Là diễn đàn hợp tác kinh tế, thương mại đa phương, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã chứng tỏ được tầm ảnh hưởng đối với các nền kinh tế thành viên trong khu vực và cả thế giới. Có được thành công đó là nhờ vào các mục tiêu cũng như nguyên tắc hoạt động rõ ràng trong suốt 28 năm thành lập.
APEC là tên viết tắt của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương - một cơ chế hợp tác được thành lập năm 1989 với mục tiêu thúc đẩy tự do hóa kinh tế, thương mại và đầu tư khu vực. Từ 12 nền kinh tế sáng lập, tới nay APEC đã quy tụ 21 nền kinh tế thành viên, chiếm 39% dân số thế giới, 57% GDP toàn cầu, khẳng định vị thế là diễn đàn hợp tác kinh tế quy mô hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương.
APEC hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, tự nguyện, không ràng buộc tập trung vào 3 trụ cột chính: tự do hóa thương mại và đầu tư; thuận lợi hóa kinh doanh; hợp tác kinh tế kỹ thuật.
Sau 28 năm phát triển, APEC đã đạt được một số thành tựu: Mức thuế trung bình trong khu vực đã giảm còn 1/3 (từ 17% xuống 5,6%); thương mại nội khối tăng gần 7 lần, cao hơn mức tăng trưởng thương mại toàn cầu; tổng giá trị thương mại của APEC tăng 2,5 lần, đạt 16,5 nghìn tỷ USD.
APEC có vai trò đi đầu trong tự do hóa nền kinh tế toàn cầu và sẽ tiếp tục là một diễn đàn kinh tế đa phương không thể thiếu trong cấu trúc khu vực đang định hình, ngày càng được tăng cường bởi lợi ích chung về duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác vì phát triển bền vững và thịnh vượng.
Việt Nam chính thức trở thành thành viên APEC từ năm 1998. Năm 2006, Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị APEC lần thứ 14. Nhiều kỳ vọng đang được đặt ra với Hội nghị Cấp cao APEC 2017 tổ chức tại Đà nẵng trong ít ngày tới.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!