Ngày 8/8/2021, kỷ niệm 54 năm thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN. ASEAN kỷ niệm sinh nhật trong bối cảnh khu vực đứng trước thách thức lớn từ đại dịch COVID-19, Đông Nam Á đang là điểm nóng dịch của thế giới.
Đoàn kết trước thách thức
Chủ đề năm ASEAN 2021 được nước Chủ tịch ASEAN Brunei đưa ra là "Chúng ta quan tâm, chúng ta sẵn sàng, chúng ta thịnh vượng". Chủ đề được lựa chọn trong bối cảnh thế giới ở giữa dịch COVID-19, muốn nhấn mạnh ba lĩnh vực ưu tiên với ASEAN năm nay, đó là: quan tâm đến mọi người và hạnh phúc của nhau; sẵn sàng cho những cơ hội và thách thức trong tương lai; cùng thịnh vượng vì một khu vực thống nhất. Nội hàm ý nghĩa của những ưu tiên này càng thấy rõ trong bối cảnh khu vực đứng trước thử thách lớn khi là điểm nóng mới về COVID-19 trên thế giới. Cùng với đó là không ít thách thức về các biến động địa chính trị, cạnh tranh nước lớn trên thế giới và trong khu vực.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 và các hội nghị liên quan đã diễn ra theo hình thức trực tuyến, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến hết sức nghiêm trọng tại các quốc gia trong khu vực.
Dịch COVID-19 tái bùng phát
Indonesia là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất với số ca mắc COVID-19 mới tăng cao trong vòng 2 tháng trở lại đây, có ngày nước này ghi nhận hơn 57 nghìn ca mắc mới, số ca tử vong cũng đã vượt quá 100 nghìn người. Quốc gia vạn đảo đã ghi nhận hơn 3,6 triệu ca COVID 19.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM-54) trực tuyến. Ảnh: TTXVN
Các nước Philippines, Malaysia, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam cũng ghi nhận số ca tăng đột biến trong những tháng vừa qua. Số ca liên tục tăng cao, nhưng tỷ lệ tiêm chủng ở ASEAN vẫn thấp, Singapore là quốc gia có tiến độ tiêm chủng cao nhất, 65%, tuy nhiên tỷ lệ này ở các nước có số ca tăng cao chỉ chưa đến 10%.
Cạnh tranh chiến lược các nước
ASEAN đang ngày càng phát huy vai trò trung tâm, khi các cường quốc đang dần hướng sự chú ý tới khu vực. ASEAN có các cơ chế đối thoại như cấp cao Đông Á hay Diễn đàn Khu vực ASEAN, đây là những diễn đàn để trao đổi về các vấn đề chiến lược và những vấn đề trong quan hệ giữa các nước liên quan đến khu vực.
Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn vì thế cũng là một phần chương trình nghị sự của các cuộc họp. Tuy nhiên, các nước thành viên ASEAN không muốn bị mắc kẹt trong cuộc cạnh tranh này. ASEAN mong muốn tất cả các nước trên thế giới cũng như khu vực đóng góp tích cực, hỗ trợ thúc đẩy duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Đông Nam Á. Đó cũng chính là thể hiện vai trò trung tâm của ASEAN mà khối mong muốn xây dựng.
Myanmar vẫn chưa tìm được giải pháp chính trị
Đã 6 tháng từ cuộc chính biến ở Myanmar, nước này vẫn chưa tìm được giải pháp chính trị. Một chính phủ tạm quyền mới được thành lập vào đầu tháng 8, dự kiến sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử mới vào nửa cuối năm 2023. Khủng hoảng chính trị, trong khi tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến xấu. Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới nhận định, Myanmar có thể trở thành quốc gia siêu lây nhiễm, dẫn đến khó khăn cho không chỉ người dân nước này mà có thể ảnh hưởng rộng hơn ra khu vực.
ASEAN chung tay ứng phó COVID-19
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN AMM lần thứ 54 và các hội nghị liên quan trong tuần qua là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong một năm của ASEAN. Diễn ra vào đúng thời điểm dịch COVID-19 bùng phát nghiêm trọng tại nhiều nước khu vực, thúc đẩy đoàn kết và năng lực tự cường của ASEAN, phối hợp tích cực với các đối tác, triển khai hiệu quả các ưu tiên đề ra trong năm nay và đưa các nước thành viên vượt qua dịch bệnh, là những ưu tiên thảo luận chính. Câu chuyện về vaccine, bao gồm hỗ trợ nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phân phối vaccine COVID-19 là một trong những nội dung được chú ý, cùng với đó là các thảo luận về phục hồi sau đại dịch.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Hoa Kỳ theo hình thức trực tuyến. Ảnh: TTXVN
Tăng cường hợp tác nội khối, đẩy mạnh hợp tác với đối tác để ứng phó dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu của ASEAN trong bối cảnh hiện nay. Ứng phó COVID-19 là chủ đề chính của hầu hết gần 20 sự kiện diễn ra tuần qua.
Ông Bùi Thanh Sơn - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: "Các hội nghị lần này là cơ hội để ASEAN và các đối tác thúc đẩy hơn nữa các nỗ lực phục hồi và ứng phó COVID-19 của ASEAN, đặc biệt là trong mua sắm, chuyển giao công nghệ trong sản xuất vaccine".
Các nước ASEAN và đối tác đề cao các cơ chế ứng phó đại dịch đã được ASEAN thành lập năm 2020 như Quỹ ứng phó COVID-19, Kho vật tư y tế dự phòng ASEAN… Nhiều đối tác như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ đều cam kết đóng góp kinh phí cho Quỹ ứng phó COVID-19, giúp ASEAN ứng phó đại dịch. Các nước cùng đề nghị khẩn trương triển khai Kế hoạch Hành động ASEAN về an ninh và tự cường vaccine, Kho dự phòng vật tư y tế ASEAN về ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp, cũng như Khung phục hồi tổng thể ASEAN.
Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi: "Các sáng kiến ứng phó COVID-19 của ASEAN cần được mở rộng và thực thi nhanh chóng. Tôi vui mừng thông báo với các bạn rằng Quỹ ứng phó COVID-19 đã huy động được hơn 20 triệu USD. Tôi khuyến khích các nước ASEAN và các đối tác đối thoại sẽ sớm giải ngân các nguồn kinh phí đóng góp".
Điểm nhấn quan trọng là, trong bối cảnh khu vực trở thành điểm nóng của đại dịch, các nước ASEAN và các đối tác đều đồng thuận và nhất trí cần đẩy nhanh quá trình tiêm chủng tại các nước khu vực, kêu gọi các đối tác tiếp tục hỗ trợ và đảm bảo tiếp cận vaccine công bằng, kịp thời, hiệu quả, tăng cường chuyển giao công nghệ, đảm bảo nguồn cung vaccine; từ đó tạo điều kiện cho phục hồi toàn diện, bền vững trong khu vực.
Giải pháp chung của ASEAN trong ứng phó với đại dịch COVID-19 cũng nhận được nhiều quan tâm từ các học giả.
Nghi thức chào cờ ASEAN tại Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, ngày 26/6/2020, tại Hà Nội Ảnh tư liệu: TTXVN
PGS.TS. Jeremy Lim - Chuyên gia y tế công cộng, Trường Y tế công Saw Swee Hock, ĐH Quốc gia Singapore nói: "Tôi hy vọng rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ có Trung tâm ASEAN về Kiểm soát và phòng ngừa Dịch bệnh, hay là CDC ASEAN. Đó là nơi ASEAN có thể tập hợp kiến thức chuyên môn, nguồn lực, liên quan đến các khía cạnh như tiêm chủng, xét nghiệm. Như vậy, với tư cách là một khu vực, chúng ta cùng quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau trước những thách thức mà các nước cùng phải đối mặt".
Dù mỗi quốc gia đang phải ứng phó với dịch bệnh ở những quy mô, cùng những cách ứng phó khác nhau nhưng với tinh thần đoàn kết, thống nhất cùng sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác, ASEAN sẽ cùng nhau chiến thắng đại dịch.
ASEAN trước bối cảnh thế giới nhiều biến động
COVID-19 và những diễn biến dịch xấu đi đáng kể trong khu vực, xoay chuyển một phần trọng tâm các thảo luận trong ASEAN và giữa ASEAN với đối tác tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao AMM 54 lần này. Nhưng vẫn còn đó không ít thách thức, từ các vấn đề địa chính trị thế giới và khu vực, cạnh tranh nước lớn ngày càng gay gắt, vấn đề Biển Đông hay vấn đề Myanmar. Tất cả đặt ra yêu cầu với một ASEAN cần tiếp tục phát huy vai trò của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, đồng thời đề cao đoàn kết, phát huy nội lực, bảo đảm tiếng nói chung và cách tiếp cận cân bằng trong quan hệ với các đối tác, duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.
Vấn đề Myanmar là một trong những điểm nóng được đề cập tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) 54 và các Hội nghị liên quan. Các nước thống nhất cần triển khai toàn diện và kịp thời Đồng thuận 5 điểm đã đạt được tại Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN tháng 4/2021; khẳng định tiếp tục hỗ trợ Myanmar vượt qua khó khăn, tìm giải pháp cho các thách thức hiện nay. Bước tiến mới nhất của ASEAN về Myanmar tại kỳ Hội nghị lần này là đã bổ nhiệm đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN về Myanmar.
Bất chấp những khó khăn từ đại dịch COVID-19 và các điểm nóng khu vực, ASEAN đã và đang thúc đẩy các kênh hợp tác trong và ngoài khối để ứng phó hiệu quả với các thách thức đang nổi lên, tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong các cơ chế đa phương khu vực và toàn cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!