Phát biểu trong cuộc phỏng vấn độc quyền với hãng tin RT, ông Muda Yusuf, Giám đốc điều hành của Trung tâm Xúc tiến doanh nghiệp tư nhân Nigeria, cho biết, nhiều lĩnh vực sẽ được hưởng lợi nếu Nigeria gia nhập BRICS.
Ông Yusuf nói thêm: "Các lĩnh vực như dầu khí, công nghệ, nông nghiệp, khoáng sản rắn và nói chung là cơ sở hạ tầng của chúng tôi sẽ được hưởng lợi từ việc gia nhập khối kinh tế này".
"Với tư cách thành viên BRICS, "chúng tôi (Nigeria) có thể sẽ có được cán cân thanh toán tốt hơn nhiều", ông Yusuf nhấn mạnh, đồng thờì nói thêm: "Nó cũng giúp giảm bớt sự thống trị của phương Tây nói chung".
Nhà kinh tế học Nigeria giải thích: "Tư cách thành viên BRICS "có giá trị rất quan trọng về mặt ảnh hưởng địa chính trị" bởi vì nếu một quốc gia thuộc khối kinh tế như vậy, có rất nhiều cơ hội mà điều này mang lại cho bạn về mặt ảnh hưởng giữa các thành viên và thậm chí trên toàn cầu".
Nhà kinh tế học Nigeria Muda Yusuf. (Ảnh: RT)
Ông Yusuf nêu rõ: "Chúng ta đã nói về việc cân bằng trật tự thế giới toàn cầu về mặt quyền lực, hệ thống tài chính. Bạn đang ở trong một thế giới đa cực. Những điều đó cũng cần thiết cho sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu".
Ông cũng chỉ ra rằng có "mối quan hệ song phương giữa các thành viên BRICS và lợi ích tập thể cũng được bảo vệ".
Theo cổng thông tin BRICS, Yusuf Tuggar, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nigeria, đã tuyên bố rằng nước này có kế hoạch gia nhập khối trong hai năm tới. "Nigeria đã đến lúc tự quyết định xem đối tác của mình nên là ai và họ nên ở đâu. Việc liên kết nhiều mặt là vì lợi ích tốt nhất của chúng tôi", ông Tuggar nhận định.
Vào ngày 1/1/2024, năm quốc gia đã trở thành thành viên mới của nhóm BRICS, bao gồm Saudi Arabia, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Iran và Ethiopia. Năm 2006, Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc đã thành lập nhóm BRICS gồm các nền kinh tế mới nổi và Nam Phi gia nhập vào năm 2010.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!