Bí mật chiều lòng giới chức Mỹ, Facebook đang trở nên thực tế với "chính sách hai mặt"?

Việt Linh-Thứ năm, ngày 11/06/2020 07:09 GMT+7

CEO Mark Zuckerberg đối diện “bài toán khó” quanh các bài đăng của tổng thống Donald Trump

VTV.vn - Hàng loạt tranh cãi đã nổ ra, khi Facebook không kiểm duyệt các bài đăng của Tổng thống Mỹ Donald Trump giống như Twitter. Nhưng liệu đây có phải là bước đi hợp lý?

Hôm 26/5, như thường lệ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng tải một tweet ngắn trên tài khoản @realDonaldTrump của ông trên Twitter. Vị tổng thống chỉ trích phương thức bỏ phiếu qua thư, vốn đang được đảng Dân chủ ủng hộ. Ông cho rằng "hoàn toàn gian lận". 

Tuy nhiên, một điều bất ngờ đã xảy ra! Twitter, mạng xã hội yêu thích của ông Trump đã đặt cảnh báo "kiểm chứng thông tin" ngay bên dưới dòng tweet của ông. Trong khi đó, bài đăng lại trên trang Facebook vẫn được giữ nguyên.

Điều tương tự tiếp tục xảy ra 3 ngày sau đó. Khi nói về các cuộc biểu tình và đập phá sau vụ công dân da màu George Floyd bị cảnh sát ghì cổ đến chết, ông Trump tuyên bố: "Khi nạn hôi của xảy ra, súng sẽ nổ". Twitter còn hành động mạnh tay hơn khi dán nhãn bài đăng này là "đề cao bạo lực" (dù không xoá bài).

Bí mật chiều lòng giới chức Mỹ, Facebook đang trở nên thực tế với chính sách hai mặt? - Ảnh 1.

Twitter dán nhãn "đề cao bạo lực" với bài đăng của tổng thống Trump…

Bí mật chiều lòng giới chức Mỹ, Facebook đang trở nên thực tế với chính sách hai mặt? - Ảnh 2.

… nhưng với cùng bài đăng đó, Facebook không có hành động nào.

Một lần nữa, Facebook giữ nguyên bài đăng, không có phản ứng nào. Dù về điều khoản, các nguyên tắc kiểm duyệt bài đăng của 2 mạng xã hội hàng đầu này không có nhiều khác biệt.

Ngay lập tức đã có những câu hỏi được đặt ra, theo Channel News Asia: Liệu Facebook và CEO Mark Zuckerberg đứng trước "bài toán khó" khi đánh giá một trường hợp cụ thể, hay họ đang chấp nhận hi sinh các quy định của mình để tránh sự trả đũa từ Nhà Trắng?

Lời giải thích của Facebook

Trong lời giải thích trên trang cá nhân, Zuckerberg cho biết, dù cá nhân ông cảm thấy tính công kích trong bài đăng của Tổng thống Trump, nhưng nó không có ý nghĩa kích động bạo lực. Facebook đánh giá rằng bài đăng là một "cảnh báo" về hành động của các lực lượng chức năng, và công chúng cần có thông tin về vấn đề này. Zuckerberg cũng cho rằng khác với Twitter, Facebook không coi mình là "người phân giải sự thật".

Bí mật chiều lòng giới chức Mỹ, Facebook đang trở nên thực tế với chính sách hai mặt? - Ảnh 3.

CEO Twitter Jack Dorsey và CEO Facebook Mark Zuckerberg có cách nhìn nhận trái ngược về các bài đăng của Tổng thống Trump (Nguồn: NYT)

Một tài liệu rò rỉ về cuộc họp của Zuckerberg với các nhân viên cũng cho thấy, Facebook đưa ra 3 cách diễn giải về cụm từ được Tổng thống Trump sử dụng:

Một là, vị tổng thống chỉ đưa ra dự đoán về một khả năng nếu tình trạng cướp bóc, hôi của xảy ra, chứ không khuyến khích. Ông Trump sau đó đã tự giải thích ngôn từ của mình theo quan điểm này.

Hai là, ông Trump kêu gọi các cảnh sát và công dân sẵn sàng nổ súng nếu có cướp bóc. Nếu như vậy thì đây có thể bị xem là vi phạm điều khoản của Facebook;

Với cách lý giải thứ 3, ông Trump đang thuần tuý đề cập hay cảnh báo về khả năng sử dụng vũ lực để trấn áp tình trạng cướp bóc ở các bang. Điều này là được phép với Facebook. Và sau một quá trình cân nhắc "kỹ lưỡng" và "không hề dễ dàng", Mark Zuckerberg cùng với bộ phận kiểm duyệt cho rằng đây là cách hiểu hợp lý nhất, dù nó có thể không làm hài lòng tất cả.

Facebook có đang bí mật chiều lòng giới chức Mỹ?

Ngay trong ngày quyết định giữ nguyên các bài đăng được đưa ra, CEO Zuckerberg đã có cuộc điện thoại với Tổng thống Trump. Sau đó ông Trump cũng đưa ra một tweet nhằm ủng hộ quan điểm từ Facebook, trái ngược với hành động của Twitter. Điều này làm củng cố thêm những bình luận cho rằng, Facebook đang muốn tránh xung đột với chính quyền Mỹ.

Bí mật chiều lòng giới chức Mỹ, Facebook đang trở nên thực tế với chính sách hai mặt? - Ảnh 4.

CEO Mark Zuckerberg có cuộc điện thoại với Tổng thống Trump trước khi quyết định giữ nguyên các bài đăng gây tranh cãi (Nguồn: CNA)

"Hành động của Facebook thuần túy là một quyết định kinh doanh", Roger McNamie, một nhà đầu tư kỳ cựu từng là cố vấn cho Mark Zuckerberg, nhưng gần đây thường xuyên phê phán Facebook, nhận định. "Với quy mô của Facebook, công ty này muốn loại bỏ tối đa các rủi ro về mặt chính trị".

Bí mật chiều lòng giới chức Mỹ, Facebook đang trở nên thực tế với chính sách hai mặt? - Ảnh 5.

Tổng thống Trump đăng tải tweet ủng hộ quan điểm của Facebook

Không chỉ với sự việc lần này, mà giới công nghệ và mạng xã hội đã là đối tượng chỉ trích của Tổng thống Trump từ lâu. Trong năm 2018, ông từng đe dọa sẽ điều tra chống độc quyền với cả Facebook, Twitter và Google.

Sau vụ việc này ông Trump cũng ký sắc lệnh nhằm xem xét lại trách nhiệm thông tin của các mạng xã hội. Đây có thể là điều khiến Facebook phải e dè, trong khi Twitter, với quy mô nhỏ hơn không quá lo ngại.

Ông Harold Feld, Phó chủ tịch cấp cao tổ chức phi lợi nhuận Public Knowledge nhìn nhận: "Facebook có một lo ngại thường trực về các cáo buộc độc quyền, và thường phải dựa vào chính phủ Mỹ để bảo vệ mình trong các vấn đề về thuế hay điều tra độc quyền ở nước ngoài. Bởi vậy mà họ cần giữ hình ảnh tốt trong mắt chính quyền và các nghị sĩ quốc hội Mỹ."

"Chính sách hai mặt" – bước đi thực tế của Facebook

Quyết định của Facebook đã vấp phải những phản ứng ngay từ trong nội bộ. Hôm 3/6, hàng trăm nhân viên của hãng đã tiến hành một cuộc "đình công ảo", tạm dừng làm việc tại nhà để phản đối quyết định này. Brandon Dail, một kỹ sư của hãng bày tỏ thất vọng trên Twitter: "Điều rõ ràng là ban lãnh đạo đã không chấp nhận đứng cùng một phía với chúng ta."

Cách đây ít ngày, khoảng 140 nhà khoa học từng được tài trợ bởi Mark Zuckerberg cũng đã ra một thông báo chung, kêu gọi Facebook không để lan truyền những thông tin sai lệch từ các chính trị gia như Tổng thống Trump.

Những phản ứng dữ dội này có vẻ là nguyên nhân cho sự "chuyển hướng" lần nữa của Mark Zuckerberg. Hôm 5/6, vị CEO đầy quyền lực này cho biết Facebook sẽ cân nhắc những thay đổi trong chính sách và có thể dẫn đến việc dán nhãn bài đăng, tương tự như Twitter đã làm, thay vì chỉ giữ nguyên hoặc xóa bài như hiện nay. Ông cũng cam kết sẽ minh bạch trong quá trình xem xét và quyết định các bài đăng trên mạng xã hội lớn nhất thế giới này.

Tuy nhiên, vị tỷ phú 36 tuổi cũng cảnh báo rằng, chính sách mới có thể dẫn đến việc kiểm duyệt tùy tiện các bài đăng ở Mỹ, điều mà Facebook không ủng hộ.

Các chuyên gia cho rằng, những thông điệp mới cho thấy, dự báo về hành động của Facebook trong tương lai vẫn còn rất mơ hồ. Và sẽ không ngạc nhiên, nếu hãng tiếp tục "chính sách hai mặt" này để thích ứng với tình hình thực tế: vừa xoa dịu giới chức, lại vừa giữ sự ủng hộ từ đa số công chúng và đội ngũ nhân viên./.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước