Chiến lược trên có mục tiêu thúc đẩy công nghiệp quốc phòng công nghiệp quốc phòng châu Âu đầu tư vào công nghệ phòng thủ và tăng năng lực sản xuất đạn dược nhằm tăng tính tự chủ của Liên minh châu Âu, giảm lệ thuộc vào khí tài của Mỹ.
Về đại thể, Chiến lược Công nghiệp Quốc phòng hướng tới một thị trường quốc phòng châu Âu với các tiêu chuẩn nhất quán và tương thích, từ nghiên cứu chung cho tới sản xuất chung, với mục tiêu đáp ứng nhu cầu phòng thủ các nước châu Âu là chủ yếu, không đặt mục tiêu xuất khẩu.
Chiến lược bao gồm tài trợ cho các dự án nghiên cứu và sản xuất vũ khí hàng đầu, tạo lập một cơ chế thị trường mua bán vũ khí với chuỗi cung ứng độc lập, miễn thuế giá trị gia tăng cho những đơn hàng mua sắm chung của các quốc gia thành viên. Mục tiêu là đưa lượng mua chung lên mức 40% tổng mua sắm khí tài vào năm 2030.
Chiến lược cũng đề cập đến việc sửa đổi chính sách tín dụng của Ngân hàng Đầu tư châu Âu mà từ trước tới nay vẫn luôn tuân thủ nguyên tắc không cấp vốn vay cho các dự án sản xuất và mua sắm vũ khí.
Chiến lược Công nghiệp Quốc phòng tăng cường cơ sở công nghiệp và kết nối năng lực sản xuất nhằm tạo ra một danh mục vũ khí chung duy nhất. Tuy nhiên, lĩnh vực quốc phòng cũng như mua sắm khí tài sẽ vẫn thuộc chủ quyền của mỗi quốc gia thành viên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!