Các nhãn hàng làm trắng da có đang “tiếp tay” cho chủ nghĩa phân biệt màu da?

Diệu Linh-Thứ bảy, ngày 04/07/2020 19:04 GMT+7

VTV.vn - Từ nhiều thập kỷ qua, các hãng mỹ phẩm đã xoáy sâu vào sự tự ti về làn da tối màu tại châu Á để kiếm lợi khủng. Và chính họ đã tiếp tay cho chủ nghĩa phân biệt màu da.

Lớn lên ở Mumbai, Ấn Độ, Seema Hari từng bị chế giễu và bắt nạt chỉ vì làn da cô tối màu hơn hầu hết mọi người xung quanh. Cô bé 7 tuổi phải chứng kiến việc các bà mẹ cấm con mình không được chơi với cô. Mọi người gọi cô là "kali kaluti", có nghĩa một kẻ phỉ báng, hay là "bhangi" - kẻ nhặt rác trong tầng lớp thấp kém nhất.

"Tôi chẳng có mấy bạn bè. Mọi người khiến tôi cảm thấy bản thân mình sinh ra là một phiên bản bị lỗi và họ luôn muốn "sửa lại" tôi chỉ vì tôi có làn da tối màu" - Hari chia sẻ.

Các nhãn hàng làm trắng da có đang “tiếp tay” cho chủ nghĩa phân biệt màu da? - Ảnh 1.

Điều trị làm trắng da tại Bhopal, Ấn Độ (Nguồn: The New York Times)

Sự phân biệt đối xử khiến Hari tổn thương đến mức trầm cảm và muốn tìm đến cái chết. Không chỉ những người ngoài xã hội mà ngay cả đến những người thân của Hari cũng mắng mỏ cha mẹ cô vì không thực hiện các biện pháp làm sáng da cho cô và họ dè bỉu sẽ không bao giờ có ai yêu hay cưới cô.

Tuổi thơ của Christy Jennifer cũng vậy. Cô liên tục được người nhà bảo đừng bao giờ mặc đồ đen và khuyên cô nên sử dụng các loại kem làm sáng da.

"Mỗi ngày, lòng tự trọng tự tôn của tôi lại giảm đi vì màu da của mình. Tôi cảm thấy mình như 1 miếng thịt vô giá trị".

Các nhãn hàng làm trắng da có đang “tiếp tay” cho chủ nghĩa phân biệt màu da? - Ảnh 2.

Christy Jennifer, người từng bị trêu trọc khi còn nhỏ vì làn da sẫm màu (Nguồn: The NewYork Times)

Chủ nghĩa phân biệt màu da là một loại định kiến đặt giá trị cao hơn cho người da sáng màu hơn. Nó khác với phân biệt chủng tộc ở chỗ, nếu phân biệt chủng tộc thường xảy ra giữa các sắc tộc khác nhau thì phân biệt màu da, đau lòng hơn, lại diễn ra trong chính một dân tộc với nhau. Trong lịch sử, làn da sẫm màu được xem là điều không mong muốn, bị đánh đồng với nghèo khổ ở nhiều nền văn hoá từng trải qua chủ nghĩa thực dân Phương Tây.

Tờ Nikkei Asian Review gọi nỗi ám ảnh về làn da sáng màu ở Ấn Độ đến mức "lố bịch", từ việc bắt ép các bà bầu uống sữa với nghệ tây để sinh ra em bé có làn da trắng mịn cho đến việc thoa nhiều lớp bột talc (chất gây ung thư) lên mặt với hy vọng làm trắng da trong một thời gian ngắn. Định kiến này tại Ấn Độ càng trở nên trầm trọng hơn bởi Bollywood - ngành công nghiệp điện ảnh Ấn Độ từ lâu đã thúc đẩy tư duy về các anh hùng có làn da sáng màu hơn.

"Các nữ anh hùng hay siêu anh hùng đều như được tẩy trắng vậy. Còn nhân vật phản diện bao giờ da cũng tối màu" - theo bà Narayan, tác giả một cuốn sách nói về cách phụ nữ bị đối xử như thế nào ở Ấn Độ.

Kết quả là, ngành công nghiệp làm đẹp lâu nay cũng xoáy sâu vào nỗi bất an này để kiếm lợi nhuận khủng, tiếp tay cho vòng xoáy văn hoá thiên vị tiếp tục lan rộng. Phụ nữ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tư duy thiên vị về màu da này, họ luôn bị ám ảnh về một "làn da lúa mì", được xem là chuẩn mực để có thể đạt được sự ưu ái trong công việc và hôn nhân. Ông Mohinder Verma, một doanh nhân đã đặt quảng cáo trên báo để tìm cho con trai mình một nàng dâu "da sáng". Ông cho rằng tư duy này cần phải thay đổi, thế nhưng chính các bậc phụ huynh ở Ấn Độ cũng chịu áp lực từ xã hội khi chọn con dâu.

"Suy nghĩ này ăn sâu vào tâm trí của chúng tôi rồi. Khi nhà bạn có cô con dâu da ngăm, mọi người sẽ bàn tán xì xào sau lưng bạn. Họ sẽ hỏi không biết kiếp trước bạn đã phạm phải sai lầm gì" - ông Mohinder chia sẻ.

Các nhãn hàng làm trắng da có đang “tiếp tay” cho chủ nghĩa phân biệt màu da? - Ảnh 3.

Trong nhiều thế kỷ, người dân Ấn Độ có làn da sẫm màu phải đối mặt với sự phân biệt đối xử (Nguồn: The NewYork Times)

Chính điều này đã tạo ra nhu cầu khổng lồ tại Ấn Độ về các sản phẩm làm trắng và tẩy trắng. Các kệ hàng được nhồi nhét nào kem, dầu, xà phòng, tinh chất hứa hẹn sẽ làm sáng da, được sản xuất bởi các hãng mỹ phẩm lớn nhất thế giới. "Ông vua" trong thị trường kem làm trắng là Unilever với dòng sản phẩm Fair&Lovely, một sản phẩm buộc phải có trong nhiều hộ gia đình Ấn Độ suốt nhiều thập kỷ qua.

Ra đời vào năm 1975, Fair&Lovely đã đóng góp hơn 550 triệu USD doanh thu cho Unilever mỗi năm. Đây là sản phẩm làm giảm melanin (sắc tố gây tối màu da) bằng các hoá chất như thuỷ ngân. Không chỉ phổ biến ở Ấn Độ mà Fair&Lovely còn nổi tiếng ở các nước châu Á nơi cũng đặt ưu tiên cho 1 làn da trắng như Bangladesh, Pakistan, Singapore, Malaysia và Indonesia.

Các nhãn hàng làm trắng da có đang “tiếp tay” cho chủ nghĩa phân biệt màu da? - Ảnh 4.

Các cửa hàng tại Ấn Độ luôn chất đầy những sản phẩm làm trắng da như Fair&Lovely (Nguồn: The NewYork Times)

Các chiến dịch truyền thông tiếp thị của Fair&Lovely thường hướng đến so sánh trước và sau khi sở hữu làn da trắng sáng. Họ tạo ra tình huống mà làn da sẫm màu là một vấn đề, một cản trở lớn và sử dụng các sản phẩm trắng sáng của thương hiệu là bước đệm để "thành công".

Suốt hai thập kỷ qua, cái mác "thành công" đó được đo bằng việc kết hôn với một người đàn ông trong mơ hay gần đây là có được công việc mơ ước như làm tiếp viên hàng không. Các thuật ngữ như "toả sáng", "kiểm soát dầu", "loại bỏ đốm sẫm màu" được lặp đi lặp lại nhằm ghim sâu vào tiềm thức của người tiêu dùng, khiến họ không còn nghĩ đến những nguy cơ gây hại cho da từ các thành phần như steroid, hydroquinone, thuỷ ngân hay chì. Những chiến dịch quảng cáo "trắng sáng" của Unileve hay L’Oréal đang góp phần "tẩy" đi sự tự tin của những người phụ nữ có làn da tối màu.

Các nhãn hàng làm trắng da có đang “tiếp tay” cho chủ nghĩa phân biệt màu da? - Ảnh 5.

Bột phấn rôm Johnson&Johnson thường được bôi lên mặt với hy vọng làm trắng da nhanh chóng (Nguồn: The NewYork Times)

Nhưng mọi chuyện giờ đang bắt đầu thay đổi, đặc biệt là sau sự trỗi dậy của làn sóng chống nạn phân biệt chủng tộc Black Lives Matter. Vào cuối tháng 6, gã khổng lồ hàng tiêu dùng nhanh Unilever đã tuyên bố quyết định loại bỏ từ "Fair" (Trắng màu) ra khỏi thương hiệu làm trắng da đình đám Fair&Lovely, rất được chuộng tại Đông Nam Á.

"Chúng tôi cam kết hướng đến một danh mục sản phẩm chăm sóc da cho tất cả các tông màu da, tôn vinh sự đa dạng của vẻ đẹp." Unilever chia sẻ qua một dòng tweet.

Hãng cho biết sẽ loại bỏ hoàn toàn các từ như "làm đều màu da", "làm sáng", "làm trắng" ra khỏi các sản phẩm, nhưng sẽ không ngừng bán chúng. Động thái này của Unilever trở thành mục tiêu bị chế nhạo xuất hiện trên Twitter, rằng có lẽ tên mới sẽ là "&Lovely"( và Đáng yêu).

Unilever có vẻ đang "bận đắm chìm" trong ánh sáng của sự tự mãn vì đã nghĩ ra cách thích nghi đúng đắn trước phong trào Black Lives Matter đang phát triển rộng rãi. Thay vì đối diện với sự thật: các sản phẩm làm trắng da của hãng đang góp phần duy trì tư tưởng phân biệt màu da, thì Unilever lại chỉ xoá con chữ trên các sản phẩm.

Tương tự như vậy, hãng mỹ phẩm lớn L'Oreal, sở hữu dòng sản phẩm Garnier được quảng bá rộng rãi ở Nam Á để làm trắng da, đã tuyên bố sẽ loại bỏ các từ như "trắng", "sáng", "đều màu" ra khỏi các sản phẩm của mình. Đúng là kể cả các tập đoàn khác như Johnson & Johnson và L'Oreal cũng không hề tạo ra nhu cầu về loại kem làm sáng da, họ chỉ cung cấp các sản phẩm phục vụ cho nhu cầu hiện có đó. Nhưng khi làm như vậy thì họ cũng đã tiếp tay cho việc củng cố định kiến về màu da và gây nên sự bất an, đối xử bất công cho những người có làn da tối màu.

Các nhãn hàng làm trắng da có đang “tiếp tay” cho chủ nghĩa phân biệt màu da? - Ảnh 6.

Một nhân viên bán hàng cầm các sản phẩm làm đẹp của Unilever tại một cửa hàng ở New Delhi (Nguồn: AFP)

Họ còn bán những sản phẩm làm sáng da này thì sự tự tin của những người phụ nữ có làn da tối màu sẽ vẫn còn bị xói mòn. Một tin tốt lành là Johnson&Johnson đã quyết định ngừng bán các dòng sản phẩm làm trắng da phổ biến như Neutrogena Fine Fairness và Clean&Clear Fairness ở châu Á và Trung Đông. Những người nổi tiếng hay những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn ở Ấn Độ cũng đã ngừng quảng bá những sản phẩm này.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng các công ty nên dừng việc quảng cáo phân biệt màu da ở tất cả các kênh tiếp thị. Cho đến giờ, mọi thứ vẫn chỉ là lời nói mà chưa có hành động cụ thể nào. Điều đó cho thấy nỗ lực của các các hãng mỹ phẩm lớn trong việc chống lại nạn phân biệt màu da chỉ là những câu nói "chót lưỡi đầu môi".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước