5 cường quốc hạt nhân cũng đồng thời là 5 thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Cam kết ngăn chặn phổ biến vũ khí nguyên tử và tránh xung đột hạt nhân đưa ra ngày 3/1 được xem là một tuyên bố chung hiếm hoi về vũ khí hạt nhân của 5 cường quốc.
Động thái này gây chú ý giữa bối cảnh mối quan hệ giữa một số nước P5 đang ở mức thấp trong lịch sử. Một diễn biến được xem là thiện chí, gác lại những căng thẳng hiện tại để tuyên bố rằng, sự kiềm chế, cạnh tranh có kiểm soát, giảm thiểu rủi ro chiến lược, tránh tình huống xấu nhất, chiến tranh giữa các quốc gia có vũ khí hạt nhân sẽ là trách nhiệm hàng đầu của các nước lớn. Một diễn biến càng có ý nghĩa nếu chúng ta đặt tuyên bố cam kết ngày 3/1 vào bối cảnh căng thẳng và phức tạp của cục diện tình hình địa chính trị, quốc phòng, vũ trang toàn cầu trong hiện tại.
5 cường quốc cam kết kiểm soát vũ khí hạt nhân
Kho hạt nhân của Mỹ và Nga đang vượt trội so với các nước còn lại khi có lần lượt khoảng 5.800 và 6.375 đầu đạn hạt nhân. Trung Quốc sở hữu khoảng 320 đầu đạn hạt nhân, Pháp và Anh lần lượt là 290 và 215 đầu đạn. Ngoài các nước P5, một số sức mạnh hạt nhân có thể kể đến như Ấn Độ và Pakistan với khoảng 160 đầu đạn. Israel và Triều Tiên cũng được cho là có kho dự trữ từ vài chục đến vài trăm đầu đạn hạt nhân.
Nhiều quốc gia vẫn âm thầm phát triển vũ khí hạt nhân (Ảnh: Cedoc)
Động thái từ 5 nước P5 được hoan nghênh đặc biệt, mà như lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, là một minh chứng đoàn kết hiếm hoi và quan trọng được các cường quốc hạt nhân thể hiện trong bối cảnh tình hình an ninh quốc tế đang xấu đi và mang lại hy vọng về những kiểm soát, hướng tới duy trì ổn định trên toàn cầu.
Tuyên bố chung của 5 cường quốc hạt nhân nhất trí rằng: "không thể có quốc gia nào giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và cuộc chiến này không bao giờ nên xảy ra". Tuyên bố cũng viết: "Việc sử dụng hạt nhân sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng, chúng tôi cũng khẳng định rằng, đến khi nào chúng ta còn tồn tại, vũ khí hạt nhân phải phục vụ các mục đích phòng thủ, ngăn chặn sự xâm lược và chiến tranh. Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng cần phải ngăn chặn sự phổ biến rộng rãi hơn nữa của những loại vũ khí này".
Tuyên bố chung đầu tiên về vấn đề vũ khí hạt nhân do các nhà lãnh đạo của 5 nước đưa ra thể hiện ý chí chính trị của 5 nước trong việc phòng ngừa chiến tranh hạt nhân và đưa ra tiếng nói chung để duy trì sự ổn định chiến lược toàn cầu, giảm thiểu nguy cơ xung đột hạt nhân. Điều này cũng có ý nghĩa tích cực đối với việc xây dựng mối quan hệ tổng thể ổn định và phát triển đồng đều giữa các nước lớn trong việc xây dựng một thế giới hòa bình lâu dài và an ninh toàn cầu.
Ông Abdulla Shahid - Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (Ảnh: AP)
Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Abdulla Shahid đã hoan nghênh tuyên bố chung: "Cam kết này giúp tăng cường sự hiểu biết cũng như tin cậy lẫn nhau, đồng thời ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang không mang lại lợi ích và gây nguy hiểm cho tất cả. Đây là thông điệp đúng đắn đối với thế giới trong bối cảnh chúng ta bắt đầu năm mới".
Bộ ngoại giao Nga nhấn mạnh, đây là một bước phát triển quan trọng đối với an ninh quốc tế.
Bà Maria Zakharova - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga (Ảnh: AP)
"Chúng tôi hy vọng trong bối cảnh an ninh quốc tế phức tạp hiện nay, việc lãnh đạo các cường quốc hạt nhân thông qua một tuyên bố chính trị như vậy sẽ giúp giảm bớt mức độ căng thẳng quốc tế và hạn chế chạy đua vũ trang" - bà Maria Zakharova, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, cho biết.
Tuyên bố trên được công bố trước thềm một hội nghị của Liên Hợp Quốc nhằm rà soát Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Các nước Nhóm P5+1 cũng đang tìm cách đạt thỏa thuận với Iran về khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Bế tắc các khuôn khổ kiểm soát an ninh
Tuyên bố ngày 3/1 được đưa ra vào thời điểm quan hệ các nước trong P5 nhiều căng thẳng, tình hình địa chính trị thế giới phức tạp. Nga và Mỹ từ lâu đã tranh cãi về việc bố trí vũ khí hạt nhân của Mỹ ở châu Âu, Mỹ cáo buộc Trung Quốc đang gia tăng đáng kể kho vũ khí hạt nhân và có thể đạt 1.000 đầu đạn vào năm 2030.
Về phần mình, Bắc Kinh luôn nhấn mạnh tuyên bố chính sách "không sử dụng trước", không quốc gia nào bị đe dọa bởi vũ khí hạt nhân Trung Quốc. Quan hệ ngoại giao căng thẳng giữa Nga - phương Tây, cạnh tranh Mỹ - Trung gần đây cũng là mối quan tâm lớn. Chưa kể đến một vấn đề quan trọng không kém là sự bế tắc, sụp đổ của nhiều khuôn khổ kiểm soát vũ khí và sự gia tăng các liên minh quân sự, gia tăng bối cảnh phức tạp và các lo ngại rủi ro.
Bà Izumi Nakamitsu - Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc về giải trừ quân bị (Ảnh: AP)
"Trong những năm gần đây, chúng tôi nhận thấy một xu hướng đáng lo ngại về việc hiện đại hóa và mở rộng các kho vũ khí hạt nhân" - bà Izumi Nakamitsu, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về giải trừ quân bị, cho biết.
Lo ngại của Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc là có cơ sở khi một loạt hiệp ước về kiểm soát vũ khí bị sụp đổ. Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung, Hiệp ước Bầu trời mở đều không còn sự tham gia của 2 cường quốc quân sự Nga và Mỹ.
"Hiệp ước bầu trời mở đã nâng cao tính minh bạch của việc phát triển vũ khí và thiết bị của các quốc gia và việc chuyển quân trong lãnh thổ của họ. Sự đổ vỡ của hiệp ước này là một tổn thất lớn" - chuyên gia quân sự Konstantin Sivkov nhấn mạnh.
Giữa Nga và Mỹ, hai nước sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, chỉ còn ràng buộc pháp lý bởi Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới START-3. Hiệp ước này vừa được gia hạn thêm 5 năm vào đầu năm ngoái.
Kiểm soát vũ khí cũng là vấn đề khiến căng thẳng Nga phương Tây leo thang. Nga cáo buộc NATO lên kế hoạch đưa vũ khí tấn công đến gần lãnh thổ Nga, cảnh báo sẵn sàng đáp trả. Đàm phán Nga - NATO vào tuần sau được kỳ vọng sẽ tháo ngòi căng thẳng an ninh hiện nay.
Trong khi đó, một cuộc đàm phán khác đang bế tắc là đàm phán nối lại thỏa thuận hạt nhân Iran. 7 vòng đã qua mà chưa có kết quả khả quan. Trong khi Iran vẫn tiếp tục giảm dần cam kết và làm giàu Urani ở mức 60%, đồng thời tuyên bố có thể làm giàu đến 90%, mức có thể chế tạo vũ khí hạt nhân.
Trong bối cảnh nhiều hiệp ước kiểm soát vũ khí sụp đổ, các liên minh quân sự ngày càng được củng cố. Thông qua thành lập AUKUS, Mỹ chính thức chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân, một công nghệ hết sức nhạy cảm cho Australia. AUKUS có thể là một tiền lệ, trong chia sẻ có điều kiện công nghệ hạt nhân, phục vụ các lợi ích địa chính trị của Mỹ.
"Mỹ hiện tỏ ra sẵn sàng chuyển giao cho các đồng minh và đối tác thân cận của mình thông qua hỗ trợ kỹ thuật theo những cách mà trước đây, nhiều chiến lược gia Australia chỉ có thể mơ đến. Không ai thực sự nghĩ rằng có ngày Australia sẽ nhận được công nghệ hạt nhân từ Mỹ trong tương lai gần" - ông Ashley Townshend, Giám đốc Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng, Trung tâm Nghiên cứu Mỹ, cho biết.
Theo báo cáo của Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân, năm 2020, trong khi đại dịch hoành hành khắp thế giới, các nước sở hữu vũ khí hạt nhân đã chi tới 72 tỷ USD cho các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, cao hơn 1,4 tỷ USD so với mức chi năm 2019.
Cuộc đua phát triển vũ khí siêu thanh
Chiến lược, kế hoạch phát triển các loại vũ khí tối tân, hiện đại mới cũng là một thực tế mà thế giới chứng kiến năm qua, dự kiến sẽ còn kéo tiếp sang 2022 và là một tác nhân gây thêm lo ngại và bất ổn. Cuộc đua vũ khí siêu vượt âm, hay vũ khí siêu thanh, là điểm nhấn nổi bật của năm qua. Các cuộc chạy đua phát triển, liên tiếp các vụ thử tên lửa siêu thanh của Mỹ, Nga, Triều Tiên khơi dậy nỗi lo về một cuộc đua vũ khí hạng nặng mới.
Tháng 10/2021, Nga lần đầu tiên thử nghiệm tên lửa hành trình siêu thanh Zicron phóng đi từ tàu ngầm hạt nhân. Zicron có khả năng tấn công các mục tiêu trên biển, đất liền, đạt tốc độ hơn 11.000 km/h và tầm hoạt động trên 1.000 km. Tổng thống Nga Putin gọi đây là một hệ thống vũ khí bất khả chiến bại mới trên thế giới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: AP)
"Thử nghiệm thành công của Zicron là một sự kiện trọng đại. Việc trang bị cho quân đội, hải quân những vũ khí mới, chưa có loại vũ khí tương đương trên toàn thế giới, chắc chắn về lâu dài sẽ tăng cường khả năng quốc phòng của chúng ta" - Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh.
Nga đã bắt đầu nghiên cứu vũ khí siêu thanh từ đầu thập niên 2010 và có những bước tiến khá xa. Tổng thống Putin khẳng định Nga là quốc gia dẫn đầu thế giới về tên lửa siêu thanh và hiện đã phát triển công nghệ để chống lại loại vũ khí mới này khi các quốc gia khác đang bắt kịp. Một điều mà ông Putin tự hào khi chi tiêu quân sự của Nga thấp hơn nhiều so với Mỹ. Nga chi 62 tỷ USD vào năm 2020, trong khi Mỹ là 778 tỷ USD.
Cùng với Nga, Trung Quốc, Mỹ và ít nhất 5 quốc gia khác đang gia nhập cuộc đua công nghệ siêu thanh. Theo tờ Financial Times đưa tin vào tháng 8 năm ngoái, Trung Quốc đã phóng thử tên lửa siêu thanh có khả năng bay vòng quanh Trái Đất trước khi tăng tốc nhắm đến mục tiêu. Tên lửa này bay vào quỹ đạo thấp của Trái Đất trước khi quay lại bầu khí quyển với tốc độ siêu thanh.
Dù Trung Quốc nói rằng đây chỉ là một vụ thử tên lửa vũ trụ thông thường nhưng Mỹ thì không cho là vậy. Các chuyên gia quân sự cho rằng. Trung Quốc đang theo đuổi một hệ thống bay trên quỹ đạo Trái Đất được thiết kế để trốn tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Washington không ngồi yên trước những tiến bộ về năng lực vũ khí của Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (Ảnh: AP)
"Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ việc Trung Quốc phát triển vũ khí và năng lực vượt bậc của các hệ thống. Tôi từng nhấn mạnh nhiều lần rằng Trung Quốc là thách thức lớn của chúng tôi và chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào thách thức này" - ông Lloyd Austin, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, cho biết.
Về phía Mỹ, sự tiến bộ trong công nghệ vũ khí siêu thanh của Nga, Trung Quốc buộc nước này không thể chậm chân. Ngày 27/9/2021, Lầu năm góc cho biết đã phóng thử vũ khí siêu thanh nạp không khí với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh, đánh dấu lần thử nghiệm thành công loại vũ khí này kể từ năm 2013. Mỹ hiện có 70 dự án vũ khí siêu thanh hoặc liên quan vũ khí siêu thanh, được đầu tư khoảng 15 tỷ USD cho giai đoạn từ năm 2015 - 2024. Ngoài ra, cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ cũng đã đệ đơn yêu cầu được cấp 247,9 triệu USD trong tài khóa 2022 để phát triển khả năng phòng thủ chống lại vũ khí siêu thanh.
Một cuộc chạy đua về công nghệ siêu thanh đang diễn ra và nó sẽ định hình cuộc đua vũ trang của tương lai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!