Băng biển bị rạn vỡ và tan chảy ở biển Weddell, Nam Cực. (Ảnh: Alamy)
Đây là mức thấp nhất kể từ khi Trung tâm Dữ liệu Băng tuyết Quốc gia Mỹ bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 1979.
Theo NSIDC, trong bối cảnh chỉ còn vài tuần nữa là bước vào mùa tan băng, lượng băng này dự kiến còn giảm hơn nữa trước khi đạt mức tối thiểu hàng năm.
Theo lý giải của các nhà khoa học, băng biển Nam Cực tan chảy không có tác động rõ rệt đến mực nước biển vì băng vốn đã nằm trên đại dương, nhưng nó góp phần đẩy nhanh quá trình nóng lên toàn cầu. Cơ chế điều hòa khí hậu bằng băng tuyết rất quan trọng, trong đó lớp băng tuyết phản xạ đến 80% lượng tia nắng mặt trời và mang lại hiệu ứng làm mát. Tuy nhiên, khi băng biển tan chảy, bề mặt đại dương sẽ là nơi hấp thụ lượng ánh nắng mặt trời. Với đặc thù về sắc tố tối hơn nhiều so với băng, điều này sẽ tác động khiến quá trình ấm lên toàn cầu tăng tốc.
NSIDC cho biết thêm rằng sự biến mất của băng biển còn làm lộ ra các thềm băng và sông băng, dễ chịu tác động của những con sóng và điều kiện thời tiết ấm dẫn đến sự tan chảy và nứt vỡ.
Lượng băng biển ở Nam Cực đang giảm nhanh. (Ảnh: Getty)
Chu kỳ băng tuyết Nam Cực hàng năm biến đổi đáng kể giữa các mùa. Lục địa này đã không trải qua sự tan chảy nhanh chóng trong 4 thập kỷ. Tuy nhiên, tỷ lệ băng tan bắt đầu tăng cao vào năm 2016, gây lo ngại rằng xu hướng băng tan có thể kéo dài.
Kỷ lục băng biển thấp nhất trước đây được ghi nhận vào tháng 2/2022, khi diện tích băng nổi trên Nam Cực lần đầu tiên giảm xuống dưới 2 triệu km2. Năm 2022 là năm nóng thứ 5 hoặc thứ 6 thế giới từng ghi nhận, bất chấp ảnh hưởng làm mát của hiện tượng thời tiết La Nina.
Một nghiên cứu khoa học mới được công bố cũng cho thấy nguy cơ từ việc nhiệt độ toàn cầu tăng. Theo nghiên cứu này, chỉ cần nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 0,5°C, các tảng băng lớn sẽ tan chảy khiến mực nước biển tăng lên vài mét, tiềm ẩn các tác động môi trường vô cùng nghiêm trọng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!