Nước lũ lên cao ở tỉnh Nong Khai, Thái Lan, ngày 16/9. (Ảnh: Royal Thai Air Force)
Từ ngày 17/9, Văn phòng Tài nguyên nước Quốc gia Thái Lan đã thông báo một lượng lớn nước lũ lớn đang chảy về hạ lưu và có thể gây ra lũ lụt tại các tỉnh Bung Kan, Nakhon Phanom, Mukdahan, Amnart Charoen và Ubon Ratchathani.
Nhiều khu vực của tỉnh Nong Khai (thuộc Đông Bắc Thái Lan) đã bị ngập lụt do nước tràn bờ từ sông Mekong dâng cao. Trong đó, khu vực thành phố ở quận Muang là một trong những nơi bị ngập lụt tồi tệ nhất.
Ở trạm Nong Khai, mực nước ngày 15/9 đã vượt hơn trung bình nhiều năm đến 4,5 m do lượng mưa của trận bão Yagi. Tuy nhiên, mực nước tại đây vào ngày 18/9 đã giảm còn trên trung bình nhiều năm chỉ khoảng 2,7 m, chứng tỏ khối nước đã bắt đầu di chuyển về hạ lưu.
Nước dâng cao tại Luang Prabang, ngày 10/9 (Ảnh: Laophattana News)
Để ứng phó với tình trạng lũ lụt tại nhiều tỉnh, Thái Lan sẽ tìm kiếm sự hợp tác với các quốc gia dọc theo sông Mekong và sẽ sử dụng nhiều cơ chế khác nhau bao gồm khuôn khổ hợp tác Mekong - Hoa Kỳ, Mekong - Nhật Bản và Mekong - Hàn Quốc để giải quyết các vấn đề của sông Mekong, bao gồm lũ lụt và hạn hán.
Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Maris Sangiampongsa gần đây đã có cuộc hội đàm với các đại sứ tại Thái Lan của các quốc gia thành viên của Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS), một tổ chức chính trị, kinh tế và văn hóa bao gồm Thái Lan, Lào, Việt Nam, Campuchia và Myanmar, nhằm mục đích giải quyết lũ lụt xung quanh sông Mekong.
Lào trước đó cũng đã kích hoạt các biện pháp ứng phó khẩn cấp khi thủ đô Vientiane và thành phố Luang Prabang đối mặt với lũ lụt do mực nước sông Mekong lên nhanh.
Theo MDM (Dự án giám sát hoạt động của các đập thủy điện sông Mekong), bão Yagi tạo ra một trận lũ lớn trên sông Mekong, khiến mực nước sông tại Luang Prabang (Lào) đã vượt ngưỡng lũ từ ngày 11 - 15/9.
Khối nước khổng lồ từ trận lũ lớn này đang di chuyển về phía hạ nguồn sông Mekong và có thể về đến đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam (ĐBSCL) vào đầu tháng 10.
Khi khối nước này về đến ĐBSCL có thể trùng vào đợt triều cường cuối tháng 8 đầu tháng 9 âm lịch. Khi đó, nước sông Mekong từ trên đổ về gặp nước thủy triều từ hướng biển lên ở vùng giữa ĐBSCL và gây ngập cho dãy đô thị phía đông quốc lộ 1A như: Mỹ Tho, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Ngã Bảy.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!