Với giá cả phải chăng, sản phẩm đa dạng và cơ hội mặc cả cho các mặt hàng, chợ truyền thống luôn là điểm dừng chân đầu tiên để mua đồ dùng hàng ngày và thực phẩm đối nhiều người dân châu Á.
Tân Phát Địa là khu chợ cung cấp tới 90% thực phẩm tươi cho Bắc Kinh, Trung Quốc. Đó là lý do khi 45 người tại đây được phát hiện mắc COVID-19, nguy cơ bùng dịch cho toàn thành phố là rất lớn. Đặc biệt là khi virus có thể lây lan cả qua các đồ vật dùng để chế biến thực phẩm, như tại chợ Tân Phát Địa là một chiếc thớt thái thịt cá hồi nhập khẩu.
Chợ truyền thống của Indonesia. Ảnh: VOV
Ông Wu Zunyou - nhà dịch tễ học, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc cho rằng: "Có khả năng hàng hóa mang virus được nhập khẩu vào, sau đó hàng hóa lại được bảo quản trong môi trường đông lạnh, nhiệt độ càng thấp thì thời gian lưu giữ virus càng lâu. Nếu thực phẩm đông lạnh có virus, mầm bệnh có thể tồn tại từ hai đến ba tháng".
Lực lượng an ninh bên ngoài lối vào chợ Tân Phát Địa ở thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc hôm 13/6 Ảnh: Reuters
Trong khi đó, tại Indonesia - ổ dịch COVID-19 lớn của châu Á lúc này, các cụm lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng đang xuất hiện ngày một nhiều tại những khu chợ truyền thống. Đã có tới 535 thương nhân tại 20 tỉnh của Indonesia mắc COVID-19, trong đó 29 người đã tử vong. Nhiều chợ tại thủ đô Jakarta đã phải đóng cửa vì nguy cơ lan truyền virus.
Các gian hàng ở chợ tại Indonesia hầu hết chỉ cách nhau 1m do diện tích hạn chế, không đảm bảo quy định giãn cách cơ bản. Giới chức thủ đô Jakarta của nước này hôm qua đã cho áp dụng chính sách mở cửa ki-ốt chẵn - lẻ theo ngày để hạn chế số thương nhân đến các chợ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!