Điện thoại iPhone hay điện thoại Android? Apple Maps hay Google Maps? Dùng trình duyệt Safari hay Chrome?... Đây có lẽ là câu hỏi mà không ít người đã phải đặt ra.
Nếu nhìn lướt qua bề mặt, Apple và Google có thể được mệnh danh là 2 đối thủ không đội trời chung tại thung lũng Silicon. Thế nhưng ở đằng sau đó, ban lãnh đạo cấp cao của 2 công ty lại duy trì một mối quan hệ lợi ích, bền chặt trị giá hàng tỷ USD
"Mối quan hệ giữa Apple và Google vừa là đối thủ vừa là bạn. Có lúc họ "không đội trời chung với nhau" nhưng có lúc họ lại bắt tay nhau để tìm cách cùng phát triển," nhận định của ông Tim Higgins, phóng viên mảng công nghệ của Wall Street Journal
Google trả cho Apple khoảng 8 đến 12 tỷ USD mỗi năm, tương đương với 1/3 lợi nhuận của Alphabet - công ty mẹ của Google. Mục tiêu nhằm đảm bảo Google sẽ trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên hàng tỷ thiết bị của Apple trên thị trường.
Chính thỏa thuận này giúp Google có thể thống trị thị trường tìm kiếm. Nhiều năm trở lại đây, Google chiếm đến 90 - 95% yêu cầu sử dụng công cụ tìm kiếm tại Mỹ. Thỏa thuận này mang đến nhiều lợi ích đến nỗi nó đã trở thành tâm điểm chú ý của các nhà lập pháp Mỹ
Mối quan hệ của Google và Apple bắt đầu từ những ngày đầu tiên
"Trong những ngày đầu tiên, Apple và Google đã rất thân thiết với nhau. Có thời điểm, giám đốc của Google còn nằm trong ban điều hành của Apple" - ông Tim Higgins chia sẻ
Năm 2005, 2 công ty đã đặt nền móng cho thỏa thuận được đánh giá là giá trị nhất trong lịch sử ngành công nghệ. Google trở thành công cụ tìm kiếm mặc định của trình duyệt Safari trên các máy tính Mac của Apple. Rồi đến năm 2007, Google tiếp tục trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên iPhone, và kể từ đó họ phát triển bùng nổ
Trong sự kiện của Apple năm 2007, ông Eric Schmidt, Cựu Giám đốc điều hành của Google đã từng phát biểu ngay trên sân khấu, cho thấy mối quan hệ khăng khít giữa ông và ban giám đốc công ty Apple, "Tôi đã có đặc quyền tham gia vào ban điều hành của Apple, và giữ mối quan hệ tốt đẹp với mọi người. Đã có lúc tôi nghĩ rằng nếu chúng ta sáp nhập, thì công ty có thể gọi là Applegoo" .
Mối quan hệ thân thiết giữa cựu CEO Apple- Steve Jobs (trái), và cựu CEO Google- Eric Schmidt (phải) (Nguồn: Techcrunch)
Google - người khổng lồ luôn "thèm" những điều mới
Tuy nhiên người khổng lồ thì lúc nào cũng thèm "ngoạm" thêm nhiều miếng bánh thị phần. Đó là lý do năm 2008, Google đã trực tiếp đối đầu với Apple, bằng cách trình làng hệ điều hành Android.
Một năm sau đó, Giám đốc điều hành của Google - Eric Schmidt đã "rút lui" khỏi Apple.
Kể từ đó, 2 công ty liên tục mở rộng, giẫm lên chân nhau. Google liên tục giới thiệu các dòng điện thoại Android. Trong khi đó, Apple cũng trình làng các dịch vụ mới như kho ứng dụng App store, và tích hợp công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft vào trợ lý ảo Siri, thay vì Google.
Phải mãi cho đến năm 2017, Apple mới thay thế Bing bằng Google cho công cụ tìm kiếm vào trợ lý ảo Siri, và trợ lý áo Spotlight, tính năng trên máy tính Mac.
Apple và Google hợp tác lại với nhau từ năm 2017
Cái "bắt tay lại" giữa Google và Apple đến vào đúng thời điểm, khi Google đang phải đối mặt với nhiều cạnh tranh đến từ mạng xã hội Facebook với doanh thu quảng cáo trên điện thoại tăng chóng mặt
Google và những mẩu quảng cáo trên công cụ này tiếp tục lại xuất hiện trên hơn 1 tỷ thiết bị của Apple. Gần nửa nhu cầu sử dụng tìm kiếm Google là đến từ các thiết bị của nhà Táo.
"Mỗi khi mở điện thoại iphone và viết bất kể thứ gì trên trình duyệt Safari, bạn sẽ được chuyển đến ngay cho Google. Đấy là giá trị chứ đâu" - nhận định của ông Tim Higgins.
Còn đối với Apple, thỏa thuận này cũng mang đến nhiều lợi ích không kém. Ước tinh 15-20% lợi nhuận hàng năm của Apple là đến từ doanh thu quảng cáo trực tuyến của Google. Con số này như nạp thêm nhiên liệu cho tham vọng gia tăng độ phủ của Apple trên toàn cầu trong vài năm qua.
Google đối mặt vụ kiện lịch sử với số đơn nguyên khởi kiện kỉ lục
Tuy nhiên mọi lợi ích có nguy cơ tan biến bởi vụ kiện của Bộ Tư pháp Mỹ.
Mối quan hệ giữa Google và Apple trở thành tâm điểm chú ý của Bộ Tư pháp Mỹ. (Nguồn: Axios)
Tháng 10, Bộ Tư pháp Mỹ đã đệ đơn khởi kiện Google, cáo buộc gã khổng lồ công nghệ đã vận hành đế chế độc quyền trong thị trường tìm kiếm trên Internet, gây hại cho cả người tiêu dùng lẫn các đối thủ cạnh tranh.
Nguyên đơn cho rằng gã khổng lồ của Thung lũng Silicon đã ngăn chặn phi pháp sự cạnh tranh từ đối thủ bằng việc đạt được thỏa thuận với các nhà sản xuất điện thoại như Apple, để cài đặt trước hoặc cài đặt làm mặc định công cụ tìm kiếm Google trên các thiết bị của họ.
Ngày 17/12, hàng chục bang tại Mỹ đã liên kết kiện công ty Alphabet, chủ sở hữu của Goolge, cáo buộc hãng công nghệ hàng đầu của Mỹ lạm dụng lợi thế trong lĩnh vực tìm kiếm nội dung trên mạng Internet để chèn ép các đối thủ. Đây là vụ kiện chống độc quyền thứ 3 nhằm vào Google trong năm nay tại Mỹ.
Nguy cơ Google và Apple "rạn nứt" sau vụ kiện của Bộ Tư pháp Mỹ
Trong nội bộ Google, có một kịch bản được gọi là "Core Red". Kịch bản này có thể được áp dụng cho hoàn cảnh của Google hiện tại: Đánh mất vị trí là công ty độc quyền công cụ tìm kiếm trên iPhone. Đây có thể sẽ là khoảnh khắc "ác mộng" bởi nó có thể khiến hàng tỷ USD doanh thu từ quảng cáo lẫn dữ liệu truy vấn biến mất, chưa kể việc để ngỏ cánh cửa cho các đối thủ cạnh tranh tiến vào.
Các chuyên gia phân tích tài chính cho rằng vụ kiện từ giới chức Mỹ có thể khiến mối quan hệ tay trong giữa Google và Apple rạn nứt, và chắc chắn sẽ trở thành một cú giáng mạnh vào "túi tiền" của 2 ông lớn này trong tương lai.
Google phản bác các cáo buộc
Nếu trước đây những công ty kiểu như Google và Facebook được ca ngợi như những câu chuyện thành công điển hình và là những cái tên rất được yêu chuộng ở Phố Wall thì nay ưu thế vượt trội quá mức lại đang quay ngược, trở thành điều gây bất lợi cho những công ty đó. Vụ kiện đánh dấu một sự đảo ngược so với vài năm trước trong quan điểm của chính quyền Mỹ về các công ty ở Thung lũng Silicon.
Google đã phản bác lại cáo buộc của Bộ Tư pháp Mỹ, và cho biết chính các dịch vụ của họ còn giúp giảm giá bán đáng kể của điện thoại thông minh, làm lợi cho người mua và khẳng định họ không hề ngăn chặn người dùng khi muốn chuyển sang các công cụ tìm kiếm khác.
Phó chủ tịch cấp cao phụ trách các vấn đề toàn cầu của Google và cũng là luật sư Kent Walker lập luận trên blog của công ty: "Mọi người dùng Google vì họ chọn dùng nó chứ không phải họ bị bắt buộc phải dùng, hoặc vì họ không thể tìm được những công cụ khác thay thế".
Google cho rằng nếu cuối cùng các bang thắng kiện thì người chịu thiệt sau cùng vẫn là người tiêu dùng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!