Bạo lực băng đảng ở Haiti gây khủng hoảng y tế nghiêm trọng

Nguyễn Huyền (Theo ABC News)-Thứ tư, ngày 10/04/2024 17:10 GMT+7

(Ảnh minh họa: France24)

VTV.vn - Chăm sóc y tế và nguồn cung cấp khan hiếm sau các vụ bạo lực băng đảng đang “bóp nghẹt” thủ đô Haiti.

Ngày 9/4, một vụ nổ súng mới nổ ra tại trung tâm thành phố Port-au-Prince, buộc các nhân viên cứu trợ tạm dừng hoạt động chăm sóc khẩn cấp cho hàng nghìn người dân Haiti.

Trước đó nhiều tuần, bạo lực băng đảng đã tàn phá Haiti, gây ra nhiều hậu quả khôn lường. Liên minh Hành động Y tế Quốc tế (ALIMA) - một tổ chức nhân đạo có trụ sở tại Senegal cảnh báo rằng tình trạng này đã buộc khoảng 18 bệnh viện phải ngừng hoạt động, dẫn đến thiếu hụt trầm trọng vật tư y tế.

Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn do cảng biển lớn nhất và sân bay quốc tế chính của Haiti vẫn đóng cửa. Ông Antoine Maillard, điều phối viên y tế của ALIMA tại Port-au-Prince, cho biết: “Tình hình thực sự khó khăn và ảnh hưởng đến hoạt động của chúng tôi hàng ngày”.

Bạo lực băng đảng đã khiến khoảng 17.000 người dân thủ đô phải rời bỏ nhà cửa. Nhiều người chen chúc trong các trường học bỏ hoang và các tòa nhà khác. Ông Maillard cho biết các nhân viên cứu trợ đã có thể tiếp cận một trong những trại dành cho người di tản nhưng có quá nhiều tiếng súng, cản trở việc hỗ trợ.

Các loại thuốc cơ bản như kháng sinh và thuốc chống tiêu chảy hiện rất khó kiếm do bạo lực băng đảng đã buộc các nhà cung cấp phải đóng cửa. Giá thuốc men khan hiếm tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần.

Điều này khiến người dân Haiti như bà Denise Duval, 65 tuổi, không thể mua thuốc cần thiết hoặc đi khám bác sĩ. Bà cho biết bà bị huyết áp cao và thường xuyên chóng mặt. Bà nói: “Nghe tiếng súng suốt ngày khiến tim tôi đập mạnh”.

Bạo lực băng đảng ở Haiti gây khủng hoảng y tế nghiêm trọng - Ảnh 1.

Người dân đi qua đám cháy do đốt lốp với vẻ lo lắng trong cuộc biểu tình sau khi Thủ tướng Haiti Ariel Henry từ chức, ở Port-au-Prince, Haiti, ngày 12/3/2024 (Ảnh: AFP)

Kể từ khi những tay súng bắt đầu tấn công các cơ sở hạ tầng quan trọng của chính phủ vào ngày 29/2, bạo lực băng đảng có giảm bớt ở một số khu vực nhưng tiếng súng vẫn vang vọng khắp Port-au-Prince. Thêm vào đó, nhiều tuyến đường chính vẫn không thể đi lại được, khiến người dân gặp khó khăn trong việc đi lại, đặc biệt là đối với những người cần đến bệnh viện. Bệnh viện công lớn nhất Haiti - Bệnh viện Đại học Quốc gia - cũng nằm trong số những bệnh viện bị đóng cửa do bị các băng đảng chiếm giữ và cướp bóc.

Trong khi đó, đất nước Haiti có tới 60% dân số sống với mức thu nhập dưới 2 USD/ngày. Một số phòng khám và bệnh viện tư nhân còn hoạt động nhưng vẫn không thể tiếp cận được phần lớn người dân.

Tiến sĩ Priscille Cupidon - Giám đốc hoạt động y tế của Tổ chức Bác sĩ Không biên giới (MSF) - cho rằng cuộc giao tranh đang diễn ra giống như một cuộc chiến. Bà viết trong một bài đăng: “Các cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế ngày càng sâu sắc của đất nước đã khiến các cơ sở y tế thiếu thốn nguồn lực”.

Bác sĩ Cupidon - người điều hành một phòng khám y tế lưu động - cho biết: “Nhu cầu y tế trong khu vực rất cao và chỉ có khả năng tăng lên khi dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện tại quá hạn chế”.

Đến nay, ước tính 80% Port-au-Prince nằm dưới sự kiểm soát của các băng đảng. Sự hiện diện của các nhóm vũ trang ảnh hưởng đến toàn bộ cư dân thành phố. Bạo lực leo thang buộc Thủ tướng Ariel Henry phải tuyên bố từ chức sau khi thành lập Hội đồng Tổng thống chuyển tiếp.

10 người thiệt mạng ở ngoại ô Port-au-Prince khi căng thẳng gia tăng tại Haiti 10 người thiệt mạng ở ngoại ô Port-au-Prince khi căng thẳng gia tăng tại Haiti Thủ tướng Haiti Ariel Henry từ chức để khôi phục ổn định quốc gia Thủ tướng Haiti Ariel Henry từ chức để khôi phục ổn định quốc gia Mỹ sơ tán nhân viên ngoại giao khỏi Haiti Mỹ sơ tán nhân viên ngoại giao khỏi Haiti

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước