Ngoại trưởng Mỹ và Trung Quốc lần lượt tới châu Âu
Mặt trận ngoại giao tại khu vực châu Âu sôi động liên tục chỉ trong nửa cuối tháng 8. Ngoại trưởng Mỹ rồi ngay tiếp theo đó là ngoại trưởng Trung Quốc lần lượt có những chuyến công du dài ngày tới hàng loạt quốc gia khu vực này. Nhìn những diễn biến dồn dập vừa rồi, người ta không thể không liên hệ ngay đến tam giác quan hệ chiến lược Mỹ - Trung Quốc - Liên minh châu Âu và đặt một câu hỏi, thời điểm này vai trò của châu Âu đang ở đâu trong căng thẳng chính trị, ngoại giao, kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc?
Trong bối cảnh dịch COVID-19, từ đầu năm đến nay, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã công du châu Âu 2 lần. Chuyến thăm lần này của ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng đặc biệt ở chỗ, đây là chuyến công du đầu tiên của ông kể từ dịch COVID-19. Sự lựa chọn ưu tiên này chắc chắn hàm chứa nhiều nguyên nhân.
Chuyến công du châu Âu của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kéo dài từ ngày 25/8 đến 1/9, qua 5 nước châu Âu là Italy, Hà Lan, Na Uy, Pháp và Đức. Truyền thông Trung Quốc mô tả, chuyến công du giúp nâng tầm quan trọng của châu Âu đối với đối ngoại của Trung Quốc. Khi mà trước đó, trong chuyến công du của mình, Ngoại trưởng Mỹ đã có phát biểu gây tranh cãi rằng, Trung Quốc hiện nay tạo ra mối đe dọa còn lớn hơn Nga.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Ảnh: AP)
"Chúng tôi ủng hộ những nỗ lực của EU để phục hồi kinh tế. Có thể nói, vì sự phát triển của châu Âu, Trung Quốc sẽ luôn là người bạn đáng tin cậy của EU" - Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh.
Không một điểm đến nào của Ngoại trưởng Vương Nghị trùng với nơi mà người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo từng đặt chân tới trước đó.
Cạnh tranh Mỹ - Trung đang là yếu tố chi phối chính sách đối ngoại của Trung Quốc thời gian này và chuyến đi của ông Vương Nghị cũng không ngoại lệ. Trong khi Mỹ ra sức thuyết phục đồng minh ở châu Âu tẩy chay Trung Quốc, giới quan sát lúc này đang dùng cụm từ "kiểm soát thiệt hại" để nói về trọng tâm trong cách ứng phó của Bắc Kinh.
Ngoại trưởng Vương Nghị cũng dành sự tập trung vào 5G ở Đức, nơi Thủ tướng Angela Merkel đang đối mặt ngày càng nhiều áp lực phải cấm Huawei khỏi các mạng lưới 5G. Giờ chỉ có Đức là thị trường lớn duy nhất ở phương Tây còn mở cửa cho tập đoàn Trung Quốc.
Những nước còn lại trong chuyến đi của ông Vương Nghị cũng hướng tới các mối quan hệ ngoại giao và hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn, nỗ lực lôi kéo châu Âu trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung ngày một trắc trở và không có dấu hiệu sớm hồi phục sau bầu cử.
Tranh cãi về mạng 5G của Trung Quốc tại châu Âu
Trung Quốc ý thức rất rõ không thể suốt đời làm gia công cho các nước phương Tây theo kiểu phân công toàn cầu hóa, họ đã đầu tư rất sớm vào những công nghệ đột phá của thế kỷ 21, trong đó đặc biệt là xây dựng cả phần cứng lẫn phần mềm cho mạng 5G - đi đầu là Huawei.
Tiềm năng và kỳ vọng to lớn đặt vào 5G, đang là nguồn cơn đồng thời là đích ngắm của cuộc xung đột Mỹ - Trung hiện nay. Mỹ không hề giấu ý định thiết lập một liên minh xuyên Đại Tây Dương, để giảm sức ảnh hưởng của Trung Quốc mà mục tiêu cụ thể nhất lúc này là vận động châu Âu từ bỏ công nghệ 5G của Huawei. Trung Quốc thì không hề muốn để mất thế trận 5G đã xây dựng được, do đó, châu Âu ngày càng đóng vai trò chiến lược quan trọng với Bắc Kinh trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung leo thang căng thẳng.
Huawei là một trong số những công ty đi đầu về công nghệ 5G
Đầu năm nay, Huawei công bố kế hoạch xây dựng nhà máy 5G đầu tiên ở châu Âu. Nhà máy sẽ đặt tại Pháp, cung cấp thiết bị 5G cho toàn bộ thị trường châu Âu với hi vọng tạo ra doanh thu 1 tỷ Euro mỗi năm.
Với Trung Quốc và Huawei, châu Âu là một thị trường tiềm năng. Đầu năm nay, Huawei đã ký 91 hợp đồng thương mại 5G thì hơn nửa là ở châu Âu. Ai cũng hiểu mạng 5G là hệ thống thần kinh của nền kinh tế tương lai. Khi mà những công ty cung cấp thiết bị viễn thông châu Âu như Nokia và Ericsson còn chưa chiếm lĩnh được thị trường, cơ hội cho Huawei là rất lớn. Không chỉ là về lợi nhuận, đó còn là sự hiện diện về công nghệ của Trung Quốc.
Thế nhưng, mọi chuyện thay đổi nhanh chóng. Một loạt các quốc gia châu Âu đã nhìn mạng 5G của Huawei với con mắt thận trọng. Pháp chỉ cho phép các hợp đồng mua thiết bị Huawei cho tới năm 2028. Anh thì muốn cấm hoàn toàn Huawei từ ngay năm sau. Ủy ban châu Âu tuyên bố thẳng thừng là muốn hạn chế thiết bị Huawei trên lãnh thổ châu Âu vì lý do an ninh, muốn các hãng viễn thông châu Âu cung cấp mạng 5G.
Hà Lan, Bỉ và Italy đang thiên về cấm Huawei giống như nước Anh làm. Tây Ban Nha, Áo, Phần Lan và nhiều nước khác thì chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Nhìn chung, các quốc gia đều muốn tìm một lập trường rõ ràng, cấm hay không cấm Huawei không phải chuyện chính trị mà là quyết định thương mại.
Đó là chuyện của nội bộ châu Âu. Nhưng lập trường về mạng 5G của Trung Quốc tại thị trường này cũng chịu áp lực từ Mỹ. Từ năm ngoái, Mỹ liên tục gây sức ép lên đồng minh, yêu cầu loại Huawei khỏi danh sách các hãng tham gia triển khai hạ tầng mạng 5G. Vấn đề này càng được nhấn mạnh trong chuyến thăm châu Âu vừa diễn ra của Ngoại trưởng Mỹ.
Tương lai quan hệ Trung Quốc - EU
Trung Quốc không phải không có những lá bài quan trọng của mình để tìm lại sự cân bằng ảnh hưởng ở châu Âu. Đáng kể nhất trong đó, đang là những lợi ích rõ rệt về kinh tế mà nước này mang lại ở nhiều nơi trong khu vực. Bản thân châu Âu có những lợi ích của riêng mình trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Dòng tiền đầu tư dồi dào từ Trung Quốc cũng đang có những tác động nhất định đến sức ảnh hưởng của nước này tại khu vực. Châu Âu là một khối đa quốc gia, mỗi nước vẫn đang có những tính toán chiến lược dựa trên cân đối lợi ích toàn khối và cả lợi ích riêng của mình.
Ngày 22/6, hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên giữa một lớp lãnh đạo châu Âu mới với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mang lại rất ít kết quả, thậm chí không ra được một tuyên bố chung.Lãnh đạo EU mong muốn ký kết thỏa thuận đầu tư song phương với Trung Quốc sau 7 năm đàm phán. Nhưng lời đề nghị này dường như không được Trung Quốc đáp lại, khi nước này thắt chặt kiểm soát nền kinh tế trong nước.
Ảnh minh họa (Nguồn: Central Banking)
Trên thực tế, EU vẫn rất cần nguồn đầu tư hùng hậu từ Trung Quốc, nhất là khi các công ty châu Âu khao khát tiếp cận thị trường nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Thế nhưng, người châu Âu trong vài năm qua đã trở nên ít lý tưởng hơn về Trung Quốc. Châu Âu đã cảnh báo về bẫy đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng quan trọng tại châu Âu.
Hơn nữa, động lực chính trị duy nhất của Brussels đang dần lung lay, khi Thủ tướng Đức Angela Merkel - "người mai mối" cho EU và Trung Quốc, sắp rời nhiệm sở vào năm sau. Quan hệ ổn định giữa EU và Trung Quốc cũng được cho là đang dần đi tới hồi kết, đặc biệt việc đảm bảo thỏa thuận đầu tư song phương từ lâu được duy trì đàm phán nhờ sự thúc đẩy của Thủ tướng Đức.
Hiện nay, các quốc gia thành viên EU cơ bản có cùng quan điểm rằng sự kết nối với Trung Quốc là cần thiết nhưng nên được thực hiện với sự thận trọng hơn, trên cơ sở rằng Trung Quốc là đối thủ mang tính hệ thống.
Quan hệ Mỹ - Trung Quốc thời gian qua chuyển sang giai đoạn cạnh tranh chiến lược toàn diện và quyết liệt, thậm chí nhiều nhà ngoại giao Trung Quốc nhận định đây như một cuộc chiến tranh lạnh thứ hai. Châu Âu chỉ là một trong nhiều địa bàn chứng kiến sự cạnh tranh ảnh hưởng. Châu Âu có những lý do riêng để thận trọng trước sự leo thang căng thẳng này. Dù quan hệ hai bờ Đại Tây Dương có đi xuống thời gian qua nhưng Mỹ vẫn là một đồng minh truyền thống, đã được xác lập và duy trì qua lịch sử. Còn Trung Quốc cũng có mang lại những lợi ích nhất định cho phát triển kinh tế khu vực.
Bản thân châu Âu sẽ muốn khéo léo đi giữa mối quan hệ đối đầu Mỹ - Trung để giảm sức ảnh hưởng và khắc chế những tính toán chính trị của cả hai phía với mình. Đến thời điểm này họ vẫn đang làm tốt điều đó. Nhưng như đã phân tích, nhiều điều có thể sẽ thay đổi trong vòng 1 năm tới. Ngoại trưởng Trung Quốc tìm kiếm một sự cân bằng về ảnh hưởng với Mỹ tại châu Âu, qua chuyến công du lần này của mình. Điều châu Âu có thể mang lại, có lẽ là một sự cân bằng tạm thời.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!