Công nhân tại điểm lắp đặt đường ống ở Kingisepp, vùng Leningrad, Nga năm 2021 cho dự án Dòng chảy phương Bắc 2 với Đức. (Ảnh: Reuters)
Trong thư gửi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen vào ngày 5/5, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết, Hungary và Liên minh châu Âu (EU) nhìn chung chưa sẵn sàng thông qua đề xuất của Ủy ban châu Âu về việc áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga.
Trên thực tế, việc cắt nguồn cung dầu từ Nga sẽ là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn và gây chia rẽ trong EU vì có sự khác biệt về mức độ phụ thuộc vào nguồn cung của Nga giữa các quốc gia. Những nước châu Âu càng gần Nga càng phụ thuộc nhiều hơn.
Hungary, Slovakia hay Bulgaria nhập khẩu hơn 75% nguồn dầu từ Nga và có thể gặp rất nhiều khó khăn để tìm nguồn cung thay thế.
Ông Peter Szijjarto, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hungary, nói: "Hungary chỉ có thể đồng ý với các biện pháp trừng phạt này nếu việc vận chuyển dầu thô qua đường ống được miễn trừ khỏi lệnh trừng phạt. Trong trường hợp đó, an ninh năng lượng của Hungary sẽ được đảm bảo. Nếu không, gói trừng phạt đó sẽ phá hủy an ninh năng lượng của Hungary. Và như vậy, chúng tôi không thể ủng hộ gói trừng phạt này".
Theo đề xuất, EU sẽ cấm nhập khẩu dầu Nga theo giai đoạn 6 - 8 tháng, trong khi Hungary và Slovakia được phép kéo dài thêm vài tháng.
Tuy nhiên, Slovakia, quốc gia giống Hungary, gần như phụ thuộc 100% nguồn dầu thô của Nga, cho biết họ sẽ cần tới vài năm.
Hệ thống đường ống dẫn khí đốt của Tập đoàn Gazprom (Nga). (Ảnh: EPA/TTXVN)
Cộng hòa Czech cũng sẽ ủng hộ gói trừng phạt mới của EU khi nào có thể tăng công suất các đường ống dẫn dầu chảy đến nước này.
Thủ tướng Czech Petr Fiala tuyên bố: "Chúng tôi muốn đảm bảo rằng Czech sẽ được trì hoãn trong 2 - 3 năm, và sau đó chắc chắn chúng tôi sẽ sẵn sàng ủng hộ gói trừng phạt này".
Giới quan sát cho rằng, việc cắt nguồn cung dầu thô từ Nga là một quyết định rất tốn kém bởi có nhiều loại dầu thô với đặc tính khác nhau, trong khi các nhà máy lọc dầu thường được thiết kế để sử dụng một loại nhất định.
Công ty dầu mỏ Hungary ước tính, họ có thể cần tới 4 năm và 700 triệu USD để điều chỉnh lại dây chuyền các nhà máy lọc dầu trong trường hợp cấm dầu Nga.
Bên cạnh đó, lệnh cấm dầu Nga có thể gây ra cuộc cạnh tranh tốn kém về nguồn cung thay thế. Hiện nguồn dầu từ Saudi Arabia là phù hợp nhất để thay thế dầu Nga, nhưng chưa thấy Riyadh có động thái tăng sản lượng khai thác để đáp ứng nhu cầu của châu Âu. Nguồn cung từ Iran hay Venezuela cũng vướng phải các lệnh cấm vận quốc tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!