Nhật Bản có thể thiếu 630 nghìn lao động nước ngoài vào năm 2030

Thế giới hôm nay-Thứ tư, ngày 02/03/2022 06:12 GMT+7

VTV.vn - Theo nghiên cứu của JICA - Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, năm 2030 Nhật Bản có thể thiếu hụt 630 nghìn lao động nước ngoài.

Phân tích của Cơ quan Nghiên cứu dân số cho thấy, đến năm 2050, dân số Nhật Bản sẽ giảm xuống còn 90 triệu người. Trong đó, số người trên 65 tuổi dự kiến chiếm khoảng 40% và số người dưới 15 tuổi chỉ chiếm khoảng hơn 8%. Chính vì vậy, nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài để bù đắp thiếu hụt nhân công ở Nhật Bản đang ngày càng tăng.

Nước này cũng liên tiếp đưa ra các chính sách ưu đãi mới để thu hút nguồn lao động từ các nước, nhất là lao động chất lượng cao trong ngành sản xuất, chế tạo.

Từ tháng 4/2019, Nhật Bản đã bắt đầu áp dụng chế độ "kỹ năng đặc định" - Tokutei Gino dành cho lao động nước ngoài đến Nhật Bản làm việc. Chế độ này đang thu hút sự quan tâm của lao động nước ngoài với những quy định mới như thời gian làm việc tại Nhật có thể kéo dài hơn 3 năm, mức thu nhập được nâng lên.

Ông Shinohara Ryota - Trưởng phòng tổng hợp, Cục sản xuất chế tạo, Bộ Kinh tế Nhật Bản cho biết: "Trong các ngành sản xuất trong nước của Nhật Bản gần đây đã xuất hiện những lĩnh vực rất thiếu nhân lực. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi muốn sử dụng hiệu quả chế độ "kỹ năng trong các lĩnh vực nhất định" để thu hút được nhiều hơn lao động nước ngoài có tay nghề cao, bao gồm cả lao động Việt Nam".

Nhật Bản có thể thiếu 630 nghìn lao động nước ngoài vào năm 2030 - Ảnh 1.

Theo ông Matsuura Atsushi - Giám đốc Công ty Fuchu Tempearl: "Hiện nay, Nhật Bản phải đối mặt với vấn đề giảm tỷ lệ sinh, dân số già, kéo theo việc thiếu hụt nghiêm trọng nguồn lao động tại các công ty vừa và nhỏ. Chính bởi vậy nhu cầu lao động nước ngoài tăng cao trong mọi lĩnh vực trên toàn quốc".

Nghiên cứu của JICA - Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản cho biết, năm 2030, Nhật có thể thiếu hụt 630 nghìn nhân lực nước ngoài. Để giải quyết khó khăn này, Chính phủ Nhật Bản đã có nhiều thay đổi trong chính sách như đưa ra chế độ kỹ năng đặc định, trong đó lao động nước ngoài được hưởng chế độ như lao động người Nhật Bản. Bộ Kinh tế Nhật Bản cũng tổ chức các hội thảo trực tuyến, xây dựng website bằng nhiều thứ tiếng như tiếng Việt, tiếng Philippines để phổ biến những ưu đãi mới này.

Nhật Bản liên tục cải thiện chính sách dành cho thực tập sinh, chế độ kỹ năng đặc định để thu hút thêm lao động từ các nước, theo đó thì các điều kiện đãi ngộ đang dần được nâng cao, mục tiêu là biến Nhật Bản trở thành điểm đến lý tưởng cho lao động nước ngoài, đặc biệt là những lao động tay nghề cao.

Nguồn cung lao động từ Đông Nam Á

Nhật Bản có thể thiếu 630 nghìn lao động nước ngoài vào năm 2030 - Ảnh 2.

Tiếp nhận lao động nước ngoài được xem là chính sách trụ cột trong phát triển kinh tế tương lai gần tại Nhật Bản. Trong tổng số lao động nước ngoài tại Nhật Bản, thì lao động từ các nước ASEAN chiếm tới trên 40%. Và họ trở thành nguồn nhân lực chủ chốt giúp Nhật Bản giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động nghiêm trọng.

Với mục tiêu tiếp nhận 500.000 lao động nước ngoài đến năm 2025, Nhật Bản cần nhận trung bình hơn 70 nghìn lao động mỗi năm trong vòng 7 năm, tính từ năm 2018. Các nước Đông Nam Á được đánh giá là có nguồn lao động dồi dào. Lao động tại các quốc gia này cũng hào hứng với việc sang Nhật Bản làm việc để có nguồn thu nhập cao hơn. Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng là quan hệ của Nhật Bản với các nước Đông Nam Á đang phát triển rất tốt đẹp, với đa số người dân tại các quốc gia khu vực này đánh giá tích cực về Nhật Bản.

Đáng chú ý, việc Chính phủ Nhật Bản ban hành chế độ visa mới với hai loại Kỹ năng đặc định 1 và Kỹ năng đặc định 2 có hiệu lực từ tháng 4/2019, được cho là chủ yếu hướng tới nguồn lao động tại các nước Đông Nam Á.

Tính đến nay, đã có 6 nước Đông Nam Á ký bản ghi nhớ hợp tác với Nhật Bản để đưa lao động sang quốc gia này theo chế độ visa mới, gồm Việt Nam, Philippines, Campuchia, Myanmar, Indonesia và Thái Lan. Bản ghi nhớ sẽ mở đường cho việc đưa lao động của các nước Đông Nam Á sang Nhật Bản làm việc. Và lao động Việt Nam được đánh giá là một trong những nguồn lao động quan trọng và phù hợp nhất với các doanh nghiệp Nhật Bản trong bối cảnh hiện tại.

Điều kiện đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài Điều kiện đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài

VTV.vn - Để đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, doanh nghiệp dịch vụ phải duy trì các điều kiện quy định cụ thể.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước