Các thành phố ven biển trên thế giới đang ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu. Đây là khẳng định trong bản thảo của Báo cáo toàn diện nhất về các mối đe dọa từ biến đổi khí hậu do Liên Hợp Quốc thực hiện.
Nhiều thế kỷ nay, con người đã đổ về các vùng ven biển, dựng lên những thành phố lớn. Nhưng nay, khi Trái đất ấm lên và băng tan, biển vốn là nguồn tài nguyên lại sẽ là thứ đẩy hàng triệu người phải di cư.
Ông Ben Strauss - Tổ chức phân tích và báo cáo về khoa học khí hậu Climate Central cho biết: "Mỗi chúng ta thường nghĩ rằng mình sẽ qua đời một lúc nào đó, nhưng chúng ta chẳng mấy khi nghĩ đến chuyện các thành phố cũng sẽ có thể chết, và rằng hầu hết các thành phố duyên hải của chúng ta đều có thể chết. Về lâu dài, nhiều thành phố này sẽ mất đi vì ngập lụt".
Hồ Palcacocha ở Peru có thể tích gấp 30 lần so với những năm 1970. Ảnh: Eric Mack.
Các thành phố lớn trên thế giới lại nằm trong số các thành phố bị đe dọa nhất, đó là Mumbai, Jakarta, New York, Tokyo, Lagos, Shanghai, Miami hay Dhaka.
Dù tình trạng nóng lên của Trái đất có được hạn chế dưới mức 2 độ C như Thỏa thuận khí hậu Paris, thì các nhà khoa học Liên Hợp Quốc vẫn dự báo mực nước biển sẽ có thể dâng thêm 60cm tới cuối thế kỷ này. Tình trạng này cùng với thời tiết cực đoan sẽ là thảm họa với hàng triệu người.
Nếu không có sự thay đổi để thích ứng thì kịch bản xấu nhất là tới năm 2050, 136 thành phố ven biển sẽ chịu thiệt hại từ 1,6 đến 3,2 nghìn tỷ USD vì biến đổi khí hậu. Và ngay cả những nơi có phương thức chống lụt hiện đại nhất, cuối cùng có thể vẫn chỉ có một lối thoát, đó là di dời sâu hơn vào đất liền.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!