Châu Âu tiếp tục vận động Mỹ về thỏa thuận hạt nhân Iran

Trường Sơn, Tuấn Trung, Phi Hùng (Thường trú Đài THVN tại Mỹ)-Thứ sáu, ngày 18/05/2018 10:08 GMT+7

VTV.vn - Một nhóm nghị sĩ châu Âu vừa đến Mỹ để trực tiếp vận động về thỏa thuận hạt nhân Iran.

Chỉ còn vài tháng nữa, các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ áp đặt trở lại với Iran sau khi Mỹ chính thức rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hôm 8/5. Các biện pháp trừng phạt này không chỉ nhắm vào Iran mà cả những bên thứ ba có làm ăn với nước này, trong đó có những đồng minh của Mỹ ở phương Tây. Châu Âu hiện đang nỗ lực vận động Mỹ.

Một nhóm nghị sĩ châu Âu vừa đến Mỹ để trực tiếp vận động về thỏa thuận hạt nhân Iran. Sau khi Tổng thống Mỹ quyết rút khỏi thỏa thuận lịch sử, châu Âu muốn Quốc hội Mỹ vào cuộc, tìm cách trì hoãn hoặc hạn chế thiệt hại có thể có từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Nhưng kết quả có vẻ không khả quan.

Ông Omid Nouripour - Nghị sĩ Quốc hội Đức - cho biết: "Chúng tôi không chắc rằng Quốc hội Mỹ đã có quan điểm rõ ràng về vấn đề này. Họ vẫn rất lúng túng và chắc sẽ còn phải tiếp tục bàn thảo rất nhiều. Nhưng vấn đề là chúng ta không còn nhiều thời gian".

Nếu không có đột biến mới trong vài tháng nữa thì các doanh nghiệp châu Âu hoặc là rút khỏi thị trường Iran, hoặc là phải cạch cửa làm ăn với Mỹ do các chế tài trừng phạt của Mỹ với Iran có hiệu lực trở lại. Khi ấy, không chỉ doanh nghiệp châu Âu đang làm ăn với Iran mà cả nguồn dầu lửa quý giá của Iran cho châu Âu cũng bị đe dọa.

Bà Caroline Vicini - Phó Trưởng phái đoàn EU tại Mỹ - cho hay: "Chúng tôi tin rằng việc giữ lại thỏa thuận này là rất quan trọng. Không chỉ cố gắng cao nhất để giữ lại thỏa thuận này, chúng tôi cũng sẽ làm tất cả để bảo vệ lợi ích kinh tế của mình. Bằng cách nào thì đây cũng là điều chúng tôi đang bàn tính".

Châu Âu trước mắt có một vài lựa chọn cơ bản. Một là thương thuyết để Mỹ miễn trừ trừng phạt đối với các doanh nghiệp châu Âu. Hai là lách luật, không dùng đồng USD để mua dầu của Iran. Và cuối cùng, tuy chẳng muốn nhưng châu Âu cũng có thể trừng phạt lại Mỹ để tự vệ. Dù cách nào thì châu Âu cũng cần thêm đồng minh.

Dù muốn hay không thì quan hệ hai bờ Đại Tây Dương đang đứng trước thử thách khó khăn trong vấn đề Iran. Oái oăm là các nước phương Tây giờ sẽ phải trông cậy vào Nga và Trung Quốc, chứ không phải đồng minh thân cận bên kia Đại Tây Dương, để bảo vệ lợi ích của mình trong thỏa thuận hạt nhân Iran.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước