Lượng khí phát thải carbon toàn cầu tăng mức cao nhất trong 9 năm qua. Hình minh họa. (Ảnh: Reuters)
Khi việc đi lại bằng đường hàng không đang ngày càng trở thành một nguồn gây ô nhiễm môi trường, người tiêu dùng và các công ty đang tìm kiếm những giải pháp nhằm giảm bớt "dấu chân carbon" của mình. Một trong các giải pháp đó là trồng cây xanh để bù đắp lượng khí thải carbon.
Tập đoàn dầu khí Shell của Hà Lan đã đầu tư 300 triệu USD vào các dự án trồng rừng để cắt giảm 2-3% tổng lượng khí thải carbon của mình, trong khi tập đoàn ENI của Italy đặt mục tiêu không phát thải carbon bằng việc đầu tư cho lâm nghiệp. Theo đó, chỉ với 3 euro, một công ty sẽ trồng một cái cây thích nghi với đa dạng sinh học ở địa phương và mua một phần tín dụng carbon cho một dự án bảo tồn rừng ở nước ngoài. Tập đoàn dầu khí Total của Pháp cũng có kế hoạch thành lập một ban chuyên trách vào năm 2020 để giải ngân 100 triệu USD mỗi năm cho các nỗ lực bồi thường.
Các chương trình bù đắp carbon về cơ bản tuân theo một cơ chế đơn giản tương tự. Theo đó, một công ty hoặc cá nhân sẽ mua một hạn ngạch tương đương một tấn carbon dioxide và giá mua được trả trực tiếp hoặc gián tiếp cho chương trình giảm phát thải như trồng cây để hấp thụ CO2 - "thủ phạm" gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu hoặc đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo. Đây là nguyên tắc mà ngành hàng không dân dụng đang áp dụng với sáng kiến CORSIA (Chương trình bù đắp và giảm thiểu carbon cho hàng không quốc tế) bắt đầu từ năm 2020. Hiện đã có 65 quốc gia đăng ký tham gia, tương đương 87% hoạt động của hàng không quốc tế.
Ông Nathalie Simmenauer, phụ trách vấn đề môi trường và phát triển bền vững của hãng hàng không Air France của Pháp, cho biết sẽ có một số chương trình giảm lượng khí thải carbon và các hãng hàng không sẽ có thể mua hạn ngạch tương đương hàng tấn CO2 thông qua các dự án này. Mục đích là nhằm đảm bảo lượng phát thải trong tương lai được giữ ở các mức của năm 2020.
Tuy nhiên, theo các nhà hoạt động vì môi trường, mặc dù cây xanh là một công cụ quan trọng để điều hòa khí hậu, nhưng chỉ riêng việc trồng rừng không thể "bù đắp" cho lượng khí carbon do một công ty thải ra bầu khí quyển. Chủ tịch kiêm nhà sáng lập tổ chức Reforest'Action Stephane Hallaire (Xtê-phên Hây-lơ), cho rằng nếu không giảm lượng khí thải và chấm dứt hành động phá rừng, việc trồng một cái cây sẽ không giúp giải quyết vấn đề.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!