Các lựa chọn của ông Donald Trump về vấn đề Triều Tiên

Thu Nguyễn-Thứ năm, ngày 06/07/2017 11:03 GMT+7

VTV.vn - Thực tế, ông Donald Trump không có nhiều lựa chọn về vấn đề Triều Tiên vào lúc này.

Vào tháng 1/2017, sau khi đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, ông Donald Trump chia sẻ trên trang mạng xã hội Twitter – là khả năng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên bắn vào Mỹ sẽ KHÔNG THỂ NÀO XẢY RA!

Thế nhưng, vào ngày 04/07 – khi mà cả nước Mỹ đang ăn mừng ngày quốc khánh – Triều Tiên thử tên lửa xuyên lục địa ở vùng biển gần Nhật Bản và đại diện Triều Tiên nói rằng: cuộc thử thành công rực rỡ và tên lửa của họ có thể nhắm đến bất cứ nơi nào trên thế giới.

Người đại diện của Bộ Quốc Phòng Mỹ cũng xác nhận rằng một số chuyên gia của họ tin phạm vi của tên lửa xuyên lục địa của Triều Tiên có thể vươn tới Alaska và các nơi khác ở Mỹ. Các nước đều cho rằng hành động này của Triều Tiên rất đáng báo động và đe doạ hoà bình thế giới. Thế nhưng, để mà buộc Kim Jong-un dừng sản xuất vũ khí, Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như không có quá nhiều lựa chọn.

Theo lý thuyết quan hệ quốc tế truyền thống, khi đối đầu với mối đe doạ đến sự sống còn của một quốc gia, chúng ta có thể xem xét các lựa chọn như sau:

Ngăn chặn và kiểm soát

Mỹ có thể ngăn chặn và kiểm soát Triều Tiên bằng cách tăng cường các lệnh cấm vận trừng phạt, tăng sự hiện diện của hải quân Mỹ ở vùng biển Hàn Quốc, nhất là đẩy nhanh tiến trình xây dựng Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD).

Nếu Triều Tiên bị đe doạ bởi các vũ khí công nghệ cao, bởi chính sách cấm vận mà các nước Liên Hợp Quốc đã áp đặt lên Bình Nhưỡng suốt hàng chục năm qua, Kim Jong-un đã chẳng thực hiện được lần thử tên lửa hôm 4/7 vừa rồi. Thực tế cho thấy, cấm vận, áp lực quân sự và ngoại giao đều có vẻ không thể lung lay quyết tâm của Kim Jong-un đe dọa Mỹ.

Bên cạnh đó, việc Mỹ nhờ cậy Trung Quốc gây áp lực bằng cách phê phán và ngừng trao đổi kinh tế với Triều Tiên cũng là một lựa chọn. Biện pháp này có thể sẽ ngay lập tức đánh sập nguồn thu nhập duy nhất của Triền Tiên dùng để nuôi dưỡng chương trình tên lửa hạt nhân.

Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không làm "không công". Yêu sách Mỹ phải dừng bán vũ khí với Đài Loan và hạn chế tập luyện quân sự với Hàn và Nhật ở biển Nam Hải thì lại là cái giá quá cao mà Mỹ khó chấp nhận được. Nhưng nếu Mỹ không chấp nhận điều kiện này, thì Trung Quốc sẽ chẳng bao giờ giúp Mỹ gây áp lực với Triều Tiên để tự chuốc lấy thiệt hại cho bản thân mình.

Tấn công

Mỹ có thể de doạ Triều Tiên bằng cách thể hiện rõ khả năng quân sự của mình trong việc hủy diệt Triều Tiên bằng một cuộc tấn công phủ đầu. Nhưng liệu Mỹ có khả năng đó không? Tấn công phủ đầu – tấn công trước, chỉ có thể thành công khi cú đánh đó chắc chắn tiêu diệt tất cả các khả năng đánh trả của đối phương. Triều Tiên đã sản xuất ra quá nhiều tên lửa, quá nhiều chủng loại, luôn có khả năng bắn trả, nếu không vào Mỹ, thì cũng có thể nhắm đến các nước đồng minh của Mỹ gần đó như Nhật Bản, Hàn Quốc. Hơn thế nữa, vũ khí đạn pháo bố trí gần khu vực ranh giới giữa Triều Tiên và Hàn có thể san bằng thủ đô Seoul của Hàn – nơi hiện có hơn 10 triệu người đang sinh sống và là một trong những trung tâm kinh tế lớn nhất của châu Á.

Tóm lại, tấn công phủ đầu Triều Tiên tiềm ẩn những rủi ro không thể lường trước và vì thế nó không khả thi. Xung đột với Triều Tiên hoàn toàn có thể leo thang đến chiến tranh thế giới – một chiến tranh sử dụng vũ khí hạt nhân, hoàn toàn có thể huỷ diệt cả bán cầu.

Đàm phán

Tổng thống mới của Hàn Quốc đã đề cập với Tổng thống Trump trong chuyến thăm Washington vừa qua một giải pháp khác trong vấn đề căng thẳng Triều Tiên – đó là đàm phán. Giải pháp này bắt đầu bằng việc dừng các đợt thử tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên để đổi lại sự đồng ý của Mỹ trong việc hạn chế hoặc tạm ngừng các hoạt động quân sự với Hàn Quốc.

Ý tưởng này đã được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất từ lâu, được đại diện của Trung Quốc trong buổi toạ đàm Shang-Ri La một lần nữa nhắc lại và đã nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Nga – Vladimir Putin sau khi ông này gặp các lãnh đạo Trung Quốc.

Nhưng ngay cả giải pháp này cũng đem lại những nguy cơ nhất định với phía Mỹ. Nó sẽ tạo điều kiện cho Triều Tiên và Trung Quộc đạt được mục đích của mình là hạn chế tự do quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương và làm giảm khả năng đánh chặn của liên minh Mỹ-Hàn.

Đàm phán chỉ thành công khi cả hai bên đều mong muốn hợp tác. Nhưng lịch sử đã cho thấy là Triều Tiên vẫn giữ thái độ đối địch với Mỹ và sẽ không chấp nhận lùi bước. Hơn nữa, kể cả trong trường hợp đàm phán thành công, Triều Tiên chịu dừng thử tên lửa, thì tính đến giờ, trong kho vũ trang Triều Tiên đã có tầm 10 đến 20 vũ khí hạt nhân, khó có thể loại trừ khả năng tấn công của nước này.

Hi vọng một ngày Triều Tiên không còn vũ khí hạt nhân là một viễn cảnh xa vời. Đối với một đất nước bị cấm vận tứ phía, nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào trao đổi hàng hoá với Trung Quốc thì vũ khí hạt nhân là biện pháp phòng thủ duy nhất của chính quyền Kim Jong-un.

Triều Tiên tuyên bố thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Triều Tiên tuyên bố thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa

VTV.vn - Ngày 4/7, Triều Tiên thông báo đã thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công một quả tên lửa xuyên lục địa.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước