Bầu cử Quốc hội liên bang: Cuộc tổng tuyển cử cạnh tranh quyết liệt nhất lịch sử nước Đức

Huệ Anh-Chủ nhật, ngày 26/09/2021 20:26 GMT+7

VTV.vn - Do khó có khả năng một đảng thắng cử tuyệt đối, đảng thu được nhiều phiếu nhất sẽ đàm phán với một hay một vài đảng khác để thành lập liên minh cầm quyền.

Hôm nay (26/9), cử tri Đức sẽ đi bầu cử Quốc hội mới tại 299 khu vực bỏ phiếu trên toàn nước Đức. Cuộc tổng tuyển cử sẽ bầu ra liên minh cầm quyền mới cho nền kinh tế đứng đầu châu Âu cũng như người kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel - một trong những phụ nữ quyền lực nhất thế giới.

Bầu cử Quốc hội liên bang: Cuộc tổng tuyển cử cạnh tranh quyết liệt nhất lịch sử nước Đức - Ảnh 1.

Hôm nay (26/9), cử tri Đức sẽ đi bầu cử Quốc hội mới tại 299 khu vực bỏ phiếu trên toàn nước Đức (Nguồn: Reuters)

Cuộc bầu cử Quốc hội liên bang khóa 20 nhiệm kỳ 2021-2025 có hơn 60 triệu cử tri tham gia, trong đó có 31,2 triệu cử tri nữ; 29,2 triệu cử tri nam và 2,8 triệu cử tri đủ 18 tuổi lần đầu tiên đi bầu cử. Tổng số cử tri đi bầu lần này giảm khoảng 1,3 triệu người so với cuộc bầu cử Quốc hội hồi năm 2017 do một số người dân lựa chọn bỏ phiếu qua đường bưu điện.

Theo ông Georg Thiel, Chủ tịch Cơ quan bầu cử Liên bang Đức, tỷ lệ cử tri gửi phiếu qua đường bưu điện năm nay dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên hơn 40% so với hồi năm 2017. Bên cạnh đó, ông Thiel cũng cho biết đại dịch COVID-19 không tác động quá nhiều tới tổng số lượng cử tri. Điều này đã được chứng minh qua các cuộc bầu cử nghị viện vừa qua ở các bang Baden-Württemberg, Rheinland-Pfalz và Sachsen-Anhalt.

Bầu cử Quốc hội liên bang: Cuộc tổng tuyển cử cạnh tranh quyết liệt nhất lịch sử nước Đức - Ảnh 2.

Cuộc bầu cử Quốc hội liên bang khóa 20 nhiệm kỳ 2021-2025 có hơn 60 triệu cử tri tham gia (Nguồn: Reuters)

Cuộc bầu cử lần này có sự tham gia của 47 chính đảng và 6.211 ứng cử viên - con số cao kỷ lục trong lịch sử nước Đức. Đây cũng là lần đầu tiên thủ tướng đương nhiệm - bà Angela Merkel không tham gia tái tranh cử sau 4 nhiệm kỳ liên tiếp nắm giữ cương vị là người đứng đầu chính phủ Đức. Điều này khiến một số chuyên gia dự báo chính sách kinh tế Đức với Đông Nam Á thời kỳ hậu Merkel có thể sẽ thay đổi, tùy thuộc vào thành phần của chính phủ mới sau bầu cử.

Sau khi kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử được công bố vào chiều tối nay theo giờ Việt Nam, đảng giành được nhiều phiếu nhất có quyền đứng ra thành lập chính phủ. Tuy nhiên, do khó có khả năng một đảng thắng cử tuyệt đối, đảng thu được nhiều phiếu nhất sẽ phải đàm phán với một hay một vài đảng khác để thành lập liên minh cầm quyền tại Quốc hội. Trong quá trình đàm phán thành lập Chính phủ và bầu chọn Thủ tướng mới, bà Angela Merkel sẽ tiếp tục làm Thủ tướng tạm thời của Đức.

Cuộc đua bầu cử ganh đua nhất lịch sử nước Đức

Sau 3 cuộc tranh luận trực tiếp trên sóng truyền hình, khoảng cách giữa 3 ứng cử viên đại diện 3 đảng đứng đầu trong chiến dịch tranh cử, bao gồm ông Armin Laschet của Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU), ông Olaf Scholz thuộc đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và bà Annalena Baerbock của đảng Xanh, dần được thu hẹp.

Bầu cử Quốc hội liên bang: Cuộc tổng tuyển cử cạnh tranh quyết liệt nhất lịch sử nước Đức - Ảnh 3.

Ông Olaf Scholz - ứng cử viên của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) (Nguồn: Reuters)

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, khoảng cách giữa 2 ứng cử viên sáng giá nhất vẫn chưa đủ lớn để nước Đức có thể dự đoán chắc chắn ứng cử viên chiến thắng. Theo một cuộc thăm dò mới đây của hãng truyền thông DW, đảng SPD được 25% số ý kiến ủng hộ, chỉ hơn 1% so với liên đảng CDU/CSU. Các đảng còn lại số ý kiến ủng hộ dao động từ 6% đến 17%. Trong đó, 5% là tỷ lệ ủng hộ tối thiểu để có ghế trong Quốc hội.

Chiến dịch tranh cử Quốc hội năm nay xoay quanh các vấn đề nội tại trên nước Đức như kinh tế, việc làm, thuế doanh nghiệp…. Trong đó, khí hậu là chủ đề được các chính đảng đặc biệt ưu tiên sau vụ lũ lụt bất thường hồi tháng 7 vừa qua. Các chính sách đối ngoại của Đức xuất hiện khá mờ nhạt.

Bầu cử Quốc hội liên bang: Cuộc tổng tuyển cử cạnh tranh quyết liệt nhất lịch sử nước Đức - Ảnh 4.

Ứng viên của đảng CDU/CSU - ông Armin Laschet (Nguồn: Reuters)

Hiện Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) là 2 đảng đứng đầu trong cuộc đua "tam mã". Trong đó, ông Olaf Scholz của đảng SPD vẫn luôn là người có sự thể hiện ấn tượng nhất và liên tục duy trì vị trí dẫn đầu. Nếu đảng SPD theo đường lối trung tả thắng cử, ông Olaf Scholz, Phó Thủ tướng trong Chính phủ mãn nhiệm, có thể trở thành Thủ tướng mới của Đức.

Với khẩu hiệu "Sứ mệnh tương lai cho đất nước của chúng ta", trọng tâm chiến dịch tranh cử của SPD được đánh giá là đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể cho nước Đức, từ chuyển đổi mạnh mẽ nền kinh tế, thúc đẩy đầu tư công đến đẩy nhanh chương trình tiêm chủng cho người dân. Bên cạnh đó, ứng cử viên đảng SPD còn đưa ra những cam kết trong vấn đề môi trường – chủ đề được các chính đảng ưu tiên hàng đầu trong lần bầu cử lần này.

Mặc dù tỷ lệ ủng hộ đảng CDU/CSU đã tăng lên so với các cuộc thăm dò sau hai cuộc tranh luận đầu tiên, song liên đảng vẫn chỉ đứng ở vị trí thứ hai. Sau khi nỗ lực rất nhiều để cải thiện vị trí, ứng viên của đảng CDU/CSU ông Armin Laschet đã buộc phải thừa nhận đây là chiến dịch tranh cử khó khăn nhất của đảng mình kể từ năm 1998.

Bầu cử Quốc hội liên bang: Cuộc tổng tuyển cử cạnh tranh quyết liệt nhất lịch sử nước Đức - Ảnh 5.

Bà Annalena Baerbock - ứng viên của đảng Xanh (Nguồn: Reuters)

Trước đó, CDU/CSU thu hút sự chú ý của cử tri thông qua chương trình "Cùng nhau vì một nước Đức hiện đại". Bà Angela Merkel cũng sát cánh cùng ông Laschet trong cuộc vận động tranh cử tại khu vực Stralsund, bang Mecklenburg-Vorpommern để ủng hộ ứng cử viên đảng CDU. Bà cho rằng việc người dân bỏ phiếu lựa chọn ông Laschet chính là sự đảm bảo cho một nền kinh tế giàu mạnh, gắn kết.

Liên minh hai đảng này muốn tạo lập một thập niên hiện đại hóa, cam kết đưa Đức trở thành nước công nghiệp trung hòa khí thải carbon vào năm 2045. CDU/CSU cũng tập trung vào hydro trung hòa khí thải để thay thế than trong công nghiệp nhằm mục tiêu loại bỏ sản xuất nhiệt điện vào năm 2038. Đây đều là những điểm sáng trong mục tiêu hướng về bảo vệ môi trường của CDU/CSU. Ngoài ra, CDU/CSU cũng cam kết không tăng thuế, đồng thời tăng giới hạn mức lương cho công việc làm thêm từ 450 euro lên 550-600 euro để hỗ trợ người lao động.

Khả năng về một liên minh ba đảng

Carsten Nickel, Phó Giám đốc nghiên cứu của Teneo Intelligence cho biết: "Một trong số hai đảng lớn, bao gồm SPD và CDU/CSU, có thể kết hợp với đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) để thành lập liên minh". Tuy nhiên, theo ông Oskar Niedermayer, chuyên gia phân tích chính trị tại Đức, việc thành lập chính phủ mới sẽ khá khó khăn do sự phân mảnh về tỷ lệ ủng hộ của các đảng. Chúng chênh nhau không đáng kể, vậy nên khả năng cao sẽ không một đảng nào giành đủ 50% số ghế trong quốc hội để tự thành lập chính phủ sau bầu cử.

Bầu cử Quốc hội liên bang: Cuộc tổng tuyển cử cạnh tranh quyết liệt nhất lịch sử nước Đức - Ảnh 6.

Gần 40% cử tri chưa quyết định ủng hộ đảng nào có thể gây bất ngờ ở phút chót (Nguồn: DW)

Điều này khiến Đức sẽ phải thành lập liên minh ba đảng. Khi đó, các đảng trong liên minh sẽ đề xuất ứng cử viên thủ tướng lên Quốc hội. Chỉ khi nhận được sự ủng hộ quá bán, người này mới có thể trở thành thủ tướng mới của nước Đức. Trong trường hợp ứng cử viên không được quá bán tại Quốc hội ủng hộ, Đức sẽ phải tổ chức cuộc tổng tuyển cử lần 2, thậm chí lần 3. Quá trình thành lập chính phủ, theo đó, sẽ khó khăn và kéo dài hơn. Tuy nhiên, bất luận ai kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel cũng sẽ phải tiếp tục gánh vác những trọng trách lớn lao, giúp nước Đức tiếp tục vượt qua giai đoạn sóng gió trong bối cảnh phục hồi hậu đại dịch COVID-19.

Theo tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung, cứ 10 người dự định bỏ phiếu vào ngày hôm nay 26/9, thì có 4 người vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Giới phân tích cho rằng, với cục diện khó đoán như hiện nay, gần 40% cử tri chưa quyết định ủng hộ đảng nào có thể gây bất ngờ ở phút chót. Do vậy, việc dự đoán liên minh cầm quyền được thành lập sau bầu cử là rất khó.

"Khó có thể có thể dự báo một liên minh được thành lập giữa những đảng nào. Quyết định này sẽ rất khó khăn" - Giáo sư chính trị học Thomas Gschwendat tại Đại học Mannheim cho biết.

Bầu cử Quốc hội liên bang: Cuộc tổng tuyển cử cạnh tranh quyết liệt nhất lịch sử nước Đức - Ảnh 7.

Thủ tướng Angela Merkel phản đối việc hình thành liên minh giữa đảng SPD, đảng Xanh và đảng Cánh tả (Nguồn: Reuters)

Về phần mình, khi đề cập đến khả năng thành lập liên minh ba đảng, Thủ tướng Angela Merkel phản đối việc hình thành liên minh giữa đảng SPD, đảng Xanh và đảng Cánh tả. Điều này có thể khiến châu Âu rơi vào tình trạng nợ kéo dài, do đảng Cánh tả phần đông đều ủng hộ chính sách tăng thuế và nâng tỷ lệ chi tiêu của chính phủ. Trong khi đó, nước Đức lại đang cần một nền móng tài chính vững chắc hơn để đối phó với bài toán nợ mới sau đại dịch.

Cho tới thời điểm này, khả năng thành lập một liên minh cầm quyền ở Đức vẫn đang là dấu hỏi. Nếu xảy ra, quá trình này có thể kéo dài trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng, giống như cuộc tổng tuyển cử hồi năm 2017 khi các đảng phải cần tới 171 ngày mới có thể thành lập được liên minh cầm quyền.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước