Bê bối chính trị ở Hàn Quốc: Đặt thỏa thuận hợp tác với các nước lớn vào thế “dở dang”

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 04/12/2016 14:47 GMT+7

VTV.vn - Vụ bê bối chính trị liên quan đến Tổng thống Hàn Quốc Park đang đặt những sáng kiến chiến lược, thỏa thuận hợp tác giữa Seoul và một loạt nước lớn vào thế “dở dang”.

Trang báo Asahi Shimbun (Nhật Bản) có bài viết với tiêu đề "Đề nghị từ chức của bà Park gây thêm sự không chắc chắn cho các mối quan hệ song phương". Bài báo có đoạn viết: "mối lo ngay lập tức là bà Park có tham dự cuộc họp thượng đỉnh 3 bên Trung - Nhật - Hàn đã rất mất công lên kế hoạch tổ chức ở Tokyo tháng 12 hay không?".

Trường hợp xấu là bà Park không thể tham dự. Asahi Shimbun dự đoán "Thủ tướng Hwang Kyo-ahn có thể thay mặt bà tham gia. Nhưng trong tình thế Tổng thống Hàn Quốc đương chức sắp mãn nhiệm, chẳng có quyết định ngoại giao quan trọng nào có thể được đưa ra".

Thời báo Nhật Bản nhận định "việc bà Park từ chức có thể thay đổi những tính toán của Nhật Bản trong các mối quan hệ song phương cũng như bức tranh an ninh khu vực".

Một trong những vấn đề nước này lo ngại là thỏa thuận giữa Tokyo và Seoul về vấn đề "phụ nữ mua vui" trong chiến tranh thế giới thứ 2. Thỏa thuận này sẽ gặp rủi ro nếu việc thực thi được chuyển giao cho chính quyền kế nhiệm của Hàn Quốc. Bởi nó vốn bị lãnh đạo các phe đối lập nước này phản đối.

Tương tự, các phe đối lập ở Hàn Quốc cũng chỉ trích Thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo quân sự Nhật - Hàn. Theo Thời báo hoàn cầu, một tài liệu ngoại giao đã ký kết không dễ để xóa bỏ ngay. Nhưng nếu phe đối lập Hàn Quốc lên nắm quyền, mức độ thực thi thỏa thuận này hiệu quả đến đâu thì chưa ai biết.

Ngoài ra, trong bối cảnh hiện tại, Hàn Quốc cũng có khả năng trì hoãn và thậm chí hủy bỏ việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ.

Về quan hệ đa phương, báo The Diplomat cho rằng, thỏa thuận an ninh 3 bên giữa Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ hiện cũng đặc biệt quan trọng trong việc đối phó với mối đe dọa hạt nhân ngày một tăng lên từ Triều Tiên. Thế nhưng, thay vì triển khai các sáng kiến chiến lược, cùng các đồng minh và đối tác khu vực đối phó với mối đe doạ hạt nhân này, chính phủ Hàn Quốc lại đang chìm trong vụ bê bối chính trị. Thất bại của Hàn Quốc trong vai trò dẫn dắt, đồng nghĩa với việc trì hoãn các sáng kiến và cản trở sự hợp tác 3 bên.

Báo Business World trích ý kiến của giáo sư Hans Schattle, giảng viên trường Đại học Yonsei (Hàn Quốc): "Cuộc khủng hoảng chính trị ở Seoul đã tạo ra khoảng trống lãnh đạo có thể làm hao mòn những tham vọng quốc tế của Hàn Quốc". Chưa có cuộc bầu cử nào được lên kế hoạch cho tới tận tháng 12 năm sau, cũng có nghĩa vụ bê bối hiện nay có nguy cơ kéo dài.

Tác giả bài báo không quá bi quan, trong đó dẫn lời giáo sư trường Đại học Hàn Quốc Kim Woo-chan: Hàn Quốc không lạ gì với khủng hoảng. Hy vọng là cuộc khủng hoảng hiện tại sẽ mang lại một nền dân chủ lành mạnh hơn và một nhà lãnh đạo đủ mạnh để thực thi các cải cách kinh tế, chính trị và doanh nghiệp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước