Báo cáo cho biết, nền kinh tế Anh hiện thấp hơn khoảng 4% so với mức có thể nếu nước này ở lại EU và đã mất khoảng 100 tỷ Bảng Anh (124 tỷ USD) mỗi năm sau khi nước này chính thức rời khỏi EU vào năm 2020.
"Có phải Vương quốc Anh đã thực hiện một hành động tự hủy hoại kinh tế khi bỏ phiếu rời EU vào năm 2016? Bằng chứng cho thấy, kết quả này cho đến nay vẫn là vậy. Kết luận là sự đổ vỡ khỏi thị trường đơn lẻ có thể đã tác động đến nền kinh tế Anh nhanh hơn so với những gì chúng tôi hoặc hầu hết các nhà dự báo khác dự đoán", nhà kinh tế học Ana Andrade, đồng tác giả của báo cáo cùng với Dan Hanson, nhận định.
Các nhà phân tích cho rằng hiệu quả kinh tế của Vương quốc Anh bắt đầu khác biệt so với các nước G7 còn lại sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit trong năm 2016. Họ nói rằng điều này là do đầu tư kinh doanh sụt giảm vì các công ty đã rất thận trọng với chi tiêu do không chắc chắn về tương lai của họ bên ngoài thị trường chung. Theo tính toán, đầu tư kinh doanh của Vương quốc Anh hiện ở mức khoảng 9% GDP so với mức trung bình của các nước G7 là 13%.
Các nhà kinh tế cũng đổ lỗi cho Brexit về tình trạng thiếu lao động. Thực tế này cũng tác động đến nền kinh tế Anh. Họ ước tính rằng hiện số lao động EU ở Anh có ít hơn khoảng 370.000 người so với số lượng có thể có nếu Anh không rời khỏi khối.
Các nhà kinh tế viết: "Tình trạng khan hiếm lao động làm tăng thêm áp lực lạm phát trong ngắn hạn và hạn chế tiềm năng tăng trưởng xa hơn. Đó không phải là thông tin tốt cho một nền kinh tế đang đối mặt với triển vọng dài hạn ảm đạm, với xu hướng tăng trưởng chỉ nhỉnh hơn 1%".
Các nhà kinh tế cho biết, cho đến nay, tác động của Brexit đối với thương mại ít đáng kể hơn, nhưng cảnh báo rằng "về lâu dài, chúng tôi cho rằng thương mại (của Anh) sẽ chịu tác động nặng nề của việc rời khỏi thị trường chung".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!