Tổng thống Donald Trump. Nguồn ảnh: CNN
Tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); yêu cầu các đồng minh của Mỹ phải chia sẻ gánh nặng tài chính để đổi lấy sự bảo trợ an ninh của Mỹ; khuyến khích Nhật Bản và Hàn Quốc phát triển kho vũ khí hạt nhân để tự bảo vệ mình đều là tín hiệu cho thấy chính sách của Mỹ đối với châu Á - Thái Bình Dương sẽ có sự điều chỉnh dưới thời Chính quyền Donald Trump.
Ông Trump từng cam kết sẽ chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng, đồng thời chỉ trích chính quyền Obama xoay trục sang châu Á bằng lời nói nhiều hơn hành động. Theo các chuyên gia, đây có thể là dấu hiệu cho thấy chính quyền mới sẽ tái xây dựng quyền lực cứng tại khu vực.
Về kinh tế, hiện có nhiều đồn đoán liên quan số phận Hiệp định TPP, trong đó có 2 luồng dư luận chính: một là Hiệp định này đã hết hy vọng, hai là chính quyền mới sẽ điều chỉnh nội dung Hiệp định hoặc chuyển sang đàm phán song phương với các đối tác. Bên cạnh đó, chính sách thương mại mang tính bảo hộ của ông Trump nếu được thực hiện sẽ gây nhiều khó khăn cho các nước trong khu vực, đặc biệt là ASEAN với hơn 100 tỷ hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ mỗi năm.
Chính sách của ông Trump đối với châu Á - Thái Bình Dương sẽ định hình rõ nét hơn trong thời gian tới. Các chuyên gia cho rằng, dù cách thức tiếp cận có thể khác nhau, song khu vực này vẫn sẽ là một trong những trọng tâm trong chính sách đối ngoại của chính quyền mới.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!