Theo các chuyên gia, điều này không nên quá lo lắng, mà quan trọng là cần đẩy nhanh tiêm chủng cho trẻ em và một bộ phận người dân còn lại chưa được chủng ngừa đầy đủ.
Trong 28 ngày qua, Vương quốc Anh ghi nhận số ca mắc mới cao thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Mỹ. Còn nếu tính tỉ lệ ca mới mỗi ngày/1 triệu dân thì đã vượt qua Mỹ, Đức, Pháp và Italy. Tuy nhiên, theo giới khoa học, biến thể phụ AY.4.2 của chủng Delta chưa hẳn đã là thủ phạm chính.
Giáo sư Francois Balloux - Chuyên gia di truyền học, Đại học College London (UCL), Anh cho rằng: "Nếu đột biến AY.4.2 thực sự có khả năng lây nhiễm cao hơn so với biến thể Delta đi chăng nữa, điều này cũng không giải thích cho việc số ca mắc COVID-19 gần đây tại Anh gia tăng".
AY.4.2 phân biệt với chủng Delta gốc bởi hai đột biến nằm trên gai protein gọi là Y145H và A222V, nhưng cả hai đột biến này đều không nằm trên vùng liên kết thụ thể - tức vị trí giúp virus bám vào tế bào người. Do đó, đột biến khó có khả năng làm gia tăng mức độ lây nhiễm hoặc giúp virus tránh né hệ miễn dịch. Tuy nhiên giới chức y tế Anh vẫn khuyến cáo người dân nên thận trọng, dù đã tiêm phòng.
Ông Sajid Javid - Bộ trưởng Y tế Anh khuyến cáo: "Biến thể mới hiện đang lan rộng. Mặc dù chưa có bằng chứng để tin rằng AY.4.2 gây ra mối đe dọa lớn hơn tại thời điểm này, nhưng vẫn còn khả năng các biến thể khác sẽ xuất hiện. Chúng ta phải sẵn sàng ứng phó với chúng".
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng các sự kiện siêu lây nhiễm như lễ hội, sự kiện thể thao, hội thảo quốc tế như hội nghị G7 tại Anh vừa qua, có thể đã giúp AY.4.2 lây lan. Theo kịch bản này, biến thể không hề dễ lây hơn chủng Delta gốc, mà chỉ đơn giản là xuất hiện vào đúng thời điểm. Nhà chức trách Anh đã ghi nhận biến thể AY.4.2 chiếm khoảng 6% tổng số mẫu phân tích trong tuần cuối tháng 9.
Theo Giáo sư Christina Pagel - Đại học College London (UCL), Anh: "Chúng ta chưa biết liệu AY.4.2 có dễ lây hơn các biến thể phụ khác của Delta hay không, hay nó chỉ vô tình xuất hiện trong một số sự kiện siêu lây nhiễm. Chưa có lý do kết luận nó kháng lại hệ miễn dịch, có khi là không có gì khác biệt, cần lưu tâm nhưng không cần thiết hoảng loạn".
Các nhà khoa học cũng chỉ ra những lý do chính khiến tỉ lệ lây nhiễm ở Anh tăng cao là số lượng học sinh chưa tiêm phòng COVID-19 còn đông. Thêm vào đó, tốc độ triển khai mũi tiêm bổ sung của Anh cũng chậm so với các nước khác và tỉ lệ người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng quá thấp. Những vấn đề này cần được giải quyết ngay trước khi một loại đột biến mới nào đó xuất hiện.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!