diễn ra tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà, là Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp Diễn đàn hợp tác châu Á - Thái Bình Dương APEC (SOM 1).
Diễn ra trong bối cảnh thế giới đang lo ngại trước sự nổi lên của xu hướng bảo hộ mậu dịch và phản đối toàn cầu hoá, SOM 1 là nơi để các đại biểu đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm tiếp tục thúc đẩy tự do hoá thương mại châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh mới.
Tại Hội nghị, các đại biểu đều nhìn nhận, so với cách đây 10 - 15 năm, các nền kinh tế thành viên APEC đã có độ mở cửa cao hơn rất nhiều. Các hàng rào giảm đi đáng kể. Thương mại nội khối của APEC tăng gần 7 lần.
Tuy nhiên môi trường kinh tế hiện nay đã thay đổi rất nhiều so với thời điểm APEC mới thành lập cách đây 30 năm. Thương mại không chỉ giới hạn trong lĩnh vực hàng hoá mà còn phụ thuộc nhiều vào công nghệ số, dịch vụ.
Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ, cùng với bối cảnh chung là tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu giảm sút đang đặt APEC trước thách thức mới.
Nhiều chuyên gia nhìn nhận các nền kinh tế thành viên APEC cần phải tính đến việc liên kết hội nhập mạnh hơn với cách thức phù hợp hơn trong tình hình mới. Để làm được điều này, mấu chốt vẫn là tự do hoá thương mại.
Các đại biểu kiến nghị, có nhiều cách để APEC thúc đẩy tự do hoá thương mại trong bối cảnh mới, trong đó cần ưu tiên cho kết nối về cơ sở hạ tầng để thúc đẩy sự gắn kết về kinh tế, thương mại giữa các nền kinh tế thành viên.
Cùng với đó, APEC cũng cần chú trọng thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, để mọi người dân và thành phần kinh tế đều tận dụng được cơ hội từ một thế giới đang toàn cầu hoá và thay đổi nhanh chóng. Đây cũng chính là những ưu tiên mà Việt Nam đang thúc đẩy trong năm APEC 2017, nhằm giúp APEC tiếp tục duy trì vị trí là khu vực đi đầu trong thúc đẩy tự do hoá thương mại và đầu tư.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!