Học sinh Mỹ chơi bóng ở công viên. Ảnh: Shutterstock.
"Tình trạng hỗn loạn trên khắp nước Mỹ khi các trường bắt đầu một năm học mới bất thường" là tựa đề của bài viết trên tờ Bưu điện Washington số ra tuần này, trong đó phản ánh một bức tranh toàn cảnh với đầy khó khăn của các trường học tại Mỹ, nhất là các trường công lập, trước thềm năm học mới.
Theo bài viết thì học sinh từ mẫu giáo đến sau đại học có thể sẽ phải ngồi trước màn hình máy tính toàn thời gian, giáo viên có thể sẽ đình công, học sinh có thể mang virus từ trường về nhà… là viễn cảnh ảm đạm của năm học mới.
Kế hoạch học tập, thời điểm bắt đầu và các quy định đảm bảo an toàn liên tục thay đổi, mô hình học nửa trực tuyến - nửa trực tiếp chuẩn bị trong mùa hè đã bị phá vỡ do sự tái bùng phát của dịch COVID-19... đang khiến rất nhiều sở giáo dục ở Mỹ chưa thể có được quyết định cuối cùng trong khi kỳ học mùa thu chuẩn bị bắt đầu.
Bài viết trên tờ Tạp chí Phố Wall cho biết "các trường tư thục Mỹ đang thu hút được lòng tin của một bộ phận phụ huynh khi cho rằng, với nguồn lực tốt, các trường này sẽ có sự chuẩn bị, chương trình giảng dạy, cơ sở vật chất và sự thích nghi tốt hơn các trường công lập vốn đang phải đổi mặt với tình trạng cắt giảm ngân sách".
Theo bài viết thì hiện đã có khoảng 5,7 triệu học sinh các cấp, chiếm khoảng 10% tổng số học sinh trên toàn nước Mỹ, đăng ký học trường tư thục trong mùa Thu này.
Số du học sinh ở Mỹ có thể thấp nhất lịch sử. Ảnh: Shutterstock
Theo khảo sát của Hiệp hội các trường tư thục Mỹ, hiện đã có 40% trường tư thục quyết định mở cửa học trực tiếp hoàn toàn, 19% học trực tuyến hoàn toàn và 41% học theo mô hình lai (nửa trực tuyến - nửa trực tiếp).
Tờ Thời báo New York số ra ngày 15/8 còn cho biết mâu thuẫn xung quanh vấn đề cắt giảm học phí tại các trường tư thục và đại học vẫn đang tiếp tục gia tăng.
Phía phụ huynh và học sinh thì cho rằng không thể chấp nhận việc trả mức học phí của các chương trình học trực tiếp để có được chương trình đào tạo trực tuyến với chất lượng và giá trị mang lại được cho là không tương xứng. Trong khi hầu hết các trường Đại học lập luận rằng, mô hình giáo dục từ xa và các biện pháp phòng chống dịch đang khiến chi phí vận hành của họ tăng cao hơn chứ không hề giảm đi, trong khi số lượng đăng ký nhập học giảm, nhất là sinh viên quốc tế.
Bên cạnh đó thì vấn đề tâm lý của học sinh trong điều kiện học tập mới đòi hỏi tiếp tục giãn cách xã hội, cũng là một chủ đề lớn được báo chí Mỹ đề cập. Bởi chính yếu tố này đã và sẽ tiếp tục có những tác động không nhỏ đến hiệu quả và kết quả học tập của học sinh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!