“Chiến tranh lạnh công nghệ” Mỹ - Trung căng thẳng trở lại?

Việt Linh (Theo Bloomberg, CNBC, Reuters và Telegraph)-Thứ ba, ngày 26/05/2020 06:00 GMT+7

VTV.vn - Cuộc đối đầu Mỹ - Trung Quốc đang dần nóng trở lại trên mặt trận công nghệ, khi các nỗ lực của Trung Quốc tiếp tục vấp phải các động thái kiềm chế cứng rắn từ phía Mỹ.

Mỹ tìm cách "siết vòng vây" giới công nghệ Trung Quốc

Trong bước đi mới nhất của mình, ngày 23/5, Bộ Thương mại Mỹ đã liệt thêm 33 doanh nghiệp và tổ chức của Trung Quốc vào "danh sách đen", bị hạn chế mua hàng hóa Mỹ, giới hạn tiếp cận công nghệ của Mỹ nếu không được giới chức nước này cấp phép. Trong số những cái tên lần này có NetPosa, một trong những doanh nghiệp hàng đầu về trí tuệ nhân tạo (AI) tại Trung Quốc.

“Chiến tranh lạnh công nghệ” Mỹ - Trung căng thẳng trở lại? - Ảnh 1.

Ông lớn AI Trung Quốc NetPosa bị rơi vào "danh sách đen" công nghệ của Mỹ

Đa số các doanh nghiệp Trung Quốc rơi vào "danh sách đen" đều thuộc các lĩnh vực công nghệ đang lên như AI, nhận diện khuôn mặt, chip bán dẫn hay mạng 5G - những lĩnh vực họ sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với nhiều ông lớn của Mỹ như Intel, Nvidia hay Qualcomm.

Trước đó, giới lập pháp Mỹ cũng có động thái gián tiếp nhằm vào lĩnh vực công nghệ Trung Quốc khi hôm 20/5, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật siết chặt kiểm soát các công ty nước ngoài niêm yết trên sàn chứng khoán của nước này, cho phép Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch (SEC) hủy niêm yết với các công ty nước ngoài nếu giới chức không thể tiếp cận và kiểm tra số liệu kiểm toán trong vòng 3 năm của công ty đó.

“Chiến tranh lạnh công nghệ” Mỹ - Trung căng thẳng trở lại? - Ảnh 2.

Alibaba có thể chịu ảnh hưởng lớn từ dự luật mới của Mỹ

Nếu chính thức trở thành luật, dự luật này có thể ảnh hưởng đến nhiều tên tuổi Trung Quốc trên sàn Mỹ như Alibaba và Baidu. Trước nguy cơ bị kiểm soát, năm ngoái Alibaba đã có động thái phát hành cổ phiếu tại sàn Hong Kong (Trung Quốc), và nhiều startup công nghệ Trung Quốc cũng đang có động thái chuyển hướng sang Hong Kong hoặc London (Anh)

Huawei tiếp tục đương đầu với sức ép mới

Là một trong những cái tên lớn đầu tiên rơi vào tầm ngắm của Mỹ, Huawei cũng được đánh giá là sẽ tiếp tục đứng trước khó khăn từ các đợt gây sức ép mới.

Một trong những động thái mạnh mẽ nhất nhằm vào tập đoàn này là việc giới chức Mỹ thay đổi quy định về xuất khẩu chất bán dẫn, qua đó có thể "bóp nghẹt" hoàn toàn mảng sản xuất chip của Huawei. Quy định này được cho là sẽ ngăn chặn Huawei tiếp cận 2 yếu tố quan trọng là phần mềm thiết kế chip từ các công ty Mỹ cũng như việc thuê sản xuất từ các đối tác chuyên gia công như TSMC.

“Chiến tranh lạnh công nghệ” Mỹ - Trung căng thẳng trở lại? - Ảnh 3.

Mảng sản xuất chip của Huawei bị đe dọa "bóp nghẹt" do quyết định mới của Mỹ

Joe Kelly, Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông toàn cầu của Huawei đã gọi động thái mới là một quyết định "độc đoán và nguy hiểm". Chuyên gia Stewart Randall của Intralink thì cho rằng, quyết định này có thể đe dọa vị thế của Huawei trong các lĩnh vực sản xuất chip cho điện thoại di động và mạng 5G. 

Trước đó, việc bị liệt vào "danh sách đen" cũng khiến tập đoàn này khó khăn rất lớn khi mất quyền cài đặt các dịch vụ từ Google cho điện thoại.

“Chiến tranh lạnh công nghệ” Mỹ - Trung căng thẳng trở lại? - Ảnh 4.

Ảnh 4: Nhiều hãng viễn thông của Anh phụ thuộc vào Huawei để phát triển 5G

Trên một hướng đi khác, theo báo chí Anh, Thủ tướng Boris Johnson đang lên kế hoạch giảm sự tham gia của Huawei trong mạng 5G của nước này. Trước đó, Chính phủ Anh cho biết sẽ để Huawei tham gia vào những phần không nhạy cảm của mạng 5G với mức độ dưới 35%. Tuy nhiên, dường như Anh đã phải chấp nhận sự thay đổi trước sức ép lớn từ phía Mỹ, trong bối cảnh 2 nước đang khởi động đàm phán thương mại hậu Brexit.

Trung Quốc tìm hướng "soán ngôi" công nghệ Mỹ

Phía Trung Quốc cũng đang không ngồi yên trước sức ép của Mỹ. Theo Bloomberg, trong kế hoạch tổng thể được Chủ tịch Tập Cận Bình hậu thuẫn, nước này sẽ đầu tư khoảng 10.000 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 1.400 tỷ USD) vào công nghệ từ nay đến năm 2025.

Kế hoạch này sẽ thúc đẩy các thành phố và công ty công nghệ phát triển mạng 5G, lắp đặt camera, cảm biến, phát triển phần mềm AI cho xe tự lái và các nhà máy tự động hóa. Các công ty trong nước như Alibaba, Huawei hay SenseTime sẽ là chủ lực trong việc thực hiện những dự án cơ sở hạ tầng công nghệ mới.

Khoản đầu tư khổng lồ được kỳ vọng sẽ giúp các công ty Trung Quốc giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, hiện thực hóa mục tiêu của sáng kiến "Made in China 2025".

Dự án cũng sẽ quy tụ những tên tuổi lớn nhất, như Alibaba và Tencent trong mảng điện toán đám mây, trong khi Huawei dẫn đầu mảng phát triển 5G. Các lãnh đạo công nghệ như Pony Ma của Tencent và Jack Ma cũng đều sẽ tham gia.

Đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng cũng là một phần của gói tài chính đang chờ được thông qua tại kỳ họp quốc hội Trung Quốc tuần này, trong bối cảnh nền kinh tế số 2 thế giới đối mặt giai đoạn khó khăn nhất trong hơn 3 thập kỷ qua.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước