Bệnh đường hô hấp gia tăng tại Kenya do đốt củi

Kim Huệ-Thứ năm, ngày 13/06/2024 15:34 GMT+7

VTV.vn - Những căn bệnh liên quan đến hô hấp đang ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng triệu người dân Kenya.

Một trong những nguyên nhân chính đến từ thói quen nấu ăn bằng củi để tiết kiệm điện của người dân.

Bà Jane Muthoni ngày ngày vẫn đi nhặt củi về để căn bếp của mình luôn đỏ lửa. Chẳng mấy chốc, cả căn phòng ngập trong làn khói. Bà Jane Muthoni Njenga nói: "Cả đời tôi đều dùng củi, mỗi sáng thức dậy tôi đi lấy củi. Tuy nhiên, khói củi khiến tôi ho rất lâu và khó thở. Dùng thứ khác để nấu nướng thì đắt quá".

Theo các cơ quan chính phủ, bệnh hô hấp là căn bệnh phổ biến nhất ở Kenya trong 6 năm qua, với 19,6 triệu trường hợp được báo cáo trong năm nay. Trong đó, những người ở khu vực thu nhập thấp thường phát hiện bệnh muộn hơn so với những người thuộc tầng lớp trung lưu ở khu vực thành thị có nhận thức và khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Nguồn nhiên liệu đến từ những phụ phẩm nông - lâm nghiệp như củi, mùn cưa gỗ… chính là nguyên nhân lớn nhất gây ra những căn bệnh đó.

Theo ông Evans Amukoye - nhà khoa học tại Viện nghiên cứu y tế Kenya: "Không chỉ khí CO mà một trong những vấn đề lớn nhất là thành phần bụi mịn. Các hạt bụi có kích thước đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 PM có liên quan đến bệnh viêm phổi, bệnh hen suyễn... Nó thường có nguồn gốc chủ yếu từ việc đốt cháy các nhiên liệu hữu cơ như trong quá trình nấu nướng".

Bệnh đường hô hấp gia tăng tại Kenya do đốt củi - Ảnh 1.

Khảo sát kinh tế năm 2024 cho biết các hộ gia đình Kenya sử dụng 93,8% tổng năng lượng chủ yếu ở dạng củi. Các gia đình ở khu vực nông thôn bị ảnh hưởng nhiều nhất, khi hầu hết mọi người sống dựa vào củi hoặc nhiên liệu hóa thạch để nấu ăn.

Ông Oliver Mauersberger - Giám đốc điều hành công ty Burn Manufacturing - cho biết: "Nếu chúng ta muốn tìm giải pháp vừa sạch vừa hữu ích khắp châu Phi thì giá cả cần phải ưu tiên hàng đầu".

Nhiều người dân tìm đến giải pháp kết hợp

Chị Merc Letting, chủ một nhà hàng tại Nairobi, từng chật vật với cơn ho của mình sau thời gian đứng bếp nấu nướng phục vụ khách hàng. Giờ đây, chị quyết định mua một chiếc bếp từ cho trong bếp, vừa nấu ăn nhanh hơn và chỉ tốn hơn 50 Shilling Kenya (chưa đến 10.000 đồng) tiền điện mỗi ngày. Ở bên ngoài, chị đầu tư thêm một chiếc bếp than. Sau thời gian dài đổi loại bếp, không chỉ sức khỏe mà tài khoản ngân hàng của chị cũng cải thiện hơn.

"Khi sử dụng những chiếc bếp này, tôi mua thêm một bao than dùng trong 2 tháng. Nhờ đó, tôi có thể tiết kiệm thêm 4.500 Shilling. Hơn nữa, tôi không phải đến bệnh viện thường xuyên như trước, thay vào đó dành nhiều thời gian kiếm tiền hơn" - chị Mercy Leting nói.

Không chỉ tại Kenya, trên toàn cầu, có 2,3 tỷ người đang dựa vào các loại nhiên liệu hóa thạch như gỗ, than và dầu hỏa để nấu ăn. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính có khoảng 3,2 triệu ca tử vong vào năm 2020 do ô nhiễm trong nhà, trong đó có hơn 237.000 trẻ em dưới 5 tuổi.

Liên quan đến vấn đề này, Hội nghị thường niên lần thứ 9 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế tại Nairobi, Kenya tập trung vào việc đẩy nhanh tiến độ sử dụng năng lượng hiệu quả. IEA cho biết hàng năm cần đầu tư 8 tỷ USD vào bếp nấu, thiết bị và cơ sở hạ tầng sạch để giải quyết cuộc khủng hoảng này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước