Báo chí Singapore đã có nhiều bài viết phản ánh về vấn đề này, nhấn mạnh chăm sóc sức khỏe tâm thần cũng cần là một ưu tiên trong ứng phó đại dịch COVID-19.
Thống kê cho thấy, kể từ tháng Tư năm ngoái - tức là khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát tại Singapore, đường dây nóng quốc gia về chăm sóc sức khỏe tâm thần của nước này đã tiếp nhận và xử lý gần 45 ngàn cuộc gọi. Dữ liệu cho thấy, những người cần hỗ trợ về tâm lý bao gồm những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần và người già - đặc biệt là những người sống một mình, người tạm cư sống xa gia đình và những người bị mất việc và sụt giảm đáng kể tài chính do đại dịch.
Theo phản ánh từ các bác sĩ tại một số phòng khám, khi dịch bùng phát trở lại Singapore cũng khiến trạng thái tâm lý của người dân bất ổn và đôi khi trở nên mất kiểm soát. Không chỉ có người dân, mà ngay cả các bác sĩ cũng rơi vào trạng thái căng thẳng, kiệt sức và lo lắng trong đại dịch.
Các nghị sĩ cũng đã liên tiếng tại kỳ họp quốc hội, kêu gọi hỗ trợ nhiều hơn tới sức khỏe tâm thần cho người lao động khi mà phương thức làm việc tại nhà cũng gây nên vấn đề về tâm lý.
Một điều tra hồi tháng Ba năm nay cho thấy, có tới 2/3 người làm việc tại nhà gặp khó khăn trong việc phân biệt đâu là thời gian làm việc và đâu là thời gian ngoài giờ. Hay một báo cáo chỉ số công việc từ Microsoft cho thấy, 58% lao động ở Singapore nói họ cảm thấy làm việc quá tải trong khi 49% nói họ cảm thấy kiệt sức.
Các nghị sĩ nêu lên một số rào cản cần được tháo gỡ để người dân có thể tiếp cận được với dịch vụ sức khỏe tâm thần có chất lượng, như vấn đề chi phí cao được phản ánh bởi 80% người được hỏi, nâng cao mức chi trả bảo hiểm y tế cho điều trị sức khỏe tâm thần, kêu gọi các doanh nghiệp có các chương trình hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho người lao động, hay làm rõ hơn các gói hỗ trợ cho ngành thể thao và nghệ thuật vốn có liên quan tới sức khỏe tâm thần.
Chính phủ Singapore cho biết đã thành lập cơ quan chuyên trách liên bộ mới để có phản ứng cấp độ quốc gia nhằm xử lý các vấn đề sức khỏe tâm thần của người dân trong đại dịch.
Bên cạnh đó, báo chí cũng có nhiều bài viết cung cấp thông tin hữu ích từ các chuyên gia giúp người dân có thể tự chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch. Theo một bài viết trên tờ Todayonline thì mỗi người cần chú ý 3 vấn đề:
Trước hết, mỗi người tự nhận thức rõ hơn và linh hoạt hơn để thích ứng với nhiều thay đổi do tác động của đại dịch.
Bên cạnh việc duy trì tập thở sâu, cân bằng chế độ ăn, tập thể dục và duy trì chế độ ngủ cũng như quan hệ gần gũi với gia đình và bạn bè, người dân cần cập nhật tin tức về COVID-19 qua kênh và báo chí tin cậy, tránh tin giật gân và thổi phồng.
Thứ hai, tránh những phản ứng không có lợi cho sức khỏe như hút thuốc, uống rượu và sử dụng ma túy trong đại dịch.
Thứ ba, chú ý không sử dụng quá mức các cuộc họp truyền hình trực tuyến như zoom, tắt camera của bạn nếu tình huống cho phép, kết thúc họp zoom đúng giờ, không họp liên tiếp liền nhau.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!