Cấm bay, đóng cửa biên giới có nên là biện pháp chủ yếu chống Omicron?

Anh Phương (Phóng viên THVN tại Trung Đông)-Chủ nhật, ngày 12/12/2021 06:00 GMT+7

VTV.vn - Đây là chủ đề được nhiều trang báo tại Trung Đông và Nam Á bàn luận trong những ngày qua.

Biến thể Omicron đã tạo nên một làn sóng cấm bay và đóng cửa biên giới với một số quốc gia khu vực phía Nam châu Phi. Vậy nhưng cấm bay, hay đóng cửa biên giới... có nên được xem là biện pháp chủ chốt trong chiến lược chống Omicron, hay COVID-19 nói chung và hiệu quả của các biện pháp đóng cửa biên giới cần hiểu thế nào cho đúng?

Khi một dịch bệnh bùng phát tại một quốc gia nào đó, phản ứng đầu tiên của nhiều quốc gia khác thường sẽ là đóng cửa biên giới, cấm bay với quốc gia phát hiện dịch bệnh. Nhưng bình tĩnh nhìn lại, các chuyên gia cho rằng biện pháp này thường mang lại ít tác dụng, không như những gì người ta hình dung.

Báo The National (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất) nêu dẫn chứng, như Anh - quốc gia từng đóng cửa biên giới với Ấn Độ từ rất sớm để ngăn chặn biến thể Delta, nhưng kết quả là Delta vẫn tràn lan tại Anh. Với COVID-19, các chuyên gia cho rằng cần ưu tiên các chiến lược xét nghiệm PCR trước và sau chuyến bay, nâng cao năng lực truy vết, hay tăng cường ý thức đeo khẩu trang trong cộng đồng hơn là kỳ vọng vào các lệnh cấm bay, đóng cửa biên giới.

Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận hoàn toàn tác dụng của các biện pháp đóng cửa biên giới, nhưng điều nhiều chuyên gia nhấn mạnh, đóng cửa biên giới thực ra không hiệu quả như những gì người ta tưởng. Và sẽ là sai lầm nếu cứ níu giữ vào các biện pháp đóng cửa biên giới, để rồi khiến quốc gia gặp khó, không có đủ nguồn lực cho phát triển, cũng như chính công cuộc phòng chống dịch bệnh.

Cấm bay, đóng cửa biên giới có nên là biện pháp chủ yếu chống Omicron? - Ảnh 1.

Theo trang báo Quazt (Ấn Độ), cấm bay, đóng cửa biên giới có thể là biện pháp cần thiết để một quốc gia có thêm thời gian củng cố hệ thống y tế cộng đồng. Nhưng thời gian đó phải là vài ngày, vài tuần chứ không thể là kéo dài nhiều tháng, nhiều năm. Và bất kỳ quyết định đóng cửa biên giới nào cũng phải đi kèm với một kế hoạch hành động cụ thể, tận dụng khoảng thời gian đó để nâng cao năng lực hệ thống y tế của mình.

Theo Báo Tin tức Arab, đó cũng là lý do mà Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi các nước không áp dụng lệnh cấm đại trà các chuyến bay từ một số nước phía Nam châu Phi nhằm ngăn chặn biến thể Omicron.

Theo WHO, các lệnh cấm bay đại trà như vậy sẽ không có tác dụng nhiều trong việc ngăn chặn lây nhiễm xuyên biên giới, nhưng lại đặt nhiều gánh nặng lên cuộc sống của người dân. Thay vào đó, các biện pháp cần được ưu tiên nên là tăng cường xét nghiệm hay cách ly đối với hành khách quốc tế.

Ở một tầm nhìn rộng hơn, các lệnh cấm bay hay đóng cửa biên giới cũng sẽ làm suy yếu sự hợp tác quốc tế trong phòng chống dịch bệnh, gây tổn hại tới cuộc chiến chống lại dịch bệnh về lâu về dài.

Theo lập luận của Thời báo Israel, Nam Phi có công phát hiện đầu tiên biến thể Omicron nhưng nay lại đang phải gánh chịu rất nhiều những tổn hại kinh tế và xã hội vì các lệnh cấm bay các nước áp đặt lên mình. Nếu vẫn còn phòng chống dịch theo cách tiếp cận như vậy, nó có thể sẽ khiến nhiều quốc gia "chùn bước" trong việc phát hiện và công bố với thế giới các biến thể hay thậm chí là dịch bệnh mới.

Nhật Bản rút lệnh cấm đặt vé máy bay đến nước này Nhật Bản rút lệnh cấm đặt vé máy bay đến nước này

VTV.vn - Bộ Giao thông Nhật Bản đã xóa bỏ lệnh cấm chung về việc nhận đặt chỗ cho tất cả các chuyến bay đến Nhật Bản trong tháng 12 này.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước