Máy bay tiến hành kích mưa từ mây ở UAE. (Ảnh: Gulf News)
Chiếc máy bay hai động cơ cánh quạt chuẩn bị cất cánh dưới ánh nắng mặt trời sa mạc ở thành phố Al Ain, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Gắn vào cánh máy bay này là hàng chục ống đựng muối. Phi công Michael Anstis xem kỹ bản đồ thời tiết để xác định các đám mây.
Ở độ cao hơn 2.700 mét so với mực nước biển, máy bay bắt đầu phun muối vào những đám mây có vẻ hứa hẹn đáp ứng việc kích mưa nhất.
Ông Abdulla al Hammadi, phụ trách Bộ phận tạo mưa, Trung tâm Khí tượng quốc gia UAE, cho biết: "Theo tính toán của chúng tôi, việc kích mưa từ các đám mây tốn kém ít hơn so với việc khử muối trong nước biển để lấy nước ngọt. Tuy nhiên, kích mưa lại đòi hỏi phải có những đám mây tạo được mưa, và đây là vấn đề vì không phải lúc nào cũng có những đám mây này".
Chỉ được hưởng lượng mưa trung bình chưa đến 100 mm/năm, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất luôn là nước dẫn đầu trong lĩnh vực kích mưa nhân tạo. Cách làm của các nhà khoa học UAE là phun muối hút nước vào mây để kích thích và đẩy nhanh quá trình tích tụ các giọt nước đủ lớn để rơi xuống thành mưa.
Theo ông Abdulla al Hammadi: "Kích mưa từ mây giúp tăng khoảng 10 - 30% tỷ lệ mưa mỗi năm, vì thế tăng được lượng nước dự trữ cho cả nước".
Các phi công luôn phải túc trực ở sân bay thành phố Al Ain để cất cánh bất cứ khi nào có lệnh bay vào các vùng mây được các nhà khí tượng chỉ thị.
Anh Ahmed al-Jaberi, phi công lái máy bay tạo mưa ở UAE, nói: "Kích mưa từ mây là công việc vào hàng khó khăn nhất đối với phi công. Khi có mây, chúng tôi phải tính cách đi vào và ra khỏi đám mây sau khi kích mưa ngay, để không bị mưa giông hay mưa đá đổ xuống máy bay.
Hệ quả của biến đổi khí hậu và dân số cũng như du lịch tăng đang đẩy nhu cầu nước tăng theo ở UAE. Và vì việc khử muối trong nước biển để lấy nước ngọt quá đắt đỏ nên nước này đang ngày càng tăng cường sử dụng biện pháp kích mưa từ mây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!