Các đại biểu tham dự Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về các vấn đề ma túy lần thứ 8 diễn ra hôm 11/8 tại Lào. (Ảnh: VOV)
Khẳng định trên được đưa ra tại Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về các vấn đề ma túy lần thứ 8 diễn ra hôm 11/8 tại Lào.
Một trong những mục tiêu mà ASEAN đang đặt ra là ngăn chặn hoạt động vận chuyển các loại hóa chất, tiền chất sản xuất ma túy đến khu vực Tam Giác Vàng.
Tại hội nghị, các Bộ trưởng, trưởng đoàn tái khẳng định, ASEAN cần tiếp tục nâng cao vai trò trung tâm trong các diễn đàn khu vực và cơ chế hợp tác nhằm giải quyết những thách thức về ma túy một cách hiệu quả với mục tiêu một ASEAN không ma túy.
Quan chức cấp cao các nước thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN. (Ảnh: VOV)
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam, nói: "Ở cấp độ quốc gia, các bên cần chủ động nâng cao chất lượng trao đổi thông tin qua cơ quan đầu mối; chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng chống ma túy; triển khai các đợt cao điểm tuyên truyền, tấn công, trấn áp tội phạm ma túy trên tuyến biên giới; tiến hành điều tra chung đối với các vụ án liên quan đến tội phạm ma túy xuyên quốc gia.
Theo Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), số người sử dụng ma túy tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao trên toàn thế giới, từ 240 triệu người năm 2011 lên 296 triệu người vào năm 2023 (tương đương 5,8% dân số toàn cầu trong độ tuổi 15 - 64).
Để đấu tranh, phòng chống hiệu quả với tội phạm ma túy, cơ quan này cho rằng cùng với việc tăng cường an ninh biên giới, các nước ASEAN cũng cần ngăn chặn hoạt động vận chuyển các loại hóa chất, tiền chất sản xuất ma túy đến khu vực Tam Giác Vàng.
Đoàn đại biểu Việt Nam do Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam làm trưởng đoàn. (Ảnh: VOV)
Ông Jeremy Douglas, Trưởng đại diện Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương, nhận định: "Không thể sản xuất các loại ma túy tổng hợp, hiện đang tràn lan ở khu vực mà không có hóa chất. Các loại hóa chất, tiền chất ma túy đang được vận chuyển với số lượng lớn, cao hơn rất nhiều so với lượng ma túy được sản xuất bởi cần phải có lượng hóa chất nhiều hơn gấp nhiều lần như thế để sản xuất ma túy".
Theo Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc, tội phạm và tệ nạn ma túy đang là thách thức nghiêm trọng tinh thần thượng tôn pháp luật và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, tiếp tục là mối nguy hại cho cộng đồng và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ của người dân trên toàn thế giới, đe doạ đến vấn đề an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội của cộng đồng chung ASEAN.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!