Chiến đấu cơ trên tàu sân bay Mỹ sẵn sàng không kích phiến quân Hồi giáo tại Syria. (Ảnh: US Navy)
Chứng kiến tình hình thực tế hiện nay, nhiều nhà phân tích cho rằng, có lẽ Tổng thống Mỹ Obama sẽ khó có thể thực hiện được mong muốn của mình khi bước chân vào Nhà Trắng sẽ là người chấm dứt các bãi lầy quân sự tại Trung Đông mà không phải là người phát động các cuộc chiến như 3 người tiền nhiệm của mình.
Không phải là không có những sức ép trong nội bộ nước Mỹ yêu cầu Tổng thống Obama phải gấp rút đưa quân trở lại Iraq để đập tan IS trước khi tổ chức vũ trang này có những hành động đe dọa an ninh nước Mỹ. Với những động thái vừa qua, nhiều học giả cho rằng chiến lược của Mỹ rút dần khỏi Trung Đông để tập trung lực lượng cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương dường như sẽ khó khả thi. Trong một tương lai gần, Washington sẽ chưa thể yên tâm rút ra khỏi khu vực này, không những thế, chính quyền của Tổng thống Obama có thể sẽ còn phải có những điều chỉnh trong chính sách đối với Trung Đông phù hợp với tình hình mới.
Lực lượng Nhà nước Hồi giáo rõ ràng đang được coi là một mối đe dọa an ninh thậm chí còn đáng sợ hơn tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda khi chúng có được nguồn lực kinh tế dồi dào, chiến lược tuyên truyền tinh vi qua mạng xã hội cũng như tuyển mộ các tay súng có quốc tịch nước ngoài. Mỹ lo ngại lực lượng này đang theo đuổi tham vọng có thể làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt Trung Đông.
Tuy nhiên, câu hỏi đang được đặt ra đối với chính quyền của Tổng thống Obama là liệu Mỹ có mở rộng những hoạt động quân sự tại Trung Đông để đối phó với lực lượng IS không, trong đó bao gồm khả năng đưa quân đến Trung Đông để trực tiếp đối phó với lực lượng IS. Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, ông đã yêu cầu các quan chức Mỹ chuẩn bị một loạt những phương án quân sự nhằm đối phó với lực lượng IS, nhưng cũng tuyên bố Chính phủ Mỹ chưa có một chiến lược cụ thể đối phó với IS tại Syria.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết: “Chúng tôi đang xem xét các chiến lược nhằm đối phó với lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng tại Syria. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa có một chiến lược cụ thể”.
Phát biểu của ông Obama đã cho thấy rõ ràng ông đang chần chừ trong việc thay đổi chiến lược quân sự của Mỹ tại Trung Đông để đối phó với lực lượng IS. Những rủi ro của việc mở rộng chiến lược quân sự tại đây là điều mà ông Obama có thể đã nhận thức rõ. Ở Syria, ông Obama đang ở trong một thế rối như tơ vò khi Washington muốn làm suy yếu lực lượng IS ở nước này nhưng không muốn làm đảo lộn thế cân bằng giữa chế độ Tổng thống Assad và quân nổi dậy. Đó là chưa kể đến việc các lực lượng thánh chiến khác ở Syria sẽ vẫn chiếm ưu thế khi lực lượng IS suy yếu. Khi đó, tình hình tại đất nước này sẽ trở nên hỗn loạn hơn trong khi không thể diệt tận gốc các lực lượng cực đoan.
Còn ở Iraq, khó có khả năng Mỹ sẽ đưa quân vào nước này. Những cuộc không kích của Mỹ vào các mục tiêu của IS tại Iraq hiện tại chỉ có thể kiềm chế được lực lượng này và chưa thể loại bỏ hoàn toàn chúng. Điều mà chính quyền Obama hướng tới lúc này là làm sao có thể cùng các đồng minh hỗ trợ lực lượng người Kurd ở miền Bắc Iraq cũng như Chính phủ của tân Thủ tướng Haider al-Abadi đánh bại lực lượng IS, trong đó khả năng tăng cường hợp tác tình báo với phía Iraq, hỗ trợ thêm vũ khí cho quân đội Iraq cũng như mở rộng quy mô các cuộc không kích vào các mục tiêu của lực lượng IS là có thể.
Vẫn còn quá sớm để nói về việc chính quyền Obama sẽ thay đổi chiến lược của mình tại Trung Đông để đối phó với IS hay không, tuy nhiên sẽ khó có khả năng ông Obama đưa quân trở lại Trung Đông vì Washington không muốn bị sa lầy trong một cuộc xung đột xuyên biên giới có độ phức tạp cao.