Cạnh tranh công nghệ bán dẫn Mỹ - Trung Quốc đang tăng nhiệt

Thế giới hôm nay-Thứ tư, ngày 01/02/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Sau nhiều năm Mỹ vận động hành lang, Nhật Bản và Hà Lan mới đây đã đồng ý thắt chặt các hạn chế với xuất khẩu công nghệ sản xuất chip cho các công ty Trung Quốc.

Thỏa thuận này đã hình thành một liên minh lớn, kìm hãm tham vọng xây dựng năng lực sản xuất chip nội địa của Bắc Kinh.

Thỏa thuận mới đạt được trong cuộc đàm phán cấp cao ba bên giữa Mỹ - Nhật Bản - Hà Lan tại Washington hôm 27/1 vừa qua, cho phép mở rộng một số biện pháp kiểm soát xuất khẩu các loại chip mà Mỹ đã thông qua vào tháng 10 năm ngoái cho các công ty có trụ sở tại Hà Lan và Nhật Bản.

Nhật Bản và Hà Lan là nơi đặt trụ sở của các nhà cung cấp thiết bị sản xuất chất bán dẫn chính. Hà Lan có Công ty ASML Holding kiểm soát thị trường công nghệ quang khắc, một trong những bước quan trọng nhất trong sản xuất linh kiện điện tử. Thỏa thuận được thông qua, Hà Lan sẽ ngăn ASML Holding bán cho Trung Quốc một số thiết bị quang khắc cho ngành công nghiệp bán dẫn. Trong khi đó, Nhật Bản sẽ đặt ra các hạn chế tương tự đối với Nikon.

Trước đó, các cuộc gặp tại Nhà Trắng giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio vào ngày 13/1 và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte hôm 17/1 cũng đã đề cập tới việc hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn sang Trung Quốc.

Cạnh tranh công nghệ bán dẫn Mỹ - Trung Quốc đang tăng nhiệt - Ảnh 1.

Bà Karine Jean-pierre - Thư ký báo chí Nhà Trắng cho biết: "Mỹ không thúc giục bất kì đồng minh hay đối tác nào của mình. Mỹ tham khảo ý kiến của các nước này một cách chặt chẽ, và họ tự đưa ra quyết định của mình. Tất cả chúng ta đều nhận ra tầm quan trọng của vấn đề này đối với an ninh quốc gia và Tổng thống Biden đã thảo luận về nó cùng một loạt các vấn đề khu vực và toàn cầu khác".

Thỏa thuận này được đưa ra 3 tháng sau khi Washington áp đặt các hạn chế lớn chưa từng có đối với hoạt động xuất khẩu liên quan đến chip sang Trung Quốc, cấm các công ty Mỹ bán chip và thiết bị sản xuất chip cao cấp cho các công ty công nghệ Trung Quốc. Chính sách của Nhà Trắng nhằm ngăn chặn Bắc Kinh sử dụng chất bán dẫn tiên tiến cho siêu máy tính cùng các ứng dụng liên quan trí tuệ nhân tạo, vũ khí hạt nhân và vũ khí siêu thanh.

Trước khi Trung Quốc đối mặt nguy cơ từ "liên minh" Mỹ - Nhật Bản - Hà Lan, Mỹ cũng đã từng đề xuất thành lập "Chip 4" với Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản để chi phối các lĩnh vực chính của chuỗi giá trị.

Trước những hạn chế dồn dập từ phía Mỹ, Trung Quốc đã có phản ứng gì?

Cạnh tranh công nghệ bán dẫn Mỹ - Trung Quốc đang tăng nhiệt - Ảnh 2.

Cuối năm ngoái, Trung Quốc đệ đơn kiện Mỹ lên WTO. Mới đây, Mỹ đã đạt được thỏa thuận với Hà Lan và Nhật Bản về hạn chế xuất khẩu một số máy móc sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc. Dĩ nhiên là Trung Quốc lên tiếng phản đối, nhưng nhiều chuyên gia quan sát cả chuỗi hành động thì thấy rằng, Trung Quốc phản ứng khá dè dặt trước những động thái từ Mỹ và các nước.

Thông thường, Trung Quốc hay có những động thái trả đũa mạnh. Như trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Trung Quốc ăn miếng trả miếng ngay. Nhiều chuyên gia lý giải, đối với lĩnh vực chất bán dẫn, Trung Quốc đang rất cần chip hiện đại nên không muốn làm cho tình hình phức tạp thêm. Trung Quốc cũng không lấy bài cũ là dùng thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới để trả đũa các công ty công nghệ Mỹ như Intel, Apple, Micron, Nvidia… vì đang muốn tạo môi trường thu hút đầu tư hấp dẫn với nước ngoài khi mở cửa lại với thế giới.

Trung Quốc đã có kế hoạch dài hạn nhằm tự chủ công nghệ bán dẫn?

Trong kế hoạch 5 năm tới, Trung Quốc đổ hàng trăm tỷ USD cho các doanh nghiệp lớn đầu tư vào công nghệ bán dẫn thông qua cấp vốn ưu đãi lãi suất, giảm thuế, trợ cấp. Trung Quốc cũng kêu gọi các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, điện tử mua chip nội địa thông thường để sản xuất - để vừa hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất chip nội địa, vừa gây khó khăn cho doanh nghiệp phương Tây. Thực tế lệnh cấm của Mỹ cũng khiến doanh thu của nhiều đại gia công nghệ Mỹ và các nước đồng minh giảm. Như Tokyo Electron - nhà sản xuất bán dẫn lớn nhất Nhật Bản thị trường Trung Quốc chiếm 25% tổng doanh thu năm 2022, ASML lớn nhất Hà Lan thị trường Trung Quốc chiếm 14%.

Các chuyên gia phương Tây nhận định, trước mắt, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tìm cách lách luật để mua chip hiện đại hay máy móc sản xuất chip qua trung gian. Song song đó, Trung Quốc nỗ lực thu hút chuyên gia, tài sản trí tuệ nước ngoài. Trong số 29 nhà máy sản xuất bán dẫn toàn cầu được xây mới năm ngoái thì Trung Quốc dẫn đầu với 8 nhà máy mới, Mỹ 6 nhà máy.

Cạnh tranh công nghệ bán dẫn Mỹ - Trung Quốc đang tăng nhiệt - Ảnh 3.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Bloomberg News gần đây, Tổng giám đốc ASML Peter Wennink - nhà cung cấp hàng đầu thế giới thiết bị quang khắc, cho rằng Trung Quốc cuối cùng sẽ học được cách chế tạo thiết bị sản xuất chất bán dẫn.

Điều mà Mỹ và phương Tây sợ nhất là Trung Quốc tạo được ngành công nghiệp chất bán dẫn độc lập - dẫu con đường ấy cực kỳ gian truân và tốn kém nhưng Trung Quốc không còn sự lựa chọn nào khác trước sức ép trong cạnh tranh chiến lược với Mỹ.

Tạo được liên minh kiểm soát xuất khẩu công nghệ chip sang Trung Quốc - bước đi này có thể coi là thắng lợi của chính quyền Tổng thống Biden, tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo động thái này có thể gây ra những hậu quả không lường trước được. Các nhà sản xuất thiết bị của Mỹ gần đây cũng phàn nàn rằng, hành động này khiến các đối thủ cạnh tranh nước ngoài được lợi ở thị trường Trung Quốc, bởi đây vốn là thị trường lớn nhất của họ.

Trung Quốc phản đối Mỹ cấm xuất khẩu công nghệ nội địa cho Huawei Trung Quốc phản đối Mỹ cấm xuất khẩu công nghệ nội địa cho Huawei

VTV.vn - Ngày 31/1, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối việc Mỹ có kế hoạch áp đặt lệnh cấm hoàn toàn hoạt động xuất khẩu công nghệ của Mỹ cho Tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước