Cam kết không sản xuất thuốc phiện của lực lượng Taliban liệu có thành sự thật?

Quang Duy (Theo Sky news, CNA, Business Insider)-Thứ tư, ngày 25/08/2021 06:10 GMT+7

VTV.vn - Taliban tuyên bố ngừng sản xuất thuốc phiện sau khi lên nắm quyền tại Afghanistan. Nhưng liệu ngành sản xuất mang lại lợi nhuận béo bở này có chấm dứt?

Afghanistan là quốc gia sản xuất phần lớn lượng thuốc phiện (opium) và ma túy (heroin) trên thế giới. Nhưng ngay sau khi kiểm soát Kabul, Taliban đã tuyên bố ma túy sẽ không còn được sản xuất dưới thời lực lượng này cầm quyền. Tuy nhiên tuyên bố này vấp phải những hoài nghi lớn vì đây vốn là động lực của nền kinh tế Afghanistan và từ lâu lực lượng Taliban đã tận dụng nguồn tiền từ hoạt động sản xuất thuốc phiện, ma túy tổng hợp để mua vũ khí, tuyển thêm binh lính và mở rộng sức ảnh hưởng tại quốc gia Tây Nam Á Afghanistan.

Cam kết không sản xuất thuốc phiện của lực lượng  Taliban liệu có thành sự thật? - Ảnh 1.

Afghanistan cung cấp 80% - 90% thuốc phiện bất hợp pháp trên toàn cầu - Ảnh: Reuters

Nguồn thu khổng lồ từ sản xuất thuốc phiện và buôn bán ma túy tại Afghanistan

80% đến 90% nguồn cung thuốc phiện bất hợp pháp trên toàn cầu là đến từ Afghanistan. Quốc gia này cũng là điểm nóng sản xuất ma túy tổng hợp như methamphetamines và ephedra (cây ma hoàng- một loại thảo mộc sử dụng trong ma túy đá.)

Phần lớn heroin từ Afghanistan được buôn lậu qua Thổ Nhĩ Kỳ và vùng Balkan tới điểm đến cuối là châu Âu. 95% ma túy tại Anh có nguồn gốc từ Afghanistan. Theo Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của LHQ (UNODC), sản lượng thuốc phiện của Afghanistan tăng mạnh trong 3 năm qua. Bất chấp đại dịch COVID-19 tàn phá, sản lượng thuốc phiện của Afghanistan vẫn tăng 37% trong năm 2020.

Báo cáo của Liên hợp quốc về nguồn tài trợ của Taliban được công bố hồi tháng 6/2021 cho thấy: "Nguồn tài chính chủ yếu của Taliban vẫn là các hoạt động tội phạm, bao gồm buôn bán ma túy và sản xuất thuốc phiện, tiền chuộc, khai thác khoáng sản và nguồn thu từ việc thu thuế ở các khu vực do Taliban kiểm soát hoặc có ảnh hưởng".

Mặc dù không thể xác định chính xác, nhưng ước tính thu nhập hàng năm của Taliban nằm trong khoảng từ 300 triệu USD đến 1,6 tỷ USD. Báo cáo của chính phủ Mỹ đưa ra hồi tháng 5/2021, ước tính rằng nguồn thu từ ma tuý chiếm đến 60% tổng nguồn thu của Taliban.

Bản thân đất nước Afghanistan cũng đối mặt vấn nạn ma túy nghiêm trọng. Theo ước tính của Liên hợp quốc, có từ 2-2,5 triệu người sử dụng ma túy ở nước này, trong đó nhiều người nghiện heroin nặng.

Cam kết không sản xuất thuốc phiện của lực lượng  Taliban liệu có thành sự thật? - Ảnh 2.

Liên hợp quốc ước tính có tới 2,5 triệu người sử dụng ma túy ở Afghanistan - Ảnh: Sky News

Lực lượng Taliban đóng vai trò gì trong hoạt động buôn bán ma túy?

Afghanistan là quốc gia nghèo thứ sáu trên thế giới, cứ 5 người thì có 2 người thất nghiệp. Mối lo thường trực của đại đa số người dân nước này là làm thế nào để kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống qua ngày. Nông nghiệp chiếm khoảng một nửa hoạt động kinh tế ở Afghanistan và so với các loại cây trồng khác, cây anh túc (thuốc phiện) đòi hỏi nhiều nhân lực hơn, vì thế, hoạt động trồng trọt cây này cho phép tuyển nhiều lao động.

Cam kết không sản xuất thuốc phiện của lực lượng  Taliban liệu có thành sự thật? - Ảnh 3.

Những cánh đồng anh túc dài như vô tận là hình ảnh phổ biến ở vùng nông thôn Afghanistan - Ảnh: AFP

Lục lượng nào kiểm soát hoạt động sản xuất ma túy thì sẽ có sức ảnh hưởng lớn, chi phối quyền lực, chính trị và tất nhiên cả tiền bạc ở địa phương. Lực lượng Taliban tham gia vào mọi khâu từ trồng trọt, sản xuất đến tổ chức đường dây vận chuyển, buôn bán thuốc phiện và ma túy từ Afghanistan ra thế giới. Các tay súng Taliban còn "đánh thuế" những người trồng thuốc phiện và thu phí vận chuyển của những kẻ buôn lậu.

Cam kết không sản xuất thuốc phiện của lực lượng  Taliban liệu có thành sự thật? - Ảnh 4.

Trẻ em thu hoạch nhựa thuốc phiện từ cây anh túc ở Afghanistan - Ảnh: Sky News

Đáng chú ý trong năm 2000, Taliban đã cấm trồng cây thuốc phiện tại những khu vực do lực lượng này kiểm soát, bước đi nhằm củng cố tính hợp pháp của lực lượng này khi cai trị Afghanistan.

Cam kết không sản xuất thuốc phiện của lực lượng  Taliban liệu có thành sự thật? - Ảnh 5.

Nhựa thuốc phiện lấy từ quả cây anh túc - Ảnh: Sky News

Báo cáo năm 2007 của Liên hợp quốc cho thấy, giới lãnh đạo Taliban đã quay lại sản xuất, buôn bán thuốc phiện vào năm 2004. Những đồng tiền có được từ ma túy được dùng để mua vũ khí và trả lương cho các tay súng. Taliban thu "thuế" từ việc buôn bán thuốc phiện và kiếm được nhiều tiền sau mỗi vụ thu hoạch để tuyển mộ những chiến binh trẻ tuổi từ các làng quê.

Cam kết không sản xuất thuốc phiện của lực lượng  Taliban liệu có thành sự thật? - Ảnh 6.

Liên quân do Mỹ đứng đầu đã nhiều lần thất bại trong nỗ lực dẹp bỏ hoạt động trồng cây anh túc tại Afghanistan - Ảnh: Sky News

Năm 2010, quân đội Mỹ cố gắng trấn áp hoạt động buôn bán ma túy bằng cách tăng cường hiện diện quân sự tại tỉnh Helmand, điểm nóng của hoạt động buôn bán heroin toàn cầu. Quân đội Mỹ và các đồng minh đã tiến hành nhiều cuộc đột kích triệt phá tụ điểm trồng và sản xuất thuốc phiện, không kích các phòng thí nghiệm sản xuất heroin. Các chuyên gia từ phương Tây cũng hỗ trợ nông dân trồng các loại cây thay thế. Tuy nhiên hiệu quả của các hoạt động này khá hạn chế.

Ông Zalmay Khalilzad, cựu Đại sứ Mỹ tại Afghanistan cảnh báo, xóa sổ hoạt động trồng cây anh túc sẽ đồng nghĩa tình trạng nghèo đói lan rộng vì phần lớn dân số sống dựa vào sản xuất thuốc phiện. Không thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn, nông dân địa phương tiếp tục trồng anh túc và dòng tiền từ hoạt động phi pháp này lại hỗ trợ Taliban tuyển thêm binh lính.

Taliban đối mặt với thách thức lớn về nguồn thu ngân sách

Sản xuất và buôn bán ma túy là một trong những nguồn thu quan trọng nhất của lực lượng Taliban, chính vì vậy chưa rõ nếu cắt bỏ hoạt động này thì Taliban sẽ làm thế nào để đảm bảo dòng tiền đổ về một cách ổn định.

Cam kết không sản xuất thuốc phiện của lực lượng  Taliban liệu có thành sự thật? - Ảnh 7.

Buôn bán thuốc phiện là một trong những nguồn thu chính của Taliban - Ảnh: AFP

Năm 2019, số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy viện trợ phát triển chiếm tới 22% Tổng thu nhập quốc dân (GNI) của Afghanistan. Nhưng giờ khi Taliban lên nắm quyền thì các nguồn viện trợ trở nên bấp bênh. Đức khẳng định sẽ "không chi một xu nào nếu Taliban tiếp quản đất nước và áp dụng luật Hồi giáo Sharia".

Afghanistan có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, bao gồm đồng, coban, than đá, quặng sắt, dầu, khí đốt, đá quý và đặc biệt là lithium - nguyên liệu quan trọng đang được nhiều nước săn đón để sản xuất pin cho ô tô điện và điện thoại di động.

Cam kết không sản xuất thuốc phiện của lực lượng  Taliban liệu có thành sự thật? - Ảnh 8.

Afghanistan có trữ lượng khoáng sản lớn nhưng khả năng khai thác còn rất hạn chế - Ảnh: AFP

Tuy nhiên hạ tầng công nghiệp thô sơ và tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra tràn lan khiến nguồn thu từ ngành công nghiệp này còn rất hạn chế. Các doanh nghiệp Trung Quốc đã giành được các hợp đồng khai thác đồng và dầu mỏ. Tuy nhiên an ninh bất ổn và tham nhũng tràn lan ở Afghanistan khiến phía các doanh nghiệp này chưa thể mạnh dạn triển khai các dự án trên thực địa.

Cam kết không sản xuất thuốc phiện của lực lượng  Taliban liệu có thành sự thật? - Ảnh 9.

Một tay súng Taliban đi ngang qua một cửa hàng bị phá hoại ở Thủ đô Kabul ngày 18/8/2021 - Ảnh: AFP

Một yếu tố nữa đe dọa kéo lùi nền kinh tế Afghanistan là phân công lao động. Trong 20 năm qua, vai trò của phụ nữ gia tăng đáng kể trong các hoạt động sản xuất kinh tế. Năm 2001, tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi lao động có việc làm ở Afghanistan là 0%. Năm 2019, con số này tăng mạnh lên mức 22%. Sẽ ra sao nếu lực lượng lao động nữ này đột nhiên bị gạt ra khỏi guồng máy sản xuất kinh tế?

Trong buổi họp báo chính thức đầu tiên sau khi tiếp quản Kabul, người phát ngôn Taliban khẳng định sẽ để phụ nữ làm việc. Tuy nhiên tuyên bố này vấp phải sự hoài nghi lớn, truyền thông phương Tây đã ghi nhận những vụ việc phụ nữ tố cáo, họ bị ép rời khỏi văn phòng, trường học và trường đại học. Khi vai trò của phụ nữ trong lực lượng lao động bị đe dọa thì những vấn đề kinh tế và xã hội sẽ ngày càng trầm trọng tại Afghanistan.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước