Công nghệ có khả năng tái chế nước thải cho nhu cầu tiêu dùng của con người đã giành được sự tín nhiệm lớn hơn trong những năm gần đây, trong bối cảnh chính quyền và người dân tại bang California phải đối mặt chu kỳ hạn hán ngày càng tồi tệ do tình trạng biến đổi khí hậu.
Các quy định trên được Cơ quan Kiểm soát tài nguyên nước của bang California thông qua sau hơn 10 năm thảo luận và cân nhắc.
Tài liệu dày 69 trang được phê duyệt vào ngày 19/12 cung cấp cơ sở pháp lý và khung pháp lý cho việc "tái sử dụng nước thải để có thể uống trực tiếp", theo đó cho phép sản phẩm cuối cùng của quá trình thanh lọc tiên tiến được đưa thẳng vào hệ thống cung cấp nước uống mà không cần thông qua một môi trường đệm.
Nền tảng của công nghệ này đã được sử dụng trong hơn 10 năm qua tại hạt Orange. Nước thải được xử lý thông qua hệ thống vi lọc mạnh mẽ, thẩm thấu ngược và khử trùng bằng tia cực tím cùng hydro peroxide.
Tuy nhiên, quy định mới được Cơ quan Kiểm soát tài nguyên nước của bang California thông qua yêu cầu bổ sung quá trình khử trùng ozone và lọc carbon sinh học, đồng thời giám sát chặt chẽ hơn và loại bỏ các mầm bệnh.
Nước thải đã qua xử lý được cung cấp trực tiếp thông qua đường ống nước của các hộ gia đình. Trong một số trường hợp nhất định, nước thải sẽ được tiếp tục xử lý tại bể chứa của các nhà máy xử lý nước uống thông thường trước khi được đưa tới người tiêu dùng.
Bà Patricia Sinicropi, Giám đốc điều hành của tập đoàn thương mại tái chế WateReuse California, đánh giá, việc chính quyền bang này thông qua quy định chuyển đổi nước thải thành nước uống báo hiệu "một kỷ nguyên mới của việc tái sử dụng nước". Theo bà, lượng nước tái chế này có thể đóng góp khoảng 10 - 15% nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho một số cộng đồng ven biển trong điều kiện hạn hán.
Công nghệ lọc nước thải trên tương tự như công nghệ được sử dụng trong quá trình chuyển đổi nước mặn thành nước ngọt. Tuy nhiên, việc tái chế nước thải được đánh giá là thân thiện với môi trường hơn, theo đó giúp giảm lượng chất thải đổ vào sông và đại dương, đồng thời tránh gây hại cho sinh vật biển.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!