Hàng loạt bang ở vùng Tây Nam nước Mỹ đang trải qua một đợt nắng nóng kỷ lục được ví như "chảo lửa ngày tận thế". Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS) đã ban hành cảnh báo nhiệt độ rất cao đối với 5 bang, bao gồm California, Nevada, Utah, Arizona và một vài khu vực tại bang Colorado.
Trong đó, thành phố Phoenix của bang Arizona đã ghi nhận mức nhiệt 46 độ C và có thể vượt qua mức 48 độ C. Riêng tại bang Nevada và California, có nơi nhiệt độ đã chạm mức 54 độ C.
Những biển báo ngoài trời liên tục ghi nhận mức nhiệt vượt lên mốc ba chữ số (theo thang nhiệt độ Farenheit). (Ảnh: Reuters)
Dù thế, nhiều người dân Mỹ lại coi đây là cơ hội để chụp ảnh ghi lại mức nhiệt độ kỷ lục. (Ảnh: Reuters)
Nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận ở Mỹ là 55,2 độ C vào năm 1913 tại Thung lũng Chết, khu vực nằm giữa hai bang California và Nevada. Năm nay, nhiệt độ tại đây đã gần "đuổi kịp" mức kỷ lục này.
Thung lũng Chết, California (Mỹ), là một trong những nơi khô và nóng nhất hành tinh. Trong đợt nắng nóng lần này, khu vực này đã có lúc lên tới mức nhiệt nóng đến "bốc hơi": 54 độ C. (Ảnh: AFP)
Như thường lệ, nắng nóng cao độ đã khiến người dân đổ xô tới các bãi biển, khu bơi lội công cộng để tạm thời giảm nhiệt.
Bãi biển Santa Monica đông nghịt người tìm đến để giải nhiệt dưới tiết trời oi bức. (Ảnh: Reuters)
Từ hồ bơi công cộng... (Ảnh: Reuters)
...cho đến các vòi phun nước tại công viên đều hoạt động hết công suất để cho cả người lớn và trẻ em có chỗ vui chơi mát mẻ ngoài trời. (Ảnh: AP)
Một số người thì tìm tới các sông, suối gần nhà tại thành phố Denver, bang Colorado...
...để đắm mình dưới làn nước mát, giải tỏa sự nóng bức. (Ảnh: AP)
Đợt nắng nóng đến sớm còn dẫn đến lo ngại gây ra cháy rừng. Tình hình càng trầm trọng hơn do miền tây nước Mỹ đang phải trải qua một đợt hạn hán. Ước tính, đến 89% diện tích khu vực, bao gồm cả bang California, Oregon, Utah và Nevada, đang gặp hạn hán nặng nề.
Nhiệt độ tăng cao thổi bùng thêm nguy cơ cháy rừng ở bang Montana và phía bắc bang Wyoming. (Ảnh: Reuters)
Gió mạnh với sức giật lên tới 53km/h làm bùng lên các vụ cháy rừng vốn đang âm ỉ và cản trở việc dập tắt các đám cháy mới. (Ảnh: AP)
Hạn hán nghiêm trọng ở miền tây Mỹ nhìn từ ảnh vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA). Lòng sông hồ Powell thậm chí có thể nhìn thấy được từ không gian. (Ảnh: ESA)
Đợt hạn hán lớn này bắt nguồn từ việc thiếu hụt lượng mưa nghiêm trọng trong hai năm qua, kết hợp với biến đổi khí hậu đã tạo ra một mùa hạn hán thảm khốc trong năm nay, khiến các con sông và hồ đập cạn khô.
Một phần của hồ Oroville ở miền tây nước Mỹ đã cạn kiệt đến mức báo động do hạn hán hoành hành, ảnh hưởng đến 75 triệu người trong khu vực. (Ảnh: Reuters)
Đây được coi là hạn hán nghiêm trọng nhất lịch sử của khu vực này. Nước cạn khiến nhiều tàu thuyền gần như mắc kẹt vì không thể di chuyển. (Ảnh: Reuters)
Nằm giữa bang Nevada và Arizona và hình thành bởi đập Hoover, hồ Mead là hồ chứa có công suất nước lớn nhất nước Mỹ: hơn 32 tỷ mét khối. Tuy nhiên, lượng nước hiện đã chạm mức thấp nhất trong lịch sử.
Hồ Mead đang ở mức thấp nhất lịch sử là khoảng 11 tỷ mét khối nước, chỉ bằng khoảng 34,7% lượng nước chứa được tối đa. (Ảnh: AFP)
Đáng lo ngại nhất là nhà máy thủy điện Edward Hyatt ở hồ Oroville, California, dự kiến sẽ đóng cửa lần đầu tiên sau 50 năm. Thời gian đóng cửa ngừng phát điện dự kiến sẽ vào khoảng 2 đến 3 tháng, do không đủ nước để quay các tuabin phát điện. Khung thời gian trùng với cao điểm của mùa cháy rừng.
Hồ Oroville là hồ chứa nước lớn thứ hai của California và tạo ra lượng điện đủ để cung cấp cho 800.000 ngôi nhà hoạt động hết công suất.
Mực nước hồ hiện đang dao động trong khoảng 213m trên mực nước biển. Dấu vết màu trắng đánh dấu mực nước từng được ghi nhận trước đó, cho thấy lượng nước thiếu hụt trong lòng hồ là rất lớn. (Ảnh: Sky News)
Các công ty cung cấp điện năng ở bang California và Texas đều phát khuyến cáo người dân sử dụng tiết kiệm điện, đặc biệt vào thời điểm buổi chiều và tối, nhằm tránh bị quá tải và cắt điện. Nhu cầu điện của bang California thậm chí đã đạt đỉnh vào ngày 17/6, chạm mức 41.364 megawatt và dự kiến còn tiếp tục tăng cao nữa. Để dễ hình dung, một megawatt có thể cung cấp năng lượng cho khoảng 200 ngôi nhà vào một ngày nắng nóng.
Hệ thống điện của bang California đứng trước nguy cơ quá tải do nắng nóng. (Ảnh: Reuters)
Năm ngoái, cả bang California và Texas đều phải áp dụng biện pháp cắt điện luân phiên để tránh sự cố hệ thống. Gần đây nhất, đợt nắng nóng tại California vào tháng 8/2020 và đợt lạnh sâu vào tháng 2/2021 tại Texas đã đẩy người dân vào tình trạng khổ sở vì bị cắt điện.
Các nhà khí tượng của NWS cho biết đợt nắng nóng bất thường này là kết quả của một áp cao hình thành trên các sa mạc phía tây nam, kết hợp với tình trạng thiếu độ ẩm của đất do hạn hán, tạo ra bầu không khí nóng hầm hập và gây ngột ngạt. Sự việc lần này không liên quan trực tiếp đến vấn đề nóng lên toàn cầu.
Nắng nóng ở bang Nebraska đã khiến một con đường bị cong vênh và "nổ" mặt đường gây ra tắc nghẽn giao thông. (Ảnh: Reuters)
Vết nứt trên mặt đường cũng là hậu quả của nắng nóng dài ngày. (Ảnh: Reuters)
Cũng theo các chuyên gia, vùng Tây Nam nước Mỹ sẽ phải đón thêm nhiều đợt nóng như thế này trong thời gian tới và gây nguy hiểm đối với con người.
"Người dân nên đảm bảo đủ nước và không nên dành quá nhiều thời gian ở ngoài trời vào thời điểm nóng nhất trong ngày. Đồng thời, mọi người cần để mắt đến vật nuôi, thường xuyên kiểm tra tình trạng của người cao tuổi và không để bất kỳ ai, kể cả trẻ em hoặc thú cưng, ở trong ô tô".
Một địa điểm phân phát nước miễn phí được dựng lên cấp tốc tại thành phố Phoenix, bang Arizona. (Ảnh: Getty)
Một người dân tại thành phố Los Angeles, bang California, liên tục phải cho đàn thú cưng của mình uống nước. (Ảnh: AP)
Nắng nóng khiến các loài động vật trong sở thú cũng mệt mỏi. (Ảnh: AP)
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!