Ứng cử viên Phó Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa J.D. Vance (Ảnh: AFP)
Nếu bình luận trên - được đưa ra tại Hội nghị An ninh Munich thường niên - là lời cảnh tỉnh đầu tiên thì hồi chuông cảnh báo tiếp theo hiện đang vang lên khắp châu Âu sau khi ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump chọn ông J.D. Vance làm ứng cử viên Phó Tổng thống cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11.
Bà Ricarda Lang - đồng lãnh đạo Đảng Xanh của Đức, một phần trong Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz, người đã tham gia cuộc thảo luận với ông Vance ở Munich (Đức) - cho biết: "Việc lựa chọn ông Vance làm người tranh cử là điều đáng lo ngại đối với châu Âu".
Sự lựa chọn này làm dấy lên lo ngại ở châu Âu rằng nếu quay trở lại Nhà Trắng, ông Trump sẽ giảm bớt hoặc hạn chế sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Kiev và đẩy Ukraine vào các cuộc đàm phán hòa bình để chấm dứt xung đột Nga - Ukraine.
Quan điểm đó càng được củng cố với bức thư gửi các nhà lãnh đạo EU của Thủ tướng Hungary Viktor Orban - người đã đến thăm ông Trump vào tuần trước. Ông Orban - một đồng minh của ông Trump - thông tin cựu Tổng thống Mỹ sẽ "sẵn sàng hành động như một nhà trung gian hòa bình ngay lập tức" nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11.
Ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump bắt tay ứng cử viên Phó Tổng thống J.D. Vance, ngày 16/7 (Ảnh: AFP)
Tại Hội nghị An ninh Munich, ông Vance nhận định Nga không gây ra mối đe dọa hiện hữu đối với châu Âu và Mỹ, cũng như châu Âu không thể cung cấp đủ đạn dược để đánh bại Nga ở Ukraine. Ông cho rằng các ưu tiên chiến lược của Mỹ nằm nhiều hơn ở châu Á và Trung Đông.
Ông Vance phát biểu tại hội nghị: "Hiện tại, tôi quan tâm nhiều đến một số vấn đề ở Đông Á hơn là ở châu Âu".
Phát biểu trên podcast với đồng minh của ông Trump là ông Steve Bannon vào năm 2022, ông Vance nói: "Tôi thực sự không quan tâm đến điều gì xảy ra ở Ukraine theo cách này hay cách khác".
Tại hội nghị ở Munich, ông ủng hộ một "nền hòa bình được thương lượng" và nói rằng ông nghĩ Nga có động cơ để ngồi vào bàn đàm phán.
Lập trường đó hoàn toàn trái ngược với quan điểm của hầu hết các nhà lãnh đạo châu Âu - những người cho rằng phương Tây nên tiếp tục hỗ trợ Ukraine mạnh mẽ bằng các khoản viện trợ quân sự và nói rằng họ không thấy dấu hiệu nào cho thấy Nga sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán nghiêm túc.
Ông Vance cũng bỏ phiếu chống lại dự luật tài trợ cho Ukraine của Mỹ - dự luật được thông qua vào tháng 4 năm nay. Trong một bài xã luận trên tờ The New York Times về lá phiếu của mình, ông lập luận rằng Kiev và Washington phải từ bỏ mục tiêu của Ukraine là quay trở lại đường biên giới năm 1991 với Nga.
Nils Schmid - người phát ngôn chính sách đối ngoại của đảng Dân chủ Xã hội Đức - cho biết ông đã quan sát ông Vance ở Munich và nhận định: "Ông ấy có lập trường về Ukraine thậm chí còn cấp tiến hơn so với ông Trump và muốn chấm dứt hỗ trợ quân sự (cho Kiev)".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!