Trong một báo cáo công bố mới đây, công ty Asia Research Engagement (ARE) có trụ sở ở Singapore khuyến nghị, để ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu, từ nay đến năm 2030, các quốc gia Đông Nam Á cần giảm sản lượng thực phẩm protein động vật và chuyển sang các loại protein thay thế. ARE dự báo, đến năm 2060, các loại protein thay thế protein động vật có thể sẽ chiếm hơn 50% lượng thực phẩm protein ở Đông Nam Á và các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, công ty này lưu ý: "Để đạt được điều này sẽ đòi hỏi nguồn vốn chuyên dụng cũng như cam kết của ngành thực phẩm châu Á, các nhà đầu tư và ngân hàng đối với sự phát triển bền vững".
Hoạt động chăn nuôi quy mô lớn được coi là một trong những nguồn phát thải carbon lớn cũng như "thủ phạm" chính gây ra tình trạng phá rừng và mất đa dạng sinh học. Nguyên nhân là vì các nhà cung cấp thực phẩm phá rừng để mở rộng diện tích chăn nuôi và trồng các loại cây làm thức ăn cho gia súc. Theo ARE, sản xuất chăn nuôi để lại "dấu chân carbon" lớn hơn so với các loại cây lương thực do sử dụng nhiều tài nguyên hơn.
ARE cho rằng, mặc dù "dấu chân carbon" là vấn đề toàn cầu, nhưng trở nên đặc biệt nghiêm trọng đối với các nước châu Á vì lục địa này cung cấp hơn 50% lượng thực phẩm protein động vật trên thị trường thế giới, bao gồm cả động vật trên cạn và động vật dưới nước. Bên cạnh đó, một số quốc gia châu Á cũng chứng kiến tốc độ gia tăng dân số nhanh nhất so với các quốc gia trên thế giới, qua đó thúc đẩy một phần mức độ tiêu thụ thịt động vật.
Các chuyên gia cho biết các protein thay thế có nguồn gốc thực vật, được lên men hoặc sản xuất trong phòng thí nghiệm đóng vai trò quan trọng đối với an ninh khí hậu. Theo một báo cáo của hãng tư vấn Boston Consulting Group công bố năm 2022, mỗi USD đầu tư vào việc sản xuất các sản phẩm thay thế thịt và sữa động vật giúp giảm lượng khí nhà kính nhiều hơn 7 lần so với đầu tư phát triển các tòa nhà xanh và hơn 11 lần so với đầu tư phát triển ô tô không khí thải.
Theo Viện nghiên cứu Thực phẩm Lành mạnh châu Á - Thái Bình Dương (Good Food Institute APAC), tổng vốn đầu tư mạo hiểm vào các loại protein thay thế protein động vật đã tăng từ 1 tỷ USD vào năm 2019 lên 5 tỷ USD vào năm 2021. Viện này khẳng định việc các quốc gia ưu tiên sản xuất và phát triển các loại protein thay thế sẽ giúp giảm đáng kể tác động do các hoạt động của con người gây ra đối với khí hậu.
Tuy nhiên, bà Mirte Gosker - Giám đốc điều hành của Good Food Institute APAC, lưu ý sản xuất thực phẩm an toàn với khí hậu cũng cần năng lượng, do đó sẽ cần dựa vào năng lượng tái tạo để phát triển bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!