Sớm tiếp cận vaccine ngày nào, thì đồng nghĩa cơ hội thắng dịch, đưa đời sống kinh tế, xã hội trở lại quỹ đạo bình thường càng đến sớm ngày đó. Nên dễ hiểu chỉ cần có chút tiềm lực kinh tế, các nước sẵn sàng mạnh tay chi để mua được vaccine đầu tiên. Ngay cả trước khi Nga ra mắt vaccine đầu tiên trên thế giới, các quốc gia cũng đã chi tiền đặt hàng hàng tỉ liều từ nhiều hãng dược khác nhau. Khái niệm "chủ nghĩa dân tộc" vaccine được nhiều người nhắc đến, với ý hiểu, việc tiếp cận vaccine sẽ phân hóa theo khả năng tài chính quốc gia, và các nước nghèo hơn sẽ phải chấp nhận chờ và xếp hàng phía sau.
Ngay từ giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, vaccine COVID-19 đã kéo theo một cuộc chạy đua giành quyền sở hữu. Nước giàu thì nhanh chóng xí phần với hàng tỷ liều đặt hàng, ai cũng mong tiếp cận sớm nhất một khi vaccine được tung ra thị trường. Còn nước nghèo thì vốn đã khó khăn, lại càng bị bỏ xa hơn trong cuộc đua này.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng: "Khi một loại vaccine được tung ra thị trường, nhu cầu sẽ lớn hơn nguồn cung rất nhiều. Chính việc nhu cầu dư thừa và cạnh tranh nguồn cung đã tạo ra chủ nghĩa dân tộc vaccine và cuộc chiến giá cả".
Viện trưởng viện Gamaleya Alexander Gintsburg, nơi điều chế thành công vaccine COVID-19 của Nga. Ảnh: RT
Mỹ đã chi 2,1 tỷ USD để giành quyền ưu tiên đối với khoảng 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của 2 hãng dược Sanofi và GlaxoSmithKline. Trước đó, nước này cũng đã ký các thỏa thuận để mua tổng cộng khoảng 1 tỉ liều vaccine với các hãng dược phẩm khác. Liên minh châu Âu (EU) mới đây cũng đã đặt mua 400 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 tiềm năng do tập đoàn Johnson & Johnson của Mỹ phát triển.
Đến nay, EU đã chi khoảng 2 tỷ euro (2,4 tỷ USD) từ quỹ khẩn cấp để đặt mua vaccine nhằm đảm bảo đủ liều tiêm cho 450 triệu công dân của khối. Còn Anh cũng đã ký ít nhất 6 hợp đồng đặt trước vaccine COVID-19 với khoảng hơn 240 liều từ các hàng dược hàng đầu của Mỹ, Pháp.
Ở chiều đối lập, với nhiều nước nghèo ở châu Phi, tới nay thậm chí vẫn còn thiếu các loại vaccine phòng sởi, bại liệt, bạch hầu chứ đừng nói đến giấc mơ có đủ vaccine COVID-19. Nguồn lực thiếu thốn, nền tảng y tế lạc hậu, yếu kém làm họ càng trở nên bất lực. Thậm chí, nó còn tạo ra những nghịch lý.
Bà Ellen f.m.'t Hoen - Luật sư, Chuyên gia y tế cộng đồng bức xúc: "Sẽ thật lố bịch nếu người có nguy cơ thấp ở các nước giàu được tiêm vaccine, trong khi nhân viên y tế tại các nước nghèo thì không có cơ hội nhận mũi tiêm đó".
Trung Quốc đã đưa ra các tiêu chí để sớm phê duyệt vaccine Covid-19. (Nguồn: DPA)
Đã có những cam kết, hứa hẹn về tiếp cận bình đẳng vaccine, song cũng phải nhìn nhận một thực tế rằng để có đủ ngay vaccine cho toàn bộ dân số toàn cầu là một nhiệm vụ bất khả thi. Viễn cảnh các nước lớn độc quyền nguồn cung vaccine COVID-19 trong giai đoạn sớm là khó tránh khỏi.
Ông Emanuele Capobianco - Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế nhấn mạnh: "Chúng ta cần chống lại cái gọi là "chủ nghĩa dân tộc vaccine" - điều có thể xuất hiện trong một vài tháng tới nếu như nguyên tắc đoàn kết toàn cầu không được coi trọng. Tất nhiên, để nhanh chóng sản xuất và đảm bảo vaccine đủ nhu cầu là một thử thách lớn".
Ứng phó COVID-19 không chỉ là cuộc chiến với thời gan, dịch bệnh, nó còn đang là cuộc chiến giữa lợi ích quốc gia với lợi ích nhân loại. Bất đồng, tham vọng và chủ nghĩa dân tộc có thể khiến mọi nỗ lực đơn lẻ trở nên vô nghĩa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!