Băng biển ở Nam Cực xuống mức thấp đáng báo động trong năm thứ 3 liên tiếp

Quỳnh Chi (Theo The Guardian)-Thứ hai, ngày 26/02/2024 06:09 GMT+7

(Ảnh: AP)

VTV.vn - Trong 3 năm liền, diện tích băng biển quanh Nam Cực đã giảm xuống dưới 2 triệu km2, ngưỡng mà trước năm 2022 chưa từng bị phá vỡ.

Dữ liệu mới nhất từ Trung tâm Dữ liệu băng tuyết quốc gia Mỹ xác nhận 3 năm qua là 3 năm thấp kỷ lục về lượng băng biển trôi nổi khắp lục địa kể từ khi các phép đo vệ tinh bắt đầu được thực hiện vào năm 1979.

Các nhà khoa học cho biết thêm một năm có diện tích băng biển đặc biệt thấp nữa là bằng chứng rõ ràng hơn về "sự thay đổi cơ chế", với nghiên cứu mới cho thấy băng biển của lục địa này đã trải qua một "quá trình chuyển đổi quan trọng đột ngột".

Băng biển ở Nam Cực xuống mức thấp nhất vào thời điểm cao điểm của mùa hè lục địa vào tháng 2 hàng năm. Vào ngày 18/2, diện tích băng biển trung bình trong 5 ngày đã giảm xuống còn 1,99 triệu km2 và vào ngày 21/2 là 1,98 triệu km2. Mức thấp kỷ lục trước đó là 1,78 triệu km2, được thiết lập vào tháng 2/2023.

Băng biển ở Nam Cực đạt đỉnh điểm vào tháng 9 hàng năm, nhưng diện tích băng biển tối đa của năm 2023 là mức thấp nhất được ghi nhận.

Phạm vi băng bao phủ dường như phục hồi nhẹ trong tháng 12/2023, khi tình trạng đóng băng diễn ra, nhưng sau đó lại giảm xuống mức hiện tại.

Băng biển ở Nam Cực xuống mức thấp đáng báo động trong năm thứ 3 liên tiếp - Ảnh 1.

Quang cảnh thềm băng ở Nam Cực vào ngày 7/2/2024. (Ảnh: Anadolu Agency/Getty Images)

Không có số đo đáng tin cậy nào về độ dày của băng biển ở Nam Cực, nhưng Ariaan Purich, một nhà khoa học khí hậu chuyên về Nam Cực và Nam Đại Dương tại Đại học Monash, cho biết có thể lớp băng tái sinh mỏng hơn bình thường. Khi băng biển mỏng hơn, nó có thể tan trở lại nhanh hơn.

Các nhà khoa học vẫn đang điều tra nguyên nhân gây ra sự suy giảm băng biển nhưng họ lo ngại hiện tượng nóng lên toàn cầu có thể đóng một vai trò nào đó, đặc biệt là do tình trạng nóng lên ở Nam Đại Dương bao quanh lục địa.

Băng biển phản chiếu bức xạ mặt trời, theo đó việc ít băng hơn có thể khiến đại dương nóng lên nhiều hơn và nhanh hơn.

Các hệ sinh thái ở Nam Cực gắn liền với băng biển, từ sự hình thành thực vật phù du có thể hấp thu carbon khí quyển cho đến nơi sinh sản của chim cánh cụt. Theo nghiên cứu mới, hàng nghìn cá thể chim cánh cụt hoàng đế con trên khắp 4 khu vực ở Nam Cực đã chết vào cuối năm 2022.

Trong một bài báo xuất bản vào tháng 2/2024 trên Tạp chí Khí hậu, các nhà khoa học đã xem xét những thay đổi về phạm vi băng biển và nơi nó hình thành mỗi năm.

Nhìn vào hai giai đoạn từ năm 1979 đến năm 2006 và từ năm 2007 đến năm 2022, các nhà nghiên cứu nhận thấy lượng băng biển đã thay đổi nhiều hơn hoặc thất thường hơn trong giai đoạn sau. Sự thay đổi này không thể được giải thích bằng những thay đổi trong khí quyển, chủ yếu là gió, yếu tố thường quyết định phần lớn sự biến đổi hàng năm của băng trước đây.

Nghiên cứu kết luận rằng một "sự chuyển đổi quan trọng đột ngột" đã xảy ra ở Nam Cực, nhưng các nhà khoa học cho biết họ không thể giải thích tại sao.

Các nhà khoa học đã cảnh báo việc tổn thất băng biển chỉ là một trong một số thay đổi lớn đang được quan sát thấy ở Nam Cực và có khả năng gây ra hậu quả toàn cầu. Đặc biệt, việc mất băng đang khiến nhiều lục địa bị lộ ra biển, đẩy nhanh tốc độ mất băng trên đất liền, từ đó có thể đẩy mực nước biển toàn cầu lên cao.

Các nhà khoa học ngày càng lên tiếng kêu gọi các chính phủ xem xét những thay đổi ở Nam Cực một cách nghiêm túc hơn.

Băng biển ở Nam Cực giảm xuống mức thấp kỷ lục mới Băng biển ở Nam Cực giảm xuống mức thấp kỷ lục mới

VTV.vn - Các nhà nghiên cứu Mỹ cho biết, băng biển ở Nam Cực có thể đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vào tuần trước, mức thấp nhất trong 45 năm thống kê hồ sơ vệ tinh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước