Cho đến thời điểm này, ít nhất 33 quốc gia, vùng lãnh thổ xác nhận đã có các ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh. Với khả năng lây nhiễm cao hơn, biến thể vi rút mới đã nhanh chóng lây lan sang các nước châu Âu, sau đó là nhiều nước tại các châu lục khác từ Bắc Mỹ tới Mỹ Latin, châu Á, châu Đại Dương. Tại Đông Nam Á, Singapore là quốc gia đầu tiên ghi nhận xuất hiện ca nhiễm với biến thể mới này.
Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại Anh lần đầu được báo cáo vào ngày 11/12/2020 và chính thức được giới chức y tế Anh xác nhận vào 14/12.
Ông Matt Hancock - Bộ trưởng Y tế Anh nhấn mạnh: "Chúng tôi đã xác định 1 biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh hơn ở phía Đông Nam nước Anh. Đã có hơn 1 ca nhiễm biến thể mới này và con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên nhanh chóng".
Với khả năng lây lan nhanh hơn chủng virus gốc tới 70%, biến thể virus mới nhanh chóng lan rộng sang nhiều nước châu Âu. Liên tiếp Pháp, Bỉ, Italy, Đức, Đan Mạch, Phần Lan… phát hiện các ca nhiễm với biến thể mới. Ngay lập tức, các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt được đưa ra. Liên tiếp các nước hạn chế nhập cảnh, đóng cửa biên giới, cấm các chuyến bay đến và đi từ Anh để ngăn chặn biến thể mới lây lan.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết: "Với mức độ lây lan của biến thể virus mới tại Anh, các nước châu Âu đã quyết định ngừng các chuyến bay và các kết nối với Anh. Chúng tôi cũng quyết định cấm tất cả các loại hình giao thông tới từ Anh trong 48 giờ, ngoại trừ các chuyến bay vận chuyển hàng hóa thiết yếu".
Người dân London, Anh. Ảnh: THX/TTXVN
Mặc dù vậy, điều tích cực là cho đến nay không có bằng chứng cho thấy biến thể mới làm bệnh nặng hơn hay tỷ lệ tử vong cao hơn so với các chủng virus hiện có.
Ông Mike Ryan - Người đứng đầu nhóm chuyên gia về tình trạng khẩn cấp của WHO khẳng định: "Không có bằng chứng nào tại thời điểm này cho thấy mức độ nghiêm trọng gia tăng liên quan đến dịch bệnh này. Tình hình hiện không vượt ngoài tầm kiểm soát".
Các chuyên gia y tế hàng đầu cũng đồng ý với nhận định này.
Ông Mark Walport - Cựu cố vấn khoa học Chính phủ Anh: Chủng virus mới dễ lây lan hơn. Một chút tin tốt là dường như chủng virus này cho đến nay không gây ra tình trạng bệnh tồi tệ hơn. Điều này rất quan trọng.
Tiến sĩ Anthony Fauci - Giám đốc Viện Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm và dị ứng Mỹ: Khả năng lây truyền của thể đột biến này cao hơn chủng gốc. Tuy nhiên, không có gì cho thấy độc lực của biến chủng mới cao hơn.
Và may mắn là, các thông tin cơ bản đều cho thấy, đến nay các vaccine đã và đang được phát triển vẫn có tác dụng với biến thể virus mới.
Ông Hugo De Jonge - Bộ trưởng Y tế Hà Lan khuyến cáo: "Thông tin ban đầu là vaccine sẽ vẫn có tác dụng với biến thể này, nhưng cần lưu ý là đột biến này vẫn có thể phát triển theo hướng lây lan nhanh hơn và gây bệnh nặng hơn. Vẫn còn nhiều điều chưa biết về biến thể virus này".
Cho đến thời điểm hiện tại, các chuyên gia y tế nhận định các biện pháp kiểm soát dịch hiện hành như sát khuẩn, đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc… vẫn là những biện pháp đúng đắn để khống chế dịch bệnh, nhưng cần thực hiện với tần suất dày đặc hơn và với thời gian lâu hơn, để đạt hiệu quả kiểm soát biến thể virus mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!