Trong tuần qua, câu chuyện nước Anh ra đi khỏi Liên minh châu Âu đã nóng trở lại khi hôm 3/11, Toà án Cấp cao Anh ra phán quyết khẳng định: Quốc hội Anh, chứ không phải chính phủ, mới là cơ quan có tiếng nói quyết định trong việc kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon, từ đó mới bắt đầu chính thức các cuộc đàm phán để Anh rời EU. Điều này có nghĩa, kế hoạch khởi động đàm phán rời EU vào thời điểm tháng 3/2017 của Thủ tướng Anh Theresa May đã gặp một trở ngại lớn.
Bài viết trên tờ Điện tín nhận định, động thái của Toà án có thế dẫn tới một cuộc khủng hoảng về hiến pháp lớn nhất tại Anh kể từ năm 1910-1911. Tờ này cho rằng, hành động của ba thẩm phán của Toà án Cấp cao có thể sẽ đi ngược lại với lựa chọn của đa số cử tri trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6. Cùng với đó, vấn đề Brexit là một cuộc tranh luận chính trị cần được giải quyết tại Quốc hội, chứ không phải được giải quyết bởi các thẩm phán, cho nên các thẩm phán nên đứng ngoài trong vấn đề này.
Bên cạnh đó, vẫn có nhiều ý kiến ủng hộ phán quyết của Toà án Cấp cao Anh. Theo trang tin CNN, "dù tuyên bố sẽ kích hoạt điều 50 Hiêp ước Lisbon vào tháng 3 sang năm, nhưng Thủ tướng Anh Theresa May không có một chính sách cụ thể nào về việc nước Anh sẽ tiếp tục tiếp cận thị trường chung châu Âu kể cả khi ra đi hay sẽ tách biệt hoàn toàn với EU".
Do vậy, CNN cho rằng, để đảm bảo tính dân chủ, "Chính phủ Anh cần đệ trình một kế hoạch chi tiết về Brexit lên Quốc hội, để các nghị sĩ có thể bỏ phiếu về một tương lai nước Anh ngoài EU". Ngoài ra, điều này "cũng sẽ góp phần tạo nên tiếng nói cho 48% cử tri Anh - tương đương 16 triệu người đã bỏ phiếu chọn ở lại EU trong cuộc trưng cầu hồi tháng 6 vừa qua", CNN nhận định.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!