Các nước châu Âu thiếu nhân lực trong hầu hết các ngành nghề. Ủy ban châu Âu và mỗi nước thành viên Liên minh châu Âu đang phải cố gắng tìm cách lấp đầy khoảng trống trên thị trường lao động, hỗ trợ các doanh nghiệp châu Âu tuyển dụng nhân công.
Số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu vừa công bố, cứ mỗi 100 công việc có sẵn trên thị trường lao động thì có 3 công việc không thể tuyển được người làm, tỷ lệ cao nhất từ trước tới nay. Các doanh nghiệp đang phải cạnh tranh với nhau về lương bổng, phúc lợi và điều kiện làm việc cũng như số ngày đi làm.
Ông Sascha Klett, Giám đốc công ty Ziehl-Abegg Automotive, Đức, nói: "Đó là một cuộc chiến dai dẳng. Ngày nào chúng tôi cũng phải cố gắng thì mới liên tục có đủ công nhân lành nghề. Chúng tôi tìm mọi cách, không chỉ để tuyển dụng được nhân viên mà còn phải giữ chân họ nữa".
Thiếu nhân lực đang cản trở tham vọng của Liên minh châu Âu. Chương trình đồ sộ tái công nghiệp hóa và tăng sức cạnh tranh sẽ ra sao nếu như không có đủ nhân lực thực hiện? Nhân công không chỉ thiếu trong các ngành liên quan tới công nghiệp chế tạo, năng lượng, hóa chất, và tài chính, những ngành cần nhân lực có trình độ, mà còn thiếu cả trong lao động phổ thông như lái xe, phụ bếp, chạy bàn, thu ngân hay công nhân xây dựng.
Việc đầu tư mạnh cho đào tạo dạy nghề cũng không thể đáp ứng kịp nhu cầu nhân lực. Nhiều nước đang theo hướng thu hút lao động từ bên ngoài Liên minh châu Âu. Đối với những nghề cần chuyên môn, Ủy ban châu Âu đang nghiên cứu nới lỏng công nhận văn bằng chứng chỉ của các nước khác. Dự kiến quy định sẽ được sửa đổi ngay trong năm nay nhằm thu hút kỹ sư, bác sĩ, công nhân lành nghề… tới định cư, bổ sung nguồn lực cho thị trường lao động.
Việt Nam đang có hàng nghìn lao động làm việc ở châu Âu theo con đường chính thức. Đặc biệt, CHLB Đức mong muốn tiếp nhận nhiều hơn nữa lao động trình độ cao từ Việt Nam cho các ngành điều dưỡng, hộ lý, đường sắt và công nghệ, ưu tiên lao động qua đào tạo đạt chứng chỉ của Đức. Nắm bắt nhu cầu thị trường và tìm cách đáp ứng các nhu cầu này sẽ tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho lao động Việt.
Tương tự, tại châu Á, Nhật Bản và Hàn Quốc là hai nước tiếp nhận số lao động rất lớn từ Việt Nam. Sau đại dịch, khi cỗ máy kinh tế cần được khởi động lại nhanh chóng và mạnh mẽ, tình trạng thiếu lao động ở hai nước này đang gây ra những áp lực lớn.
Sự sụt giảm mạnh mẽ lao động đang gây ảnh hưởng lớn tới nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Hàn Quốc. Chính vì vậy, Bộ lao động Hàn Quốc quyết định sẽ cho phép tiếp nhận khoảng 110.000 lao động từ nước ngoài trong năm 2023 này. Số lượng này cao gấp hơn 2 lần so với năm 2022 là 41.000 người. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc cho rằng tuyển thêm 110.000 lao động là vẫn chưa đủ.
Ước tính tới năm 2030, lĩnh vực sản xuất của nước này sẽ thiếu 300.000 nhân công. Ngành công nghiệp bán dẫn của Hàn Quốc đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng. Dự báo ngành này sẽ thiếu 54.000 lao động vào năm 2031, tức là thiếu 1/6 số nhân lực cần thiết.
Trong khi đó, tại Nhật Bản, một khảo sát vào cuối năm 2022 thực hiện với hơn 11.000 công ty cho thấy, hơn một nửa trong số này thiếu nhân sự làm việc toàn thời gian.
Gần 1/3 doanh nghiệp cho biết, họ thiếu cả những lao động mùa vụ. Đặc biệt, lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, vốn có số lượng lao động mùa vụ cao, nay cũng thiếu tới hơn 1 nửa nhân công. Khi nền kinh tế Nhật Bản tiếp tục tiến trình phục hồi sau đại dịch, tình trạng thiếu lao động sẽ ngày càng rõ rệt hơn.
Trước đây, các nước luôn ưu tiên nhân công bản địa, sau đó mới đến lao động nước ngoài. Hiện tình hình đã thay đổi, cơ hội với lao động nước ngoài đang ngày càng nhiều. Tuy nhiên, yêu cầu để tuyển lao động làm trong các nghành nghề đa dạng và điều kiện lao động tốt đòi hỏi trình độ năng lực đặc thù và chất lượng cao đối với các lao động. Trên hết, họ cần có ý thức kỷ luật cao, tuân thủ hợp đồng lao động.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!